Thứ 5 CN TN VII Năm C
Hc 5,1-8; Mc 9, 41-50
Chúng ta biết rằng mỗi người đều sống gắn liền với một gia đình, hay một cộng đoàn. Trong cộng đoàn ấy, mỗi người lớn lên, hiểu biết, thành công là nhờ sự giúp đỡ của người khác và nhờ sự cố gắng của bản thân. Không ai là một hòn đảo, tôi sống là sống nhờ, sống với, và sống cho người khác. Chính vì thế, con người luôn có những mối tương quan đa chiều và liên hệ với người khác nên sự đóng góp của từng cá nhân tác động lẫn nhau là rất lớn. Vậy làm cách nào để xây dựng một cộng đoàn tốt đẹp? Trả lời câu hỏi, bài Phúc Âm đưa ra những lời dạy về nếp sống cộng đoàn như bác ái với nhau, tránh làm cớ vấp phạm, hãy giữ muối và lửa trong lòng.
Trước tiên, sống bác ái là thái độ cởi mở và đón nhận sự đóng góp của người khác. Trong hoàn cảnh khó khăn, cộng đoàn Mác-cô bị bách hại thời đó, con người thường có cái nhìn co cụm và khép kín nội bộ. Vì thế, Đức Giê-su khuyên các tín hữu có cái nhìn rộng rãi hơn để nhận ra những tình cảm của những người ngoài cộng đoàn, khi ai đó có cử chỉ thân thiện, chẳng hạn cho mình một ly nước lọc thay vì đố kỵ thì ta hãy đón nhận vui vẻ và hợp tác chân thành với họ. Hơn nữa, sống bác ái với nhau là thể hiện tinh thần Ki-tô giáo, như lời thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,9-13). Chúng ta được mời gọi sống bác ái, yêu thương là ơn gọi tuyệt vời. Ai sống điều ấy thì có sự tươi vui của niềm hy vọng Ki-tô giáo và gặp gỡ được tình yêu vĩ đại là chính Chúa.
Tiếp đến, tránh làm cớ vấp phạm là tinh thần sống gương mẫu cho người khác, đặc biệt trong đời sống đức tin. Giáo lý dạy rằng đức tin của chúng ta vừa có tính cách cá nhân và vừa có tính cách cộng đoàn. Đức Giê-su nói: “đừng làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin phải sa ngã”, tức là những người mới theo đạo, đức tin của họ còn non trẻ nên dễ bị lung lay. Vậy đâu là cớ cho họ vấp phạm? Đó là những gì xuất phát từ ánh mắt, bàn tay và đôi chân, giúp chúng ta tiếp xúc với người khác. Tự bản chất các giác quan là tốt và nó chỉ xấu khi chúng ta cố tình sử dụng sai mục đích. Do vậy, trong khi tiếp xúc, đừng làm cớ sa ngã cho những người có đức tin còn non kém ấy. Thánh sử Mác-cô dùng những hình ảnh cường điệu như chặt tay, chặt chân, móc mắt, mục đích là nhấn mạnh đến việc tránh dịp tội trước khi cám dỗ người khác phạm tội, nên không hiểu theo nghĩa đen. Riêng về hình ảnh hỏa ngục, theo một nhà chú giải Kinh Thánh: “tác giả tạm mượn hình ảnh một hố chôn tập thể ở ngoại ô phía Nam đồi Giê-ru-sa-lem, nơi người ta đem vất những xác chết không thừa nhận và xác thú vật cùng mọi thứ rác rưởi. Dĩ nhiên những thứ ô uế đó bị phân hủy và có nhiều giòi bọ rúc rỉa. Và để tránh gây nạn dịch, người ta thường xuyên đốt những thứ đó đi khiến dân chúng có cảm tưởng lửa ở đó không bao giờ tắt.” (trong chúng ta, có ai thấy hỏa ngục như thế nào không?)
Cuối cùng, hãy giữ muối và lửa trong lòng. Lửa là hình ảnh của sự thanh luyện như ông cha ta thường nói: “lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay, đối với mỗi người tín hữu. Còn muối đôi khi người ta dùng để giữ lửa khỏi tắt ví như đốt lửa trại. Muối có tác dụng mặn nên nó dùng để ướp thứ gì đó khỏi hư đi. Như thế, hình ảnh muối và lửa gợi lên trong lòng người sự thanh luyện chính mình và tình yêu bao dung, để giữ lòng nhiệt huyết tông đồ, bác ái với tha nhân và tinh thần xây dựng cộng đoàn. Ngoài ra, dù cuộc sống có nhiều khó khăn, người tín hữu phải cố gắng sống hòa thuận với nhau.
Ước chi mỗi người chúng con biết dùng những ánh mắt thân tình, đôi bàn tay chìu mến với đôi chân không mệt mỏi để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Amen!
Tác giả: Nhóm suy niệm BC