Chứng nhân cho một tình yêu vô bờ
Thứ sáu - 26/08/2022 04:19
1168
“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá!”.
Nigel Wright nói, “Thiên Chúa không phải là tác giả của điều ác, Ngài là tác giả của sự sáng tạo và rủi ro vốn có trong nó. Thập giá có ý nghĩa rằng, kẻ đau khổ nhất vì tội lỗi là chính Thiên Chúa, không phải con người! Chính bằng cái chết của Chúa Kitô trên thập giá, quyền lực sự ác mới thực sự bị đánh bại; Ngài là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ!’”.
Tư tưởng của Nigel Wright được gặp lại qua bài đọc Côrintô hôm nay, một trong những bản văn hay nhất nói về thập giá! Chúa Kitô là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ của Thiên Chúa Cha! Trước tình yêu đó, con người có thể đón nhận hay chối từ. Tin Mừng hôm nay nói đến hai nhóm trinh nữ, biểu tượng cho việc đón nhận hay từ chối Ngài, ‘Chàng Rể’ có tên Giêsu Kitô.
Trước hết, Phaolô cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện nơi thập giá Đức Kitô; dù với thế gian, thập giá là một điên rồ. Phaolô xác tín, “Vì chưng, người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm khôn ngoan; còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”. Cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh, Phaolô không ngần ngại sống chết cho Ngài, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”; và con người này thật sự đã trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ ấy. Thập giá Chúa Kitô vượt quá mọi trí hiểu. Nó không đòi hỏi phải thông minh và học hỏi nhiều; nó có thể được nhận biết, yêu mến, bởi một người hoàn toàn mù chữ. Thập giá không phải là một thông điệp về chiều sâu trí tuệ, mà là một lời sống động công bố một chân lý ngàn đời, “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, đúng như Thánh Vịnh đáp ca tán tụng, “Tình thương Chúa chan hoà mặt đất!”.
Thứ đến, đón nhận hay chối từ tình yêu ấy là tự do của mỗi người! Tin Mừng nói đến mười trinh nữ đi đón chàng rể; trong đó, năm cô khôn ngoan, mang đèn, dầu đầy bình, đón được chàng; năm cô khờ dại mang đèn, không đem dầu theo, bị bỏ lại bên ngoài. Chàng rể ở đây chính là Chúa Kitô, như có lần, Ngài ví mình như một chàng rể. Với cái nhìn của Phaolô hôm nay, chàng rể chính là Chúa Kitô, một Chàng Rể bị đóng đinh trên giá gỗ để cứu lấy con người, ban cho nó hạnh phúc, hưởng kiến sự sống đời đời. Như vậy, Chàng Rể Giêsu Kitô, hiện thân của Đấng Cứu Độ, là ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ của Cha trên trời. Vậy bạn thuộc nhóm trinh nữ khôn ngoan hay nhóm trinh nữ ngơ khờ; bạn có đón được Ngài không? Bạn đang bỏ lỡ điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống? Không chuẩn bị trước có thể dẫn đến những rắc rối không đáng có,và thậm chí là thảm hoạ! Áo phao để lại trên bờ khi thuyền đang chìm thì có ích gì?
“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá!”. Được tình yêu Chúa Kitô chiếm hữu, Phaolô say mê Ngài; chịu thương, chịu khó để loan báo Ngài; và cuối cùng, đổ máu mình minh chứng ơn cứu độ của Ngài. Như Phaolô, suốt hai ngàn năm qua, bao con người đã được tình yêu Ngài thúc bách, trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’. Cũng chính cách thức ấy, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hôm nay trở nên chứng nhân, tỉnh thức với mọi bất trắc, hy sinh trong đời, biết đón nhận những khốn khó không thể tránh với mong ước hiệp thông với Đấng Chịu Đóng Đinh ấy. Được như thế, là chúng ta đang chuẩn bị dầu đèn cho mình. Vậy hãy tập trung vào hiện tại, ‘ở đây, lúc này’, cho dù lúc này có thể là lúc chúng ta đang vác lấy thập giá nặng nhất; và cho dù Chàng Rể đến sớm hay muộn, sẽ không thành vấn đề, vì Ngài đã luôn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bấy giờ, chính chúng ta cũng đã trở thành ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’ khi yêu mến ôm chặt thập giá đời mình!
“Lạy Chúa, để có thể trở nên ‘chứng nhân cho một tình yêu vô bờ’, xin giúp con chọn Chúa mỗi ngày, dù là phải chọn ‘một Chúa trên thập giá’. Giúp con chọn một cách quyết liệt nhất!”, Amen.