Thứ 5 CN II Mùa Vọng Năm C
Is 41, 13-20; Mt 11, 11-15
Sứ mệnh của ông Gioan trong thời Cựu ước là giới thiệu Đức Giê-su cho người khác. Thi hành sứ mạng, ông mang nhiều tên gọi khác nhau: như Gioan tiền hô, Ngôn sứ Gioan và Gioan Tẩy Giả, bởi vì ông được Thiên Chúa sai đến (Ga 1,6) và “được đầy Thánh Thần, ngay từ khi còn trong lòng mẹ” (Lc 1,15.41).
Ngọn lửa Thánh Thần ở trong ông và sai ông đi với tư cách là “Tiền Hô” dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Nơi thánh Gioan Tiền Hô, Thánh Thần hoàn tất việc “chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).
Ông Gioan chính là “ngôn sứ Ê-li-a phái đến” (Mt 17,10-13) và “còn hơn một ngôn sứ nữa” (Lc 7,26) bởi vì nơi ông Gioan, Thánh Thần hoàn tất việc “dùng các ngôn sứ mà phán dạy”. Ông Gioan kết thúc thời đại các ngôn sứ của Cựu ước do Ê-li-a khởi đầu (Mt 11,13-14). Ông loan báo Chúa sắp an ủi dân Israel, kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Ông đến như chứng nhân làm chứng cho ánh sáng và chính ông đã chứng kiến Thánh Thần hoàn tất “điều các ngôn sứ tìm kiếm, các thiên thần ước mong” (1Pr 1,10-12).
Cuối cùng, Thánh Thần dùng ông Gioan Tẩy Giả báo trước điều Người sẽ thực hiện với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô là tái tạo con người “nên giống Thiên Chúa”. Phép rửa của Gioan là phép rửa thống hối, còn phép rửa trong nước và trong Thánh Thần sẽ là cuộc tái sinh (Ga 1,33-36).
Như thế, các ngôn sứ từ ông trở về trước chỉ tiên báo về Đấng Mê-si-a, còn thánh Gioan với vai trò là Tiền Hô, Ngôn Sứ và Tẩy Giả, được gọi là ngôn sứ lớn nhất trong Cựu ước, vì Ngài trực tiếp giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a: “Thánh Thần hiện xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng chính Người là Con Thiên Chúa. Đây là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,33-36). Ông Gioan đang ở ngưỡng cửa của Nước Trời, chưa thuộc về Nước Trời nên ta dễ hiểu “trong con cái người nữ sinh ra, Gioan Tẩy Giả là người cao trọng nhất”.
Người nhỏ nhất trong Nước Trời được hiểu là người đón nhận sứ điệp của Đức Giê-su và được kể là ở trong Nước Trời, mà Nước Trời lại cao quý nhất. So sánh người nhỏ nhất trong Nước Trời lớn hơn cả thánh Gioan Tẩy Giả, không có nghĩa là thánh Gioan Tẩy Giả dù sống rất thánh thiện đi chăng nữa, cũng không bằng người nhỏ nhất trong Nước Trời sống rất bê tha. Nhưng việc so sánh này muốn nhấn mạnh đến sứ điệp của Đức Giê-su cũng như chính Đức Giê-su là hiện thân của Nước Trời và qua Ngài, khuôn mặt của Thiên Chúa được tỏ lộ cho nhân loại.
Đến đây, chúng ta dễ dàng hiểu lời Đức Giê-su nói với dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay: “trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông”.
Thánh Gioan Tẩy Giả được sai đến, trực tiếp dọn đường cho Đức Ki-tô. Thánh nhân là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, trổi vượt tất cả mọi ngôn sứ và cũng là ngôn sứ cuối cùng khai mạc thời Tin Mừng. Ngay từ trong dạ mẹ, thánh nhân vui mừng đón chào Đức Ki-tô đến. Đấng mà thánh nhân gọi là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Thánh nhân xuất hiện trước Đức Giê-su, làm chứng cho Người bằng lời rao giảng, bằng phép rửa sám hối và cuối cùng bằng cuộc tử đạo.
Noi gương thánh nhân, thánh nữ Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo mà Giáo hội cho chúng ta mừng kính hôm nay, đã dùng cái chết để làm chứng cho Tin mừng. Tương tự thế, hôm nay Giáo hội vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta theo gương thánh nữ và thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người chưa nhận biết Chúa. Amen!
Tác giả: Nhóm suy niệm BC