Suy niệm Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
Lc 5,12-16
Trong cuộc thường ngày, để có thể hiểu được sự vật, sự kiện…, người ta cần mắt thấy hoặc cảm thấy hiệu quả của nó hay dựa vào lời nói của các chứng nhân. Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào thấy tận mắt, họ mới tin như trường hợp của thánh Tôma Tông Đồ. Tuy nhiên, trong cuộc sống, con mắt của con người không thể nhìn thấy mọi sự vật, sự kiện. Có những cái dù không thấy, nhưng con người vẫn phải tin vì có các chứng nhân và hiệu quả của nó: gió, điện, sự sống. Như thế, có thể nói đa số những trường hợp chúng ta tin là qua các nhân chứng. Các bài đọc hôm nay tập trung vào việc đòi hỏi con người phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa qua các bằng chứng.
Trong bài đọc I, Thánh Gioan đưa ra 3 nhân chứng quan trọng là Thánh Thần, nước, và máu. Cả ba đều làm chứng một điều duy nhất: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ nhân loại. Sở dĩ thánh tông đồ nhấn mạnh tới các bằng chứng trên là bởi vì trong hòan cảnh lịch sử thời đại của Ngài có nhiều bè rối phủ nhận thiên tính hoặc nhân tính của Chúa Giêsu Kitô. Tiêu biểu là bè rối Cerinthus (cuối TK I). Họ tin rằng: Chúa Kitô đến bằng “nước,” khi Ngài chịu phép rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong Đức Kitô, và làm cho Ngài trở thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu,” vì họ không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ. Những người thuộc bè rối này giải thích: trên Đồi Golgotha, Thánh Thần đã xuất khỏi Đức Kitô và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh là ông Simon, chứ không phải là Đức Kitô. Vì muốn chống lại bè rối này và bảo vệ đức tin tông truyền, Thánh Gioan đã nhấn mạnh đến cả 3 nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho nhân lọai. Thánh Gioan khẳng định, chúng ta không chỉ cần phải tin vào các chứng nhân mà còn phải tin vào lời chứng của Thiên Chúa vì đó là lời chứng cao trọng và có giá trị hơn cả. Vì thế, con người phải nhận những lời chứng này và tin vào Đức Kitô; và ai không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, và nơi kẻ ấy không có sự sống.
Còn trong bài Tin Mừng, qua phép lạ người phong cùi được chữa lành, thánh Luca đã chứng minh cho cộng đoàn tín hữu rằng: Đức Kitô - Người đã chữa lành cho anh phong cùi được sạch là người đến từ Thiên Chúa, Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa và Ngài chính là Thiên Chúa. Ngài muốn chữa lành cho anh phong cùi không phải để nối tiếng, nhưng là vì lòng thương xót của Ngài. Chính vì thế, sau khi chữa lành Ngài ra lệnh cho anh “đừng nói với ai”. Tuy nhiên, vì phép lạ của Ngài quá rõ ràng cho nên tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng. Đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng phần Chúa Giêsu, Người đã lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
Tóm lại, Chúng ta tin Đức Kitô là Thiên Chúa, không phải chúng ta đã nhìn thấy Ngài, nhưng dựa vào lời của nhiều nhân chứng. Hai nhân chứng có thế giá nhất mà chúng chúng ta có thể kể đến là Kinh Thánh và Chúa Thánh Thần. Ngòai ra, còn có nhiều các chứng nhân khác nữa như: lời chứng của các Tông đồ, gương chứng nhân của các thánh Tửđạo, đời sống tốt lành của các thánh và của những người sống chung quanh chúng ta. Về phần mỗi người Kitô hữu, sau khi đã đón nhận đức tin từ Giáo Hội, chúng ta cũng phải làm chứng cho Tin Mừng bằng việc rao giảng và cuộc sống chứng nhân, để người khác cũng nhận ra và tin vào Đức Kitô.