Hoàn thiện bản thân mỗi ngày để đến gần Chúa
Thứ tư - 24/08/2022 04:47
712
Trong tiến trình hoàn thiện bản thân, ai trong chúng ta cũng đều có những nết xấu cần phải từ bỏ, những đam mê bất chính cần phải buông bỏ. Sống đời Ki-tô hữu chân chính là chấp nhận phải từ bỏ những thói hư tật xấu để tâm hồn chúng ta thực sự được an bình trong Chúa. Chúng ta không chỉ từ bỏ những điều xấu, nhưng thậm chí cũng có những điều tốt cần phải từ bỏ để chọn lựa điều tốt hơn, điều giá trị hơn, điều mang lại cho chúng ta những hiệu quả lớn hơn trong cuộc sống. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng khi đã an vị rồi, khi đã ổn định trong vỏ bọc an toàn rồi thì việc từ bỏ một điều gì đó đều khiến cho người ta phải tiếc nuối. Đơn giản như việc từ bỏ một số công việc để đi Lễ đúng giờ, rồi tắt điện thoại, tắt Tivi để đọc kinh, dành thời gian để cầu nguyện…
Đấy là chúng ta chưa nói đến những thứ phức tạp hơn mà chúng ta cần phải từ bỏ như một thói quen xấu, một đức tính xấu, một đam mê xấu nào đó vì lợi ích của bản thân và gia đình. Chúng ta thấy, từ bỏ những ý riêng của chúng ta để thuận theo ý Chúa là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta thấy, nếu hy sinh từ bỏ một tư tưởng xấu, một hành vi xấu, ngay cả hy sinh từ bỏ một điều tốt để chọn điều tốt hơn vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Nếu như tâm chúng ta hướng đến những lý tưởng thiêng liêng cao đẹp trong cuộc sống này thì sự buông bỏ một điều gì đó sẽ dễ dàng hơn.
Dĩ nhiên, không ai trong chúng ta phủ nhận cái độ khó của sự từ bỏ những tham sân si của chúng ta. Cũng là bởi vì cuộc sống luôn đem đến cho ta nhiều sự chọn lựa. Có những chọn lựa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những chọn lựa khác. Càng chọn lựa những giá trị cao quý, chúng ta càng phải hy sinh từ bỏ nhiều để đáp ứng được những đòi hỏi của sự chọn lựa ấy. Mỗi người Ki-tô hữu chúng ta là những người chọn theo con đường của Chúa Giê-su. Chọn theo con đường của Chúa Giê-su chính là chọn đi trên một con đường hẹp, con đường đầy rẫy những sự hy sinh và cần lắm lòng yêu mến và sự khát khao đến với Chúa, đến với cõi phúc chân thật. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực đặt Danh Chúa, ý Chúa lên trên tất cả và làm cho danh của chúng ta, ý riêng của chúng ta nhỏ lại để chúng ta có thể đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời.
Nước Trời trong bài Tin Mừng hôm nay được so sánh với một phòng tiệc. Ai mau mắn đáp lại lời mời của chủ thì được vào. Còn ai cứ lừng khừng, chậm trễ thì không được hưởng những phần phúc của bữa tiệc Nước Trời ấy. Thế nên, hạnh phúc Nước Trời chỉ dành cho những ai mau mắn lắng nghe và thực thi lời mời gọi của Chúa. Còn ai suy nghĩ rằng còn lâu cửa Nước Trời mới đóng lại, có nghĩa là nghĩ rằng cứ thoải mái mà ăn chơi mà phạm tội để rồi không ăn năn sám hối, sống trong mê đàng tội lỗi, sống bất trung bất nghĩa không nghĩ đến ngày mai, tương lai của linh hồn thì sẽ nhận lấy lời phán xét của Chúa như trong bài Tin Mừng hôm nay “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta hỡi những quân làm điều bất chính”. Chúng ta thấy, con người chúng ta khi còn mang thân phận xác đất vật hèn, ai cũng đều có những lúc sa cơ lỡ bước trong việc hoàn thiện chính mình. Nếu như ai không thực sự cố gắng hoàn thiện chính mình trong việc từ bỏ những khuynh hướng và việc làm xấu, thì chắc chắn sẽ tự chuốc lấy sự bất hạnh, sự thiệt thòi cho linh hồn.
Chúa không hề khắt khe với mỗi người chúng ta. Nếu có khắt khe, nếu có sửa dạy là vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Thư gửi tín hữu Híp-ri mà chúng ta vừa lắng nghe trong bài đọc thứ hai còn cho chúng ta thấy rằng ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.
Như thế, chúng ta sẽ thấy rằng, Chúa muốn chúng ta đi qua cửa hẹp là vì Chúa yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta loại đi khỏi bản thân những gì là rác rưởi tội lỗi, những gì là bất nhân, bất hiếu, bất nghĩa, bất tín, những gì là tha hóa thoái hóa lương tâm để chúng ta trở nên những người tự do đích thực, có thể dễ dàng đến gần Chúa hơn. Đến gần Chúa là đến gần với cùng đích tối hậu của cuộc đời chúng ta, là nguồn bình an và hạnh phúc viên mãn bên Chúa muôn đời. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi mỗi ngày hãy sống tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng từ bỏ những đam mê bất chính vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến linh hồn chúng ta. Để rồi từ đó, chúng ta làm giảm bớt đi những ràng buộc của tội lỗi mà sống công chính thánh thiện trước nhan thánh Chúa. Amen.
Tác giả: Lm. Gioan B. Vũ Văn Khắc