Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Xh 24,3-8; Hr 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Vào năm 1263, một Linh Mục người Đức cử hành Thánh Lễ. Trong lúc bẻ bánh, cha thấy Mình Thánh Chúa không còn là hình tấm bánh trắng, mà đã biến thành Thịt và Máu thật sự ngay trước mắt cha và toàn thể giáo dân. Những giọt Máu Thánh loang ra thấm ướt tấm khăn thánh, nhưng hễ vừa gấp tới đâu thì Máu Thánh lại thấm ra tới đó… Sau đó, cha đích thân xin yết kiến và tâu trình lại với Đức Giáo Hoàng Urbano. Sau khi xem xét cẩn thận, đến ngày 08 tháng 09 năm 1264, Đức Thánh Cha ra sắc dụ thiết lập Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu trong toàn Giáo Hội.Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, một Bí tích cao trọng vượt trên mọi Bí tích. Chúng ta chẳng thể nào lấy lý trí hay giác quan để kiểm chứng, ngoài việc lấy đức tin đón nhận món quà cao quý này.Thật vậy, Giáo huấn của Giáo Hội đã dạy cách rõ ràng rằng: Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho đến tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu vì Bí tích này chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm phục sinh của chúng ta.Năm xưa, khi Môsê đọc cho dân chúng nghe lời của Đức Chúa, thì dân chúng đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3). Sau đó, họ đã sát tế các lễ vật dâng tiến Đức Chúa, và Môsê đã lấy máu của con vật sát tế rảy trên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24,8). Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân qua dấu chỉ máu giao ước. Tuy nhiên, giao ước này chỉ là hình bóng giao ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa, không chỉ ký kết với dân Do Thái mà còn với toàn thể nhân loại bằng chính Máu của Người Con yêu dấu của Người, là Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu khi trao chén rượu cho các môn đệ cũng đã nói: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24).Tác giả thư gửi tín hữu Hípri đã cho chúng ta thấy điều đó: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Hr 9,13-15).Vâng, Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu. Đây không chỉ là tình yêu của người hiến dâng mạng sống mình cho người mình yêu, nhưng đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là một Thiên Chúa không chỉ sáng tạo và cứu chuộc con người tội lỗi, song còn lấy chính Thịt Máu mình làm lương thực nuôi sống con người. Chúa Giêsu đã yêu, yêu đến cùng, yêu đến nỗi hiến dâng mạng sống để cho những kẻ thuộc về mình được sống, và còn tiếp tục ban chính mình qua Bí tích Thánh Thể để nhờ lương thực Thánh Thể này, những kẻ tin vào Ngài tiếp tục cuộc hành trình đức tin cho đến ngày tận thế. Là Bí tích Tình yêu, Bí tích Thánh Thể cũng là bảo chứng ơn cứu độ đời đời bởi vì ngay từ bây giờ, chúng ta đã được nếm trước phụng vụ trên trời. Thánh Thể là lương thực không chỉ nuôi sống, làm cho hết đói mà còn là một bảo đảm cho sự sống đời đời “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Hãy để cho Lời này được vang vọng mãi trong tâm trí chúng ta, có như thế chúng ta mới biết sống làm sao cho xứng đáng với ân huệ cao cả đó.Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Đó là điều chắc chắn, nhưng với những người không được thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa thì sao? Phải chăng họ bị loại trừ ra khỏi sự hiệp nhất và sự sống đời đời? Không. Dù không được thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa vì một ngăn trở nào đó, nhưng họ vẫn được Lời Chúa nuôi dưỡng. Lời Chúa đi trước, hướng đến và hoàn tất nơi Thánh Thể bởi lẽ Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Thiên Chúa và Mình Thánh Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Bí tích Thánh Thể thật thiêng liêng cao quý, nhưng liệu mọi tín hữu có thực sự nhìn ra giá trị lớn lao và tuyệt vời của Bí tích này, để sắp xếp thời gian, cũng như chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để tham dự Thánh Lễ chưa? Hơn nữa, dù khi rước lễ, chúng ta chỉ rước một tấm bánh nhỏ thôi, nhưng tấm bánh ấy lại chứa đựng trọn vẹn Đức Giêsu Kitô. Nói đúng hơn, mỗi lần chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa là chúng ta đón nhận chính sự sống của Đấng đã chết và đã phục sinh. Tất cả chúng ta đều được đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang lại và được sống một đời sống mới. Đời sống mới ấy đòi buộc chúng ta phải sống tư cách một con người mới, nghĩa là chúng ta được mời gọi trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người, bằng việc hy sinh sức khỏe, thời gian, tiền của để giúp đỡ người khác. Vì Thánh Thể là cách diễn tả hoàn hảo nhất của tình yêu Thiên Chúa, nên chúng ta được mời gọi cộng tác với người khác để đương đầu với những thách đố hiện tại và làm cho hành tinh này thành một nơi tốt đẹp để sống.Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết ý thức tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, để chuẩn bị sao cho xứng đáng cả bề trong lẫn bề ngoài và nhất là trở nên tấm bánh được bẻ ra để chia san tình thương của Chúa cho muôn người. Amen.