Thái độ phải có trước ngày cánh chung

Thứ tư - 28/11/2018 09:30  1354

Thứ Năm XXXIV

Kh 18,1-2,21-23;19,1-3.9a; Lc 21,20-28

download 14Lời của Đức Giê-su trong bài Tin mừng theo thánh sử Luca hôm nay nói về ngày thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ và ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang để trả lời các môn đệ câu hỏi về ngày tận thế. Đối diện với ngày ấy, thái độ của con người sẽ thế nào?

Trước tiên, Đức Giê-su nói về thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh bao vây, tàn phá và sụp đổ bởi đế quốc Rô-ma. Ngài gọi đó là ngày khốn khổ bởi vì từ thuở tạo thiên lập địa chưa có bao giờ xảy ra như vậy và không bao giờ xảy ra nữa. Vì thế, các việc cần làm trong ngày đó là: những ai ở trong thành hãy chạy trốn lên núi vì trong thành lúc đó rất nguy hiểm; đừng trở vào nhà lấy đồ vì lúc ấy, đồ đạc không quan trọng nữa, chỉ mạng sống mới quan trọng; và khốn cho đàn bà mang thai và nuôi con thơ vì hoàn cảnh loạn lạc nên họ khó chạy trốn.

Thứ đến, ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang được gọi là ngày tận thế hay ngày Cánh Chung. Ngài đã sử dụng hạn từ “Con Người” trong sách (Đn 7,13-14) để nói về mình cũng bị tử nạn, phục sinh và được trao cho quyền hành tối cao trên vạn vật. Trong ngày ấy, một số hiện tượng lạ sẽ xảy ra: về vũ tru quan thời đó quan niệm gồm ba phần “trời – đất – biển”. Trật tự ở cả ba phần đó đều bị xáo trộn. Mặt trời tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng và các ngôi sao rơi xuống. Ngoài ra, quan niệm đa thần thời đó coi các tinh tú trên trời là các vị thần. Đến ngày tận thế, thế lực của các thần trên đó đều bị Thiên Chúa đánh bại; dưới đất mọi người sợ hãi kinh hồn, các dân tộc buồn sầu lo lắng; và biển gào sóng thét. Những hình ảnh này thuộc thể loại văn chương khải huyền Đức Giê-su dùng để nói về ngày của Thiên Chúa, ngày Con Người quang lâm và loan báo ngày cùng tận của thời gian. Đặc điểm của thể văn này là những hình ảnh quy ước như trận tự “trời – đất – biển” bị xáo trộn nên các biến cố ấy mô tả không chính xác và sẽ xảy ra không đúng như vậy. Những hình ảnh này làm cho con người sợ hãi đến “hồn siêu phách lạc”. Trong lúc đó, Đức Giê-su xuất hiện trên mây trời với đầy uy quyền và vinh quang.

Cuối cùng, thái độ của người tín hữu đối diện với những biến cố hãi hùng đó như thế nào? Muôn dân trên mặt đất đều sợ hãi, nhưng môn đệ Đức Giê-su thì phải vui mừng trong ngày đó bởi vì các biến cố ấy xảy ra là những dấu chỉ Thiên Chúa sắp đến để giải thoát dân khỏi mọi thế lực của tà thần, được tự do và không bị lệ thuộc vào tội lỗi. Do đó, mọi người hãy sẵn sàng, đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong tư thế hướng về ngày Thiên Chúa đến.

Lời giảng dạy của Đức Giê-su cho các môn đệ xưa về ngày tận thế cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay. Hãy sống vui tươi, sẵn sàng và phó thác cuộc đời cho Chúa vì mọi người đều phải đối diện với ngày tận thế của đời mình. Xin hãy mặc lấy tâm tình của lời Thánh vịnh 99: “Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. Chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi”. Ước mong mỗi chúng ta luôn tỉnh thức, cầu nguyện để được Chúa ban ơn nâng đỡ và sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến, Amen!

Tác giả: Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập440
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm397
  • Hôm nay49,531
  • Tháng hiện tại909,892
  • Tổng lượt truy cập78,913,343
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây