Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
Lc 4,14-22
Sau một thời gian ra đi truyền giáo ở miền Galilê, Chúa Giêsu trở về thăm quê nhà Nazareth, nơi Chúa đã sống 30 năm từ tuổi thơ đến trưởng thành. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức, vào ngày sabat tại hội đường, người ta trao cho Chúa Giêsu một cuốn sách của ngôn sứ Isaia. Người mở trúng đoạn 61,1-2 và đọc cho mọi người nghe. Đọc xong, Chúa cắt nghĩa và cuối cùng, khi gấp sách lại, Chúa nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”.
Biết bao thế hệ Cựu ước đã khát khao mong chờ hai tiếng “hôm nay” ấy và đây là giờ phút vui mừng tột độ đối với những ai thật lòng chờ đón ngày Thiên Chúa cứu chuộc. Từ ngữ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Kitô không chỉ là trong quá khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Với tư cách là Đấng Mêssia được Thánh Thần sức dầu tấn phong, Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động: Ngài được sai đi loan báo Tin mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ.
Đây quả thật là một cuộc “hiển linh” của Chúa Giêsu. Ngài tỏ mình là Đấng Mêsia một cách êm ả, trong khung cảnh phụng tự quen thuộc tại hội đường ngày hưu lễ. Ngài cầu nguyện chung với mọi người, tìm hiểu, lắng nghe và nhận ra thánh ý Chúa Cha qua Kinh Thánh, và rồi Ngài cũng sẽ thực hiện chương trình cứu rỗi bằng chính đời sống lao nhọc, bằng chính thái độ tận tình đối với tha nhân, bằng chính quyết tâm dâng hiến mạng sống của mình cho mọi người. Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế, chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.
Sau khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh, người đồng hương Nazaret đều thán phục và ca tụng, nhưng họ vẫn không tin Ngài là Đấng Thiên Sai, vì họ lý luận theo kiểu con người: làm sao con một bác thợ mộc mà lại làm những chuyện như thế được? Điều này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu ẩn mình dưới hai khía cạnh thời gian và vĩnh cửu, con người và Thiên Chúa. Liệu chúng ta có vượt qua để đi tới Ngài? Vâng, Chúa Giêsu đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi, nnhưng hiểu Ngài không phải dễ dàng.
Mỗi khi nghe lời Chúa, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra thánh ý của Chúa, để rồi chúng ta thực hiện thánh ý ấy trong cuộc sống của mình. Điều đó đòi hỏi chúng ta một tấm lòng rộng mở và lắng nghe, một con tim quảng đại quên mình dấn thân loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Amen.