Thứ 5 sau Lễ Tro Năm C
Lc 9,22-25
Bài Tin Mừng thuật lại lời tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất của Đức Giê-su cho các Tông đồ và nói rõ cho các ông biết Đức Ki-tô đích thực là thế nào: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế và các Luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Các Kỳ lão, các Thượng tế và các Luật sĩ là ba hạng người lập thành Thượng Hội Đồng Do Thái, cơ quan sẽ kết án Đức Giê-su. Sau đó, Ngài kêu gọi mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Như thế, lời mời gọi của Đức Giê-su mang tính phổ quát dành cho tất cả mọi người và điều kiện theo Ngài là từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày.
Trước hết, từ bỏ chính mình là từ bỏ cái tôi của mình. Cái tôi ấy chính là tôi chứ không phải ai khác hoặc cái bản ngã nơi mỗi người là nguồn gốc gây ra mọi tội lỗi, hay gọi là “Bảy mối tội đầu” (kiêu ngạo, nóng giận, ghen tị, ham tiền của, ham ăn uống, ham sắc dục, lười biếng). Và bảy mối tội này chia làm ba nhóm chính:
Danh vọng gồm tội kiêu ngạo và tội nóng giận. Lợi lộc gồm tội ghen tị và tội ham tiền của. Lạc thú gồm tội ham ăn uống, tội ham sắc dục và tội lười biếng. Do vậy, ai muốn trở thành người môn đệ Đức Giê-su, phải sống theo Ngài, nghĩa là từ bỏ “danh – lợi – thú”. Từ bỏ cái tôi không phải được cái tôi khác nhưng được chính mình, nghĩa là không đặt mình ở trung tâm nữa. Có khi từ bỏ làm ta đau đớn, nhưng ta không thể chọn được tất cả. Em bé phải từ bỏ vong tay âu yếm của cha mẹ, để đến trường, các sinh viên phải bỏ gia đình ở quê lên thành phố để học tập, con trai đến tuổi khôn bỏ cha mẹ mà đến với vợ mình.... Như thế, mỗi một người lớn lên phải chọn lựa một chuỗi sự mất mát khi phải từ bỏ. Tuy nhiên, sự từ bỏ có khi đem lại niềm vui và hạnh phúc cho ta đến nỗi ta không biết mình đang có. Một tân sinh viên mới đậu đại học, một nhà khoa học mới phát minh ra một điều gì mới vì đã tự ý bỏ nhiều điều và họ rất vui khi nghĩ đến các thánh quả của việc từ bỏ đó.
Trước khi mời gọi mọi người “từ bỏ chính mình”, Đức Giê-su đã tự ý từ bỏ chính mình. Ngài là Thiên Chúa và có quyền năng như Cha của Ngài, nhưng Ngài đã huỷ mình đi để trở thành một người phàm như chúng ta qua biến cố sinh hạ. Ngài đồng hoá mình với tội nhân và người nghèo khổ đến nỗi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Còn thánh Phao-lô nói về Ngài như sau: “Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Từ bỏ mình còn có nghĩa là từ bỏ ý riêng và sống theo ý Thiên Chúa.
Cuối cùng, vác thập giá hằng ngày đón nhận những khổ đau có thể xảy ra trong khi thi hành bổn phận hằng ngày của người người môn đệ Chúa. Thập giá này mỗi người một kiểu, không giống nhau. Trên đường về quê trời, có khi chúng ta cũng phải vác đỡ thánh giá của người anh em nữa. Đức Giê-su đã sống những điều này trước khi mời chúng ta sống. Ngài đã vác thập giá Chúa Cha đã trao cho Ngài.
Như vậy, trước khi kêu gọi mọi người từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày, Đức Giê-su đã từ bỏ. Vì thế, ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su cũng phải chấp nhận thân phận như Ngài. Chúng ta không thể nói mến Chúa yêu người mà không phải chịu từ bỏ, hy sinh cái tôi của mình và không phải gặp đau khổ thử thách. Chúng ta thấy có một nghịch lý giữa “được” và “mất”, như lời Ngài nói: “Ai dám mất mạng sống vì Thầy thì sẽ được”. Ai sống theo nghịch lý này, người đó tìm được con người thực của mình, đó là điều quý giá nhất của đời người, “vì lời lãi cả thế giới nhưng phải đánh mất chính mình thì nào có lời gì”, amen!