LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU NĂM B
Ga 19,31-37
“Có một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Kitô. Tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,34)
Bài Tin mừng thuật lại cảnh Đức Giêsu bị đóng đinh Thập giá, một sự kiện đau đớn, hãi hùng đến ghê rợn, không chỉ với người trong cuộc mà với bất cứ ai chứng kiến cảnh tượng này. Ngài đã phải chịu quá nhiều khổ đau và thách đố từ thể lí đến tinh thần trước khi bị đóng đinh. Do đó, khác với hai tên trộm cùng chịu đóng đinh, Ngài đã kiệt sức và do đó, sớm tắt thở. Thật vậy, thánh Gioan ghi nhận: “Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết,” họ không đánh dập ống chân Người như họ đã làm với hai tên trộm. Tuy nhiên, một người lính đã lấy lưỡi đòng mà đâm cạnh lương long Đức Giêsu. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Gioan đã thấy và đã tin vào Đấng bị đâm thâu như lời Kinh thánh đã tiên báo về việc này: “Không một khúc xương nào của Người bị đánh giập. Lại có lời Kinh thánh khác: Họ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.”
Như vậy, Đức Giêsu đã không nề hà hy sinh, dâng hiến tất cả những gì có thể để cứu chuộc nhân loại. Những gì Ngài có thể làm, có thể chúc lành hay cầu xin cùng Chúa Cha cho con người thì Ngài đã làm hết. Thật vậy, qua trình thuật này, các tác giả Tin mừng cho chúng ta biết rằng, ngay cả khi đang bị treo trên thập giá, chân tay bị đóng chặt, không thể nhúc nhích được nữa, Ngài vẫn tận dụng những gì còn có thể để hiến tặng. Cụ thể, Ngài đã để lại cho chúng ta bảy di ngôn tuyệt vời. Trong những di ngôn ấy, di ngôn đầu tiên lại dành cho những kẻ đáng khinh, đáng ghét, đáng bị nguyền rủa nhất. Đó là những kẻ đang hành hạ Ngài, những kẻ đang chế diễu Ngài, những kẻ đang thách thức Ngài, nhưng đối với Ngài, họ lại là những kẻ cần được thương nhất và vì thế cần được ưu tiên nhất. Do đó, Ngài đã xin cùng Chúa Cha: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Còn di ngôn cuối cùng, trước khi gục đầu xuống và tắt thở, là di ngôn cho thấy Ngài đã cố gắng hết mình để hoàn thành kế hoạch yêu thương. Ngài nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30).
“Mọi sự đã hoàn tất” nghĩa là chương trình cứu độ của Chúa Cha đã hoàn thành. Đức Giêsu đã cố gắng hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức có thể. Ngài không giữ lại gì cho mình. Không còn gì có thể trao ban mà đã không trao ban. Tưởng như thế là yên. Tưởng như vậy là hết. Ngài đã dân hiến đến chết rồi mà. Ấy vậy mà chết vẫn chưa hết chuyện, chết rồi vẫn chưa được yên. Một tên lính đã lấy lưỡi đòng mà đâm cạnh lương long Đức Chúa Giêsu. Tức thì, những gì còn lại trong con người Ngài là chút máu và chút nước trong trái tim lại chảy ra hết. Qua vết giáo đâm thâu cạnh sườn ấy, Ngài đã mở toang và mãi mãi mở toang trái tim mình ra cho nhân loại thấy, cho nhân loại tận hưởng.
Máu và Nước đã đổ ra hết, không giữ lại gì nhưng tuôn chảy cho tất cả nhân loại chúng ta. Máu và Nước ấy là hình ảnh biểu trưng tuyệt đẹp và ý nghĩa. Đó là hình ảnh diễn tả sự sống mới. Cũng như trẻ sơ sinh khi sinh ra khỏi lòng mẹ bao giờ cũng có máu và nước chảy ra, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá với trái tim rộng mở cùng máu và nước chảy ra diễn tả việc trao ban sự sống mới cho thế giới. Sự sống mới ấy được nảy sinh khi ta “nhìn lên” trái tim mở toang của Chúa, thay vì cảm thấy mặc cảm tội lỗi thì lại thấy được tình thương tha thứ đến tận cùng của Chúa. Khi nhìn lên Đấng bị đâm thâu, họ cảm nhận rằng, Chúa chịu nạn chịu chết như thế để cứu chuộc họ.
Ngài yêu thương đến mức sẵn sàng đổ hết máu và nước để cứu chuộc nhân loại chúng ta. Ngài đổ máu ra để mang sự sống trào tràn cho chúng ta. Thật vậy, ta sống được khi máu còn lưu thông trong cơ thể. Ngài cũng đổ hết nước trong trái tim ra để làm dịu cơn khát thể lí cũng như để rửa sạch tội lỗi chúng ta. Ai tin mà đến với Chúa, đối diện với trái tim bị đâm thâu của Chúa, người ấy sẽ thấy máu và nước tuôn ra nơi cạnh sườn Ngài như là dòng suối ân sủng tuôn chảy sâu xa và dồi dào hơn vào cuộc sống của họ, cho họ cảm giác được gột rửa và nuôi dưỡng. Họ cảm thấy một nguồn sức mạnh trào tuôn từ cái chết của Chúa khiến họ cảm thấy tự do hơn, không còn bị mặc cảm với tội lỗi dày vò nhưng cởi mở với cuộc sống hơn bao giờ hết. Họ thực sự được gột rửa, được thanh tẩy và nuôi dưỡng nhờ “nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” như Gioan “đã thấy, đã làm chứng và đã tin.” Amen.