Cha xứ là tư tế chứ không là chuyên viên kinh tế
Thứ tư - 16/12/2015 09:57
3394
Con xin phép quý Cha để con kể cho cộng đoàn câu chuyện Bà Năm bên Thái Bình đi chợ Cát. Chuyện vừa xảy ra cách đây chừng một tiếng.
Chuyện là thế này:
Bà Năm ơi! Bà có biết chuyện gì không?
Chuyện gì thế bà?
Có thật bà không biết?
Này bà, tôi không biết thật mà. Chuyện gì vậy?
Chuyện vui lắm. Nếu bà không biết thì tôi nói cho bà nghe. Chuyện là thế này. Sáng nay, tí tẹo nữa là tôi về đi lễ.
Ơ??? Thế bà vẫn còn kem. Bà chưa bán hết mà.
Hôm nay trời rét nên ế rồi bà ạ. Tôi về lễ thôi.
Lễ gì vậy bà?
Lễ đón cha xứ mới bà ạ. Xứ Cát Xuyên tôi mong mỏi mãi đến hôm nay mới có Cha xứ đấy bà ạ. Mọi người vui lắm vì từ nay chúng tôi được đi lễ hàng ngày đấy bà. Ai già cả muốn xức dầu là có Cha ngay. Nhất là các cháu thiếu nhi. Có Cha về các cháu được dạy dỗ. Tôi mừng lắm bà ạ.
Vậy bà cho tôi hỏi: Cha xứ mới ở đâu về?
Nào tôi có biết. Tôi chỉ nghe mấy ông bà trong hội dòng Ba nói là cha ở mãi tận bên Nghĩa Hưng, xứ Ninh Hải, xa lắm bà ạ.
Vậy thì đi đón Cha xa lắm bà nhỉ?
Không. Tôi nghe nói Cha làm cha giáo ở dưới Bùi. Sáng nay đón Cha từ Bùi về bà ạ!
Này! Bà nhìn kìa! Xe các Cha đang về lễ đấy. Sao mà đông Cha thế không biết?
Cha nào là Cha xứ của bà?
Nào tôi có biết, nhưng tôi tin rằng sau lễ, Cha nào ở lại thì Cha đó là Cha xứ của tôi bà ạ.
Bà nói chí phải! Bà có biết Cha xứ hôm nay được gọi là gì không bà?
Tôi đã nhớ được tên của Cha đâu. Hôm qua bà Tí nói lí nhí với tôi mà tôi quên phéng đi mất.
Không! Ý tôi là Cha xứ mới về gọi là gì cơ mà. Ở bên Thái chúng tôi cứ mỗi lần có một Cha xứ mới về nhận xứ thì mọi người gọi là cô dâu bà ạ.
Ấy chết sao lại gọi Cha là cô dâu được? Cha là cha phần hồn của mình mà lại gọi là cô dâu được à???
Tôi chả biết, ở bên Thái chúng tôi cứ hay gọi vậy bà ạ.
Tôi thì tôi chả được học hành gì. Tôi chỉ biết Cha là cha linh hồn của mình thôi.
Cái bà này chả hiểu gì sất. Cha mới về xứ thì gọi là cô dâu chứ còn gì!?
Cháu chào hai bà.
Vâng chào chú.
Ấy bà. Đây là nhà Thầy đang học ở chủng viện.
Xin chào Thầy.
Vâng con chào các bà.
Thầy đi đâu vậy Thầy?
Dạ Bề Trên sai con đi có chút việc nên con đi qua đây mà xe lại bị bục xăm. Con đang chờ ông trùm Chánh vá cho.
Tội nghiệp Thầy. Mà Thầy ơi. Thầy cho tôi hỏi có phải các Cha về coi xứ thì được gọi là những cô dâu không Thầy?
Dạ. Con đang học chủng viện nên con cũng không nắm rõ. Nhưng con hiểu thế này: Cha không phải là cô dâu. Cha về đây không phải để làm dâu đâu bà ạ.
Thế cha về đây để làm gì?
Cha về đây để coi sóc giáo xứ. Con nhớ trong Phúc Âm có lần Chúa nói với thánh Phê rô:
«Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.» Nói như vậy để các bà và mọi người trong xứ hiểu rằng giáo dân không đòi cho mình cái quyền được làm «mẹ chồng» cha xứ. Và vì thế, cha xứ cũng không có bổn phận phải làm «dâu» các mẹ chồng. Vậy nên đừng có ai gọi cha xứ của mình là con dâu. Mọi người phải gọi ngài là mục tử của Chúa. Cha xứ là người của Chúa được Chúa sai đến để chăm lo, coi sóc đoàn chiên trong xứ. Vì thế, mọi người phải kính trọng, lắng nghe, cộng tác và giúp đỡ ngài để ngài chu toàn sứ vụ Chúa trao.
Vậy Thầy nói cho tôi tại sao người ta lại bảo: Cha xứ là con dâu? Và mọi người là những mẹ chồng của cha xứ?
Thưa hai bà đây chỉ là câu nói vui trong ngày Cha xứ mới về nhận xứ mà thôi. Một sự bỡ ngỡ như một nàng dâu xưa kia những ngày đầu mới về nhà chồng. Từ hình ảnh nàng dâu ngoan hiền này mọi người liên tưởng tới các Cha đi xứ trong vai trò là một mục tử, phục vụ, gắn bó, chăm sóc cho đoàn chiên nên mới gọi vui các Cha là người đi làm dâu chứ thực sự các cha là những « người đi câu chứ không phải làm dâu » đâu hai bà ạ.
Thầy là người nhà Đức Chúa Trời có khác. Thầy nói dễ nghe quá. Hôm nay nhờ Thầy nói tôi mới hiểu ra. Không thì cứ gọi cha xứ là con dâu. Từ nay chúng tôi không dám gọi vậy nữa Thầy ạ.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Đây là mẩu chuyện của bà Năm đi chợ Cát. Mẩu chuyện cuả bà Năm giúp chúng ta hiểu đôi chút về hình ảnh người mục tử của Chúa. Người được Chúa gởi đến giáo xứ để coi sóc giáo xứ. Đến giáo xứ Cha sẽ giảng dạy, dâng lễ, cử hành các bí tích và quản trị giáo xứ. Vì thế:
Cha xứ là một ngôn sứ chứ không phải là một thiên tử giáng trần.
Nếu có ai đến hỏi Cha: Cha ơi! Cha có phải là đấng phải đến không? Hay chúng con còn phải chờ một ai khác? Con nghĩ rằng Cha xứ sẽ không dám nhận mình là đấng phải đến đâu. Cha sẽ noi gương thánh Gioan Tiền Hô trong Tin mừng hôm nay. Gioan không dám nhận mình là đấng phải đến đâu. Lúc ấy, hai môn đệ của Gioan đến hỏi Chúa Giêsu:
"Thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" Khi đến gặp Ðức Giêsu, hai người ấy nói: "Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Ðấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (…) Chúa Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi". (x. Lc 7, 18-23).
Gioan hay Cha xứ chỉ là người chỉ cho người ta biết Chúa, biết Thiên Tử là ai chứ chắc chắn chẳng dám nhận mình là thiên tử đâu. Cha là một ngôn sứ của Chúa. Bước sang khía cạnh thứ hai.
Cha xứ là một tư tế chứ không phải là một chuyên viên kinh tế.
Hàng ngày cha lo dâng lễ, cầu nguyện và cử hành các Bí tích. Ở nhiệm vụ này chúng ta thấy hình ảnh một mục tử, một cha xứ thật là đẹp khi cha thiết tha trong lời cầu nguyện. Cha gắn bó với đoàn chiên trong xứ. Ở đây con rất thích hình ảnh của Abraham. Abraham là hình mẫu của những Cha xứ. Con xin trích dẫn mẩu đối thoại giữa Abraham với Chúa.
Trong những ngày ấy, Chúa phán: "Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề!(…)
Abraham thưa với Chúa: "Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? (…) Xin đừng làm thế! (…) Chúa phán cùng Abraham rằng: "Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành". Abraham thưa lại: "Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong (…) trong thành chỉ có bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành". (…) Nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?" Chúa phán: "Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành". Abraham thưa: (…) Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt". (…) Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát". Abraham thưa: "Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?" Chúa phán: "Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá".
Đẹp quá hình ảnh một vị trung gian. Đẹp quá hình ảnh một Cha xứ là cây cầu nối giữa Thiên Chúa và đoàn chiên trong xứ. Từ nay, Cha sẽ sống chết với đoàn chiên. Cha là tư tế chứ chẳng phải là một chuyên viên kinh tế, suốt ngày lo đi kiếm tiền như ai đó mong muốn. Ở điểm này Cha tân Chánh xứ đã nhắc con cách nay mấy hôm. Bước tới nhiệm vụ thứ ba.
Cha xứ là một mục tử chứ không phải là một công tử.
Cha xứ về xứ là một mục tử chứ không phải là một công tử cỡi ngựa dạo chơi quanh công viên Cát Xuyên. Cha lo quản trị giáo xứ. Cha lo xây dựng giáo xứ mỗi ngày mỗi đi lên theo ý Chúa. Nhưng thưa Cha tân chánh xứ, công việc của người mục tử thật không đơn giản và nhẹ nhàng chút nào. Các cha đồng tế hôm nay hầu hết là cha xứ. Con nghĩ rằng làm cha xứ luôn có cái khó, cái khổ và cái khốn của “nghề” mục tử. Xứ nào cũng vậy. Xứ nào cũng có thánh giá. Nói đến đây, thưa Cha con lại nhớ đến lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ, một lời căn dặn thật đẹp. Lời ấy là: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Đến tận thế Chúa vẫn còn ở với Cha đấy thưa Cha. Vậy nên Cha đừng có sợ. Con mong Cha luôn có những ngày tháng thật an bình tại giáo xứ. Con kính chúc Cha và mọi người trong giáo xứ Cát Xuyên luôn hiệp nhất trong yêu thương.
Kính thưa quý Cha và cộng đoàn. Phần chia sẻ của con đã hết. Câu chuyện của bà Năm đi chợ Cát đến đây cũng hết. Con xin cám ơn.
Tác giả: Lm. Giuse Vũ Ngọc Tứ