LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
1. Trái Tim Đức Chúa Giêsu là lò lửa mến hằng cháy Tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn của con người, với chức năng bơm đều đặn để đẩy máu theo các động mạch hầu đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất. Tim hút máu từ tĩnh mạch về tim sau đó đẩy máu đến phổi để trao đổi khí CO2 lấy khí O2. Tim làm việc rất vất vả, mỗi ngày đập khoảng 100 ngàn nhịp, bơm 5-6 lít máu mỗi phút (tương đương 7600 lít mỗi ngày) để nuôi sống toàn bộ cơ thể. Trung bình một đời người, tim đập 2,5 tỷ nhịp và bơm 250 triệu lít máu!
Khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa nhập thể cũng có một trái tim nhân loại và Ngài đã yêu thương thế giới với “trái tim con người” (x. GS 22,2; GLHTCG 470). Đó là đặc tính Thần-nhân nơi Chúa Giêsu: “Đặc tính thần-nhân ấy nơi Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thể hiện, đặc biệt là nơi Trái Tim cực thánh của Người: “Con Thiên Chúa đã yêu mến tất cả chúng ta bằng một quả tim nhân loại. Do đó, Trái Tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu” (số 478). Chính với Trái Tim ấy, Chúa Giêsu “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2,20).
Trong Kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta thấy có 33 lời cầu (có lẽ nhắm đến 33 năm cuộc đời Chúa theo cách tính truyền thống?). Trong bối cảnh hôm nay, chúng ta cùng để ít phút để suy niệm về 3 lời cầu trong Kinh Cầu này. Trong thị kiến của Thánh nữ Maria Magarita Alacoque (1647-1690), Chúa Giêsu đã cho Ngài xem thấy một trái tim rực cháy với ngọn lửa làm thiêu đốt tâm hồn Thánh nữ. Ngọn lửa ấy cho thấy tình yêu nồng cháy của Chúa Giêsu, bất chấp sự nguội lạnh của con người, như lời tâm sự cúa Ngài với Thánh nữ: “Ðây là Trái Tim đã quá yêu thế gian đến nỗi không còn giữ lại chút gì, cho đến khi kiệt quệ và héo hon, để chứng minh tình yêu của trái tim Thầy. Ðền đáp lại, Thầy chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa, qua sự bất kính và phạm thượng của chúng, và qua sự lạnh nhạt và khinh miệt của chúng trong bí tích tình yêu này… Thầy đến trong trái tim mà Thầy đã ban cho con để qua sự nhiệt thành của con, con sẽ đền bù cho những xúc phạm đến Thầy vì những tâm hồn thờ ơ và lười biếng đã làm ô danh Thầy trong Bí Tích Thánh Thể” (lần thụ khải thứ ba).
Khi còn ở thế gian, chính Chúa Giêsu cũng đã từng tuyên bố “Thầy đến ném lửa xuống thế gian và ước mong sao cho lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12,49). Chúa Giêsu ban lửa Thánh Thần xuống thế giới này, Ngài muốn thế giới này tràn ngập Thánh Thần, Thánh Thần thanh tẩy và thánh hóa, tẩy luyện và canh tân. Thánh Thần hoạt động bằng cách “đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta” (Rm 5,5), “đốt lửa kính mến trong lòng chúng ta”, để chúng ta giữ ngọn lửa ấy cháy mãi trong tâm hồn, và qua đó thế giới này tràn ngập lửa tình yêu của Chúa. Ngọn lửa của Tình Yêu thánh ấy có khả năng đốt cháy ích kỉ, tham lam, có khả năng xua tan bóng tối của tội lỗi và chết chóc, để khơi lên ánh sáng của tình yêu quảng đại và sự sống dồi dào.
2. Trái Tim Đức Chúa Giêsu hay nhịn hay thương vô cùng
Tình yêu được thể hiện qua sự hy sinh chịu đựng. Thi sĩ Hồ Zdếnh trong bài “Cảm xúc” đã ca ngợi đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam:
“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ "hi sinh" có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”.
Vâng, quan sát một người mẹ trong gia đình, chúng ta thấy sự “hay nhịn hay thương” cao cả biết dường nào: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm; chỗ khô con ngủ, chỗ ướt mẹ nằm; của ngon phần con, xương xẩu phần mẹ… Trong bài đọc I (Hs 11,1.3-4.5c.8ac-9), Hôsê diễn tả tình yêu Chúa như thể tấm lòng của một người mẹ hay nhịn hay thương: “Ta dưỡng nuôi… ta bồng ẵm… ân cần tập cho chúng đi… ấp yêu chúng vào má… nâng niu trên đầu gối và mớm cho chúng ăn… Quả tim ta thổn thức, ruột gan ta bồi hồi... Ta sẽ không buông thả theo cơn giận… sẽ không hủy diệt...”.
Trái tim Chúa Giêsu là hình mẫu về sự hi sinh, quên mình. Đó là một tình yêu dốc cạn chính mình, trao ban đến những giọt nước, giọt máu cuối cùng. Đó là một trái tim không mệt mỏi vì yêu thương, không đanh lại trước sự vô ơn, không nổi giận trước sự phản bội. Khi Giuđa nộp Ngài, Ngài vẫn gọi ông là “bạn”: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì làm đi?” (Mt 26,50), vẫn gọi tên anh một cách trìu mến: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48). Trên thập giá, Ngài đã cất cao lời tha thứ và trao ban Thần Khí cho con người, lo liệu cho nhân loại có một Người Mẹ…
Quả thực, Trái Tim Chúa Giêsu hay nhịn hay thương vô cùng. Đó là Trái Tim đong đầy “tình thương vượt quá trí hiểu loài người” như trong bài đọc II nói đến (x. Ep 3,8-12.14-19).
3. Trái tim Đức Chúa Giêsu là nguồn mọi sự yên ủi và hay ở rộng rãi cùng những kẻ nguyện xin
Chúa Giêsu mặc khải trái tim, để chúng ta được vào nương náu và tìm được nguồn ủi an và sức mạnh. Trái tim ấy luôn rực cháy, trái tim ấy luôn mở toang, trái tim ấy không bao giờ nguội tắt hay khép lại.
“Hãy đến với tôi hỡi những ai gồng gánh nặng nề, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho anh em” (Mt 11,28). Chúa Giêsu luôn mở lòng đón chờ chúng ta. Hình ảnh Trái Tim bị đâm thâu và mở toang giúp chúng ta hiểu được cách sống động hơn sự rộng rãi của Đấng Cứu Thế.
Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, để Ngài ủi an và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta; hãy để Ngài chữa lành những vết thương của thể xác và tâm hồn chúng ta; hãy để Ngài yêu thương an ủi chúng ta, để rồi một khi cảm nghiệm được Tình Yêu vô cùng ấy, chúng ta cũng ra đi và làm chứng cho tình yêu của Ngài giữa lòng thế giới này.
Thánh Phaolô mời cọi chúng ta hãy chiêm ngắm mọi chiều dài rộng cao sâu của Tình Yêu lạ lùng ấy, hãy bén rễ sâu và xây dựng vững chắc đời mình trên đức yêu thương bác ái (Ep3, 18-19).
Trong thời đại khó khăn hiện nay, ai trong chúng ta cũng cần một nơi ẩn náu an toàn và khao khát sự bình an. Trái tim rộng mở và tràn ngập tình thương của Chúa Giêsu chắc chắn là “nơi nương ẩn” êm ái và vững chắc nhất cho chúng ta, như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ cho anh em nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Một trong những thói quen hay làm của các tín đồ công nghệ hôm nay là thả tim cho các tin nhắn, hình ảnh, bài viết, chia sẻ trên mạng hay tin nhắn. Zalo còn làm một công việc khá hài lòng khách hàng là cuối năm cho họ một thống kê: một năm qua ai thả tim cho bạn nhiều nhất…
Nhìn ngắm Trái Tim rực cháy, hay nhịn hay thương, ân cần an ủi đỡ nâng của Chúa Giêsu, chúng ta được thôi thúc ra đi “thả tim” cho thế giới này. Thế giới này cần được chữa lành, cần được an ủi, cần được yêu thương… và chúng ta được mời gọi hãy là khí cụ yêu thương của Trái Tim Rất Thánh “gồm sự công chính và sự thương yêu”, “tràn lan lòng thương xót”… Thế giới này sẽ đẹp hơn khi nó được “thả tim” vì “suối nguồn của cái đẹp là trái tim” (Francis Quarles) và “cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim”.
X. Doki, “Cấu tạo và chức năng của tim người”, https://doki.vn/tin-tuc/759-cau-tao-va-chuc-nang-cua-tim-nguoi. ĐHY Christoph Schönborn, “Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo”, bài 25: Thiên Chúa thật và người thật, TGPSG WEB, https://tgpsaigon.net/bai-viet/tim-hieu-sach-glhtcg-bai-25-thien-chua-that-va-nguoi-that-35400.