Một cõi đi về?
Thứ hai - 08/02/2021 23:24
1515
Bài hát MỘT CÕI ĐI VỀ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chính là tựa đề mà người viết muốn cùng bạn đọc suy tư về một cái nhìn xưa như trái đất, mà cũng rất thời sự Co-vid đang ùa về:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
Đâu là chốn của quê nhà? Tôi đang đi đâu về đâu??? Bài đọc I trích trong chương 7 của sách Gióp, mà chúng ta vừa nghe, cho chúng một cảm giác thật âu sầu và thảm não về cuộc đời, chẳng hạn như: cuộc sống con người chẳng phải là thời khổ dịch sao? Đâu khác gì đời kẻ làm thuê đợi tiền công, gia tài là những tháng vô vọng, số phận là những đêm đau khổ ê chề. Có lẽ Giáo hội sợ làm chúng ta nổi da gà nên bỏ đi câu số 5 chương 7, đó là: Thịt tôi chai ra, dòi bọ lúc nhúc, da tôi nứt nẻ, máu mủ đầm đìa.
Tâm trạng của mỗi chúng ta như thế nào sau khi nghe những tư tưởng này của Sách Gióp? Một nỗi buồn man mác cho thân phận làm người của ông Gióp. Và nếu quả thật cuộc sống chỉ là như thế thì có lẽ thà chết đi cho đỡ khổ, bởi vì theo cách kể của Bài đọc I đời chỉ là một bể khổ, và cuộc sống của kiếp nhân sinh chỉ là một món nợ phải trả, trả hoài trả mãi vẫn không xong, và nếu có trả xong thì đời chẳng còn lại gì.
Còn Nhạc sĩ Nguyễn Hưng không biết ông đã có lần nào đọc sách Gióp hay không khi ông viết lời cho bài hát ‘trả nợ tình xa’. Ca từ được sử dụng rất gần với tư tưởng của sách Gióp: ‘Dốc hết tình này ta trả nợ người. Dốc hết tình này ta trả nợ đời…Trả hết, trả hết cho người. Trả luôn mắt môi nụ cười. Trả xong đời còn hư không.’ Đôi khi ngẫm nghĩ về những tháng ngày vất vả, lam lũ đã qua, hay thực tế đầy khó khăn mà mỗi chúng ta đang phải đương đầu hằng ngày, thì những tư tưởng của Gióp trong Bài đọc I thật chí lý. Chẳng hạn, thời dịch Covid cả đến gần 1 năm qua đã gây ra sự xáo trộn khủng hoảng rất lớn trong mọi phương diện: đe dọa sự sống, chống dịch như chống giặc. ‘Cô này’ nhỏ thôi, nhưng có giấy thông hành vô điều kiện, vượt không gian và thời gian. Cô đánh sập - đóng băng nền kinh tế toàn cầu... Cô làm cho mọi người ra điên ra dại, ra thẫn thờ hoảng loạn. Cô (ma quỷ), thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. (1Pr 5, 8). Như thế, hóa ra cuộc sống này chẳng phải là một món nợ mà mỗi người chúng ta đang phải trả hay sao? Và khi trả xong có lẽ tóc đã bạc, lưng đã còng, gối đã mỏi…chỉ còn chờ một điều cuối cùng nữa là mời cha đến xức dầu và ban của ăn đàng để chuẩn bị về với Chúa!
Vậy, tại sao Giáo hội lại cho chúng ta nghe một Bài đọc mà trong đó chất chứa đầy những tư tưởng ảm đạm, tái tê như thế? Có phải Giáo hội muốn khơi lên trong chúng ta một thái độ chán nản không còn muốn sống nữa hay không? Chắc chắn là không rồi. Vậy khi cho nghe những tư tưởng bi quan về cuộc sống của Gióp, tâm tình mà Giáo hội muốn nói với chúng ta là gì? Chúng ta tìm được lời giải đáp trong câu cuối cùng của Bài đọc I: ‘Lạy Ðức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.’ Thì ra, vẻ bi quan về cuộc sống đã làm cho Gióp tín thác hơn vào Chúa, chỉ trông cậy vào một mình Chúa mà thôi. Cả cuộc đời của Gióp từ đó trở đi chỉ còn có Chúa, Chúa là tất cả, bởi vì mọi sự rồi sẽ qua đi như lời sách Giảng viên 1,1 đã dạy: “Phù vân trên mọi phù vân và mọi sự đều là phù vân”.
Cuộc sống của con người là thế, dù là vui vì mới mua được một căn nhà giá rẻ, hay buồn vì mới bán xong mấy lượng vàng thì sau đó giá vàng lên ‘không phanh’, hoặc sướng vì mới trúng mấy ngàn cổ phiểu, hoặc khổ vì tới hạn trả lãi nhà Bank mà việc làm thì trì trệ… Tất cả đều có cùng một mẫu số chung là: mau qua, phù phiếm. Nếu chúng ta gắn chặt cuộc đời vào những điều đó, thì cuộc đời của chúng ta rốt cuộc cũng chỉ là phù phiếm và mau qua.
Vậy chúng ta phải gắn cuộc đời mình vào đâu? Đức tin đạy chúng ta phải dán chặt cuộc đời chúng ta vào Chúa, để cho dù cuộc đời này có ba chìm bảy nổi hay đổi dời khôn nguôi thì cuộc sống của chúng ta vẫn bình an và thanh thản; dù những bão tố của cuộc sống có ập tới muốn xô té hay làm chao đảo cuộc đời, chúng ta vẫn an tâm vì tin rằng có Chúa luôn ở cùng để đồng hành, để đỡ nâng. Như đã trấn an các môn đệ trước cơn giông tố, hôm nay Chúa cũng đang nói với mỗi người chúng ta: “chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27).
Hãy bắt chước Gióp để tín thác cuộc đời mình vào Chúa: “Lạy Ðức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.” Xin cho chúng ta luôn biết bám chặt vào Chúa để có được sự bình an lâu dài và niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.
Tác giả: Giuse Phạm Văn Quang