Hàng năm, cứ đến tháng Ba, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm dung mạo thánh Giuse - cha nuôi của Đức Giêsu và là Bạn Trăm Năm của Đức Maria. Trong niên lịch phụng vụ, nhất là trong số các vị thánh được Giáo hội mừng kính, thánh Giuse luôn được tôn vinh một cách đặc biệt. Bởi lẽ, thánh nhân có vị trí quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và là mẫu gương tuyệt hảo cho người Kitô hữu trong cuộc lữ hành trần gian. Mừng lễ thánh Giuse, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm và ngưỡng mộ thánh nhân, nhưng quan trọng hơn cả là cùng nhau suy niệm và bắt chước các nhân đức của Ngài. Có thể nói, nơi con người thánh Giuse, Đức Tin chính là vẻ đẹp rạng ngời nhất, chiếu sáng cho mọi Kitô hữu trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Để có cái nhìn sâu xa về nhân đức quan trọng này, người viết xin được chia sẻ vài điểm chính yếu sau đây:
Thánh Giuse, người vâng phục Thiên Chúa cách tuyệt đối
Phụng vụ Lời Chúa trong ngày lễ thánh Giuse, Giáo hội cho con cái mình chiêm ngưỡng Đức tin của Tổ phụ Abraham. Abraham được hưởng lời chúc phúc của Thiên Chúa. Ông trở thành tổ phụ của dân tộc Israel, bởi ông đã đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Thiên Chúa đã gọi ông rời bỏ quê cha đất tổ, để đi đến một vùng đất Ngài sẽ chỉ cho. Ông đã bỏ lại sau lưng tất cả, để đi theo tiếng gọi xem ra vô định, đi mà không biết mình đi đâu, không cần biết tương lai phía trước ra sao, thậm chí đến cả đứa con trai duy nhất, ông cũng sẵn sàng sát tế để dâng Thiên Chúa. Nhờ Đức tin, Abraham đã vâng phục Thiên Chúa cách tuyệt đối. Đức tin của Abraham có gì liên hệ với Đức tin của thánh Giuse?
Có thể nói, trong Đức tin, thánh Giuse cũng vâng phục Thiên Chúa một cách vô điều kiện. Tuy nhiên, để Abraham tin vào Thiên Chúa và để ông trở thành cha của những kẻ tin, thành tổ phụ của một dân tộc, Thiên Chúa phải nhắc đi nhắc lại về lời hứa dành cho ông; thì nơi thánh Giuse lại khác, Tin mừng Mátthêu thuật lại, khi biết Đức Maria mang thai, thánh Giuse đầy bối rối, và trong lòng bắt đầu có những toan tính. “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19). Thánh Giuse hoang mang trước sự kiện làm mẹ “kỳ lạ” của Đức Maria. Ngay khi đang toan tính như vậy, Sứ thần của Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20). Một điều lạ xảy đến, nếu như Đức Maria được Thiên Chúa sai Sứ thần đến tận nhà để hỏi ý kiến về kế hoạch làm Mẹ Đấng Cứu Thế, thì nơi thánh Giuse, Thiên Chúa cũng vẫn chỉ dùng những mệnh lệnh, mà không hề cho Giuse một sự chọn lựa nào. Dẫu vậy, thánh nhân vẫn vâng phục cách tuyệt đối và thi hành lệnh truyền đó vô điều kiện: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1, 24a). Đó là một đức tin tuyệt đối, không mảy may toan tính thiệt hơn, dù thánh nhân chưa thấu đáo những uẩn khúc huyền nhiệm, trong khi tất cả chỉ là một tín hiệu chập chờn trong giấc chiêm bao.
Thánh Giuse sống Đức tin bằng hành động
Thánh Giacôbê quả quyết: “Đức tin không có việc làm là Đức tin chết” (Gc 2,17). Hành động chính là hoa trái của đức tin. Đức tin chỉ thực sự sống động khi được diễn tả trong việc làm của tình yêu. Đức tin tựa như một viên ngọc quý giá Thiên Chúa tặng ban cho con người, nhưng không phải là thứ để người ta cất giấu vào nơi an toàn, nhưng Đức tin phải là một hạt giống, nó cần được vun trồng, tưới gội và mọc lên xanh tươi. Đức tin kích thích hành động, và hành động nuôi dưỡng đức tin, làm cho đức tin sống và tăng trưởng không ngừng. Đức tin không phải là cái gì đó trừu tượng, nhưng được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Nhờ Đức tin, ông Ápraham đã ra đi theo tiếng Chúa gọi, sẵn sàng hiến tế con trai duy nhất. Đức tin đã khiến Ábraham hành động, ông ra đi và làm những gì Chúa muốn.
Thánh Giuse cũng vậy, suốt những trang Tin Mừng, thánh nhân không nói lời nào, nhưng lại nói rất nhiều bằng hành động. Hành động nền tảng mang tính quyết định là việc thánh Giuse đón Maria đang mang thai về nhà mình. Hành động khởi đi từ lòng tin đã góp phần khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của thánh Giuse trong lịch sử cứu độ. Thật vậy, Người ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra, nếu Giuse quyết tâm từ chối Maria. Theo luật, Maria có thể bị ném đá vì vướng vào tội ngoại tình (Đnl 22, 23-27), Con Thiên Chúa trở thành đứa con hoang và có thể chết trước khi chào đời, ơn cứu độ sẽ bị đổ vỡ từ trong trứng nước. Chúng ta thấy được sự mau lẹ nơi hành động của Thánh Giuse trước kế hoạch của Thiên Chúa: “đang đêm”, “trỗi dậy”. Có thể nói, Thánh Giuse luôn sống tỉnh thức và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong mọi sự. Những hành động của thánh Giuse được kể là hoa trái tuyệt diệu của Đức tin.
Thánh Giuse trở nên công chính nhờ lòng tin
Thánh Phaolô nói: “Con người được trở nên công chính nhờ Đức tin” (x. Rm 3, 28). Abraham chịu nhiều thử thách đe doạ niềm tin, đặc biệt là việc Thiên Chúa muốn ông sát tế người con trai duy nhất của mình. “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán” (Rm 4, 18). Phụng vụ Lời Chúa nêu bật mẫu gương của những con người công chính, người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, cho dẫu họ không hiểu kế hoạch của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa hứa với vua Đa vít dòng dõi ông sẽ làm vua cai trị tới muôn đời. Điều này được thực hiện qua Đức Kitô, Ngài thuộc dòng tộc Đa vít và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận. Bài đọc II, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời. Lời hứa này được thành toàn nơi Đức Kitô, và nơi tất cả những ai tin vào Người, họ cũng sẽ trở thành con cháu của Abraham.
Trong bài Tin Mừng, Mát thêu khéo léo diễn tả sự công chính của thánh Giuse: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính” (Mt 1, 20). Quả thật, Giuse là Đấng công chính, khi thánh nhân không dám nhận những gì không thuộc về mình. Ngài muốn trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa. Bào thai trong lòng Đức Maria là quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thánh nhân không dám lãnh nhận địa vị cao sang là trở nên cha nuôi của Đức Giêsu. Thánh Giuse tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa, ngay cả trong những điều xem ra phi lý, đến độ lý trí không thể giải thích được. Có thể nói, thánh nhân trở nên công chính nhờ lòng tin vào Thiên Chúa. Đức tin của thánh nhân thật lớn lao, và vì thế, sự công chính của thánh nhân trổi vượt, xứng đáng được Tin Mừng ca tụng.
Thánh Giuse là gương mẫu Đức tin cho người Kitô hữu
Người Kitô hữu học nơi thánh Giuse bài học của sự thinh lặng, âm thầm chu toàn bổn phận hằng ngày trong sự tín thác, biết giữ vững đức tin trong những lúc nguy nan, sẵn sàng đón nhận bất ngờ Chúa gởi đến. Giữa một thế giới con người đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và vơi cạn sự tin tưởng lẫn nhau, người tín hữu còn được mời gọi khám phá cốt lõi của đức tin, đi vào cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa. Thánh Giuse làm tỏa lan cho mọi người về sự công chính trong đức tin, trả cho người khác những gì thuộc về họ. Bên ngoài xã hội, người ta đua nhau chiếm đoạt những gì không phải của mình, chiếm đoạt vật chất của cải, danh dự, phẩm giá quyền lợi, uy tín, tiếng nói, cả ý kiến và tự do, do đó, gương Đức tin của thánh Giuse dạy người ta biết nhận ra dấu chỉ của thời đại, để gắng sức xây dựng quê hương trần thế mỗi ngày thêm tươi đẹp. Người Kitô hữu không nhận lãnh Đức tin một lần rồi xong, nhưng phải làm cho Đức tin ấy không ngừng sinh hoa kết trái, qua việc siêng năng tham dự Thánh lễ, đón nhận các Bí tích, sống đời sống yêu thương huynh đệ, để làm cho Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.
Nói tóm lại, thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế, nhưng Ngài đã trao tặng cho chúng ta một tấm gương sáng về Đức tin của người luôn lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Mỗi người hãy năng chạy đến với thánh Giuse, vì lời cầu bầu của thánh nhân rất có hiệu lực trước tòa Thiên Chúa. Trong ngày lễ kính thánh nhân hôm nay, mỗi người hãy xác tín như tâm tình của thánh nữ Têrêsa Avila:” Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng thánh Giuse mà không được như ý. Dường như Thiên Chúa ban ơn cho các thánh giúp ta việc này việc nọ nhưng kinh nghiệm cho tôi biết Thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy danh Chúa mà xin những ai không tin lời tôi hãy thử mà xem”.
Tác giả: Tâm Thành