Nói lời xin lỗi khó hay dễ ?
Thứ bảy - 12/12/2015 14:53
2873
…Thật ấn tượng đối với tôi : lời xin lỗi của anh tàn tật trong thánh lễ hôm nay. Anh ta đã không ngớt nói lời xin lỗi cho đến khi đứng lên được…
Chuyện là : trong Thánh lễ, khi đến phần truyền phép Thánh Thể, tôi quỳ xuống. Anh thanh niên tàn tật này cũng quỳ theo, nhưng anh không có khả năng để quỳ về mặt thể lý. Vì vậy, anh đã té nhào xuống. Người đồng hành với anh đã dịu dàng đỡ anh đứng lên. Sự té xuống của anh đã gây tiếng động mạnh trong nhà thờ, và mọi người quay xuống nhìn anh ; còn anh, anh đã không ngớt nói : « Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi… ». Lời nói này đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn tôi, và mở ngõ để tôi suy ngẫm một chút về đề tài này : Nói lời xin lỗi, khó hay dễ ?
Để trả lời cần đề cập đến từng thành phần và từng môi trường khác nhau.
Trong một nền giáo dục đúng đắn, nghĩa là đề cao giá trị nhân bản, tôn trọng người khác, đặc biệt là tôn trọng sự thật : con người không ngại nói lời xin lỗi người khác khi nhận ra mình đã có lỗi, xin lỗi chính mình khi giác ngộ rằng mình đã thiếu lòng tự trọng.
Theo một lối sống vị kỉ, con người chỉ biết đến mình và mưu ích riêng cho mình : tôi thiết nghĩ, thật khó có được một bông hoa « xin lỗi » nở nơi môi miệng những con người này. Họ luôn cho rằng : họ là người đúng ; họ có quyền làm như thế ; và thậm chí tự nghĩ : họ có quyền đòi hỏi như thế. Chỉ khi những con người quy cá nhân này nhận ra chân giá trị cao đẹp nơi người khác và sự hạn hẹp nơi bản thân họ, thì hạt giống « xin lỗi » mới nảy mầm.
Trong thực tế, ai cũng hiểu : lời xin lỗi rút ngắn khoảng cách giữa người với người, làm cho sự rạn nứt được hàn gắn, làm cho sự hiểu lầm được giải toả, làm cho sự thù hằn trở nên tình thương mến, làm cho đôi bên nhận ra vấn đề sáng suốt hơn và cùng nhau đi đến một sự hiệp nhất cần thiết. Thế nhưng, từ « hiểu » đến « hành » qủa là một chặng đường dài gian nan và lắm chướng ngại vật. « Dài » bởi « tôi » có lỗi gì mà phải xin lỗi ? Ngay cả khi lỗi rành rành nhưng « tôi » vẫn tìm đủ mọi cách để biện minh. « Gian nan » bởi người đó là ai mà « tôi » phải hạ mình xin lỗi ? Lòng kiêu hãnh của « tôi » còn cao lắm ! « Chướng ngại vật » từ không gian đến thời gian, từ biến cố đến con người…Chẳng vậy mà ta thử hỏi : có mấy người lớn xin lỗi kẻ nhỏ, người giàu xin lỗi kẻ nghèo, bề trên xin lỗi bề dưới ?… Không phải vì họ ít phạm lỗi, nhưng vì họ không đủ khiêm tốn để nói lời xin lỗi – một lời nói mà đúng ra, những người thuộc « tầng lớp trên » phải thấu hiểu : Lời xin lỗi làm tăng giá trị nhân bản và lòng tự trọng, cũng như sự tôn trọng nơi họ.
Ước gì : Trong Mùa Vọng này, theo lời mời gọi của Thiên Chúa qua môi miệng của thánh Gioan Tẩy Gỉả : « Hãy dọn đường Chúa, san bằng lối Người đi » (Mt 3, 3), mỗi người chúng ta dành chút thời gian để nhìn lại bản thân, tương quan với tha nhân và tương quan với Thiên Chúa ; sẵn sàng làm hoà với người khác và can đảm nói lời xin lỗi nếu cần, để cùng nhau vui đón lễ Giáng Sinh trong an bình và sống Muà Giáng Sinh hạnh phúc.
Giọt Mực