Xu thế nô lệ hóa thời đại
Thứ sáu - 06/04/2018 16:43
1862
Nạn nô lệ trên thế giới đã bị bãi bỏ từ khi có “Tuyên ngôn giải phóng nô lệ” năm 1863. Đến nay đã hơn một Thế kỷ nhưng tệ nạn này vẫn chưa chấm dứt: “Theo ILO, trên toàn thế giới hiện có hơn 21 triệu nô lệ hiện đại, trong đó có khoảng 14,4 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái, còn lại là đàn ông và trẻ em trai” (Dung Hà biên dịch, Cuộc chiến chống nô lệ thời hiện đại). Những nạn nhân này chủ yếu bị bọn buôn người bán làm nô lệ tình dục, nô lệ lao động. Trong xã hội hiện đại, ngoài hai hình thức nô lệ trên còn những kiểu nô lệ khác nữa mà chúng ta cùng tìm hiểu vấn nạn “nô lệ hóa” dưới đây.
Nô lệ trước kia phần lớn do thiếu hiểu biết, hoặc nghèo mà phải bán mình hoặc bán vợ con đi làm nô lệ. Họ có một cuộc sống chật vật, bần hàn, phải làm tôi mọi trong các tư gia, công trường, hầm mỏ và đồn điền… với qui định hết sức hà khắc của chủ nô, cộng thêm môi trường làm việc khắc nghiệt như muốn vắt kiệt sức lực. Vì thế, thể trạng của họ ngày một tiều tụy và xấu xí đi.
Ngày nay tuy không còn phổ biến cảnh bán mình hay bán con nhưng những hình thức nô lệ trở nên thật tinh vi và len lỏi vào khắp các môi trường khách nhau từ môi trường sản xuất tại những xí nghiệp cho đến môi trường gia đình và giáo dục bằng rất nhiều vỏ bọc khác nhau như: thiên về dáng vẻ bề ngoài quá mức, muốn mọi người nể phục về trình độ học vấn nên tìm cách mua bán bằng cấp, hoặc nô lệ cho lối sống tiện nghi qua việc thích hàng hiệu và dùng phương tiện đắt tiền cũng như hay lui tới những chỗ sang trọng…
Trong gia đình và học đường mà xưa nay vốn được xem là những môi trường an toàn và lành mạnh, ít có những hiện tượng tiêu cực thì nay cũng không hiếm các động thái chuyên quyền và áp đặt. Nhiều học sinh và sinh viên bị ép phải đáp ứng những điều kiện của giáo viên để đổi lấy điểm giỏi học bạ. Trong gia đình cha mẹ áp đặt con cái và ép chúng trường này hay chọn nghề kia mà quên rằng điều căn cốt nhất của con người là được tự do sống, học tập và làm việc phù hợp khả năng của mình.
Ngay cả môi trường tu trì cũng không phải là bất khả xâm phạm đối với hiện tượng này. Nó biểu hiện qua một số bậc tu trì chay theo những toan tính về vật chất, trang bị cho mình những phương tiện đôi khi không thật cần thiết so với nhu cầu thực tiễn.
Tất cả những trường hợp vừa nêu trên, dù tự nguyện hay do hoàn cảnh bị đẩy vào đám mây đen của sự nô lệ mà chắc hẳn họ cũng không muốn mình trở nên xấu xa trong mắt người khác bất kể theo nghĩa nào. Nhưng có lẽ họ chưa có cơ hội hoặc chưa được người có thành tâm thiện chí hướng dẫn thoát khỏi sự mê lầm nhất thời ấy. Hơn nữa chính trong những xu thế tiêu cực này của xã hội chúng ta vẫn còn một niềm tin tưởng sẽ có một lúc nào đó, một ai đó chỉ lối soi đường giúp nhân loại can đảm, đứng lên đạp đổ hàng rào nô lệ đã dựng lên ngăn cản con người tiến tới đời sống tự do trong ân sủng.
Niềm hy vọng này chỉ có thể đặt trọn nơi Đức Kitô Phục Sinh. Khi đến trần gian thi hành sứ mạng Đức Giêsu không kêu gọi đấu tranh đòi tự do hay giải phóng nô lệ nhưng Ngài đã giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi. Khi nhìn vào cuộc sống thiếu thốn, bất ổn định, nay đây mai đó của Ngài chúng ta hiểu được, chỉ khi thoát khỏi sự lệ thuộc vào của cải vật chất, hư vinh con người mới hoàn toàn tự do, không bị những ảo tưởng về địa vị quyền bính mang lại. Nhận thức rõ điều này giúp mỗi người luôn biết trân trọng giá trị bản thân cũng như biết tôn trọng tài năng, sở thích của người khác, đồng thời cũng không áp đặt hay muốn người khác lệ thuộc mình.
Nhắc tới nạn nô lệ cũ và hình thức nô lệ hóa trong xã hội hiện đại, qua đây mời gọi các Kitô hữu ý thức việc mình đã được cứu khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của Đức Giêsu Phục Sinh ra sao. Và cần phản tỉnh trước mọi hình thức “nô lệ hóa” nơi ta đang sống, đừng đổi vinh quang tự do Thiên Chúa đã dành cho ta trên Thiên quốc lấy những thứ tạm bợ, nay còn mai mất của trần gian. Hãy khiêm cung cúi xuống để ánh sáng Lời Chúa chiếu soi cho tâm hồn và lánh xa tội lỗi, vì: “Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi…” (Ga 8, 34-35).
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu