Thứ Năm tuần XVIII thường niên
Mt 16,13-23
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại sự kiện ông Phêrô tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu tại Xêdarê Philípphê: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhờ lời tuyên xưng này, ông đã được Đức Giêsu đặt làm nền tảng của Hội Thánh, và được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh nơi trần gian. Tuy nhiên, quyền bính hay chức vụ không phải là một đặc quyền đặc lợi, nhưng là trách nhiệm phục vụ theo gương Đức Giêsu, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).
Từ đầu Tin Mừng đến biến cố này, những gì thánh Mátthêu trình thuật về lời nói và hành động của Đức Giêsu, cũng như các sự kiện liên quan, nhằm giúp dân chúng và độc giả nhận ra căn tính của Người, và bây giờ Đức Giêsu mới đặt câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”. Nhiều câu trả lời được nêu ra, nhưng nói chung dân chúng chỉ biết Người như một ngôn sứ mà thôi. Còn với chính các môn đệ, sau một thời gian được đồng hành với Đức Giêsu, được trực tiếp nghe Người giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Người làm, Đức Giêsu muốn họ xác định rõ mối tương quan cá vị với Người, nên Người đặt ra cho họ một câu hỏi: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Đây cũng là câu hỏi căn bản Đức Giêsu đặt ra cho tất cả những ai muốn trở nên môn đệ đích thực của Người ở mọi nơi, mọi thời.
Vì thế, cho đến lúc này, lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” rất cần thiết, nhằm chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận biến cố trung tâm trong sứ vụ của Đức Giêsu, đó là cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Đồng thời, qua lời tuyên xưng này, các môn đệ bước vào một giai đoạn mới, với một tương quan cá vị, để kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Ơn gọi và sứ mạng của người môn đệ từ nay về sau hoàn toàn hệ tại ở lời tuyên xưng này. Khi các môn đệ đã hiểu được bản chất và sứ vụ của Đức Giêsu để đưa ra một lời tuyên xưng đức tin, thì cũng sẽ hiểu được bản chất và sứ vụ của mình, để thi hành một cách đúng đắn. Quyền bính không phải để phục vụ bản thân, nhưng phục vụ mọi người, đến mức chấp nhận đi trên con đường khổ nạn và chịu chết, như “Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại”.
Là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta không thể đi theo Người một cách hời hợt nửa vời. Chúng ta cần “biết” Đức Giêsu là ai, không phải chỉ trên phương diện tri thức, nhưng là một sự kết hợp mật thiết trong tương quan cá vị với Người. Bởi vì, chỉ khi chúng ta thực sự hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu, thì chúng ta mới có thể tín thác đời mình cho Người, đi theo con đường Người đã đi, và sẵn sàng dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.