Canh tân đời sống đức tin: Gặp gỡ, đối thoại

Thứ hai - 23/10/2023 22:32  363
le khanh nhat truyen giaoNói đến canh tân là nói tới đổi mới, nói tới việc làm sống động trở lại. Canh tân đời sống đức tin nghĩa là làm cho đời sống đức tin đang bị trì trệ, yếu kém, khiếm khuyết được thăng tiến, mạnh mẽ, tròn đầy. Làm sao để đời sống đức tin thăng tiến, mạnh mẽ và tròn đầy được đây? Giáo hội sơ khai đã có giải pháp và giải pháp ấy đã được thuật lại trong Tin mừng theo thánh Luca 24,13-35. Và với chất lượng đời sống đạo hôm nay, trên thế giới cũng như tại Việt nam xem ra càng ngày càng yếu kém, khô khan, rời rã, chúng ta phải làm gì để đức tin sống động, mạnh mẽ, viên mãn trở lại đây? Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gợi ý và mời gọi chúng ta suy nghĩ, cầu nguyện và tích cực cộng tác với Chúa, với nhau khi Ngài gửi cho chúng ta sứ điệp với tựa đề: “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh” nhân ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023 này. Giáo phận Bùi Chu chúng ta trong những năm gần đây đã ý thức về sứ mạng truyền giáo của mình. Đức cha Giáo phận đã lập ra Ban Loan báo Tin mừng Giáo phận và Ban Loan báo Tin mừng đã có những hoạt động cụ thể như việc tổ chức những khoá học hỏi giáo lí Tin mừng, trau dồi đức tin, phụng vụ; Ban Loan báo Tin mừng của các giáo hạt cũng đã được thành lập với mong ước Ban sẽ hoạt động sao cho đời sống đức tin của Giáo phận được canh tân, sống động, mạnh mẽ.

Trong tinh thần nỗ lực canh tân đức tin này, con cảm ơn Cha Đặc tránh Ban Loan báo Tin mừng Giáo phận đã mời con và cho con được chia sẻ đôi điều như một sự cộng tác nhỏ bé với Đức cha, quý cha, quý dì, quý ông bà anh chị em vào sứ mạng chung Loan báo Tin mừng lớn lao này nhân ngày Khánh nhật Truyền giáo năm nay. Thật vinh dự con con nhưng cũng thách đố cho con vì chỉ có 45 phút, quá ngắn để nói về đề tài quá lớn và thách đố này.

Con xin dựa chủ yếu vào chính đoạn Lời Chúa Lc 24,13-35, sứ điệp của Đức Thánh Cha năm 2023 và kết quả đúc kết thảo luận tại Quần Phương về Tân phúc Âm hoá của Ban loan báo Tin mừng Giáo phận Bùi chu ngày 26 tháng 4 năm 2023 để chia sẻ với cộng đoàn đề tài có tên là: CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN: GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI.

Vậy, trước hết, chúng ta cùng lắng nghe kinh nghiệm vượt khó của các tín hữu sơ khai như thế nào để “Lòng bừng cháy và chân bước nhanh” như được thuật lại trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 24,13-35):

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ, Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Đó là Lời Chúa.

--o0o--
Giờ đây, chúng ta cùng nhau: Trước hết (I) nhìn thẳng vào THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN tại giáo phận Bùi chu chúng ta để rồi từ đó thấy được chúng ta cần phải làm gì, cộng tác với nhau thế nào cho đời sống đức tin của những người nguội lạnh, khô khan hay thậm chí bỏ đạo được canh tân. Tiếp đến (II), chúng ta cũng thấy rằng trước tình trạng đức tin yếu kém và trì trệ ấy, cần có những tác viên Tin mừng có kinh nghiệm gặp Chúa cách cá vị, sâu sắc như Sứ điệp truyền giáo của Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi để nhờ vậy “LÒNG BỪNG CHÁY VÀ CHÂN BƯỚC NHANH” đi đến chia sẻ tin vui cho người khác được. Sau cùng (III), như một quyết tâm cá nhân cụ thể, chúng ta, những tác viên Tin mừng sẽ quyết tâm học nơi hai môn đệ trên đường Emmaus những thái độ và tâm tình để trở thành chứng nhân cho Đức Kitô Phục sinh nhờ cuộc CANH TÂN ĐỨC TIN qua GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI.

I. HIỆN TRẠNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Bài Tin mừng cho thấy bối cảnh là cảnh chiều tà (x. Lc 24, 29), có hai môn đệ đang lê bước trên đường trở về Emmau, một thành phố cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau nhưng trong bầu khí u buồn, ảm đạm: “vẻ mặt buồn rầu” (x. Lc 24,17). Thực ra, đây không chỉ nói về hai cá nhân cụ thể nào, mặc dầu sau đó có nói đến một trong hai người có tên là Clêopát (x. Lc 24, 18), nhưng muốn ám chỉ tình trạng chung hay ít ra là tình trạng của một số cộng đoàn của Giáo hội sơ khai. Đó là tình trạng tan đàn xẻ nghé (rời nhóm, về quê), tình trạng u sầu buồn bã (vẻ mặt buồn rầu), tình trạng hụt hẫng, mất hy vọng, mất định hướng (phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng,… còn bây giờ… thì bỏ về quê!). Có lẽ đây cũng là tình trạng của một số người, một số gia đình, một số hội đoàn trong các giáo xứ hay ít ra trong một số giáo xứ trong giáo phận chúng ta.

Thật vậy, theo Bản đúc kết thảo luận về Tân Phúc Âm hoá tại Đền thánh Quần Phương, ngày 26 tháng 4 năm 2023 vừa qua mà trong cuộc thảo luận đó, con tin rằng có nhiều ông bà anh chị em chúng ta đây cũng có mặt hôm đó, cho thấy (như được trả lời cho phần đầu của câu hỏi thứ hai: Nhận định về hiện trạng các tín hữu khô khan, nguội lạnh, thậm chí bỏ đạo (cách riêng là các tân tòng), có những nhận định như sau:

+ Cuộc sống phần nhiều giáo dân tỏ ra thiếu chiều sâu nội tâm và phản chứng Tin Mừng. Một số gia đình quan tâm cho con cái học kiến thức văn hóa, bỏ bê việc giáo dục đức tin. Nhiều giáo dân sống tình trạng “Hữu danh vô thực”- mang danh Ki-tô hữu nhưng không thực hành đạo.

+ Lớp trẻ chạy theo công nghệ hiện đại, không thiếu những bạn trẻ giữ đạo hình thức, thực hành đức tin một cách gò ép và hờ hững, tình trạng bỏ đạo, ly hôn, ly thân, vướng mắc các tệ nạn xã hội gia tăng.

+ Cha xứ- Ban hành giáo- Giáo dân chưa có sự kết nối, cộng tác và nâng đỡ lẫn nhau. Chưa quan tâm tới những người lầm lạc, người gặp khó khăn hoạn nạn trong giáo xứ.

Những nhận định này cho thấy cũng như một số cộng đoàn của giáo hội sơ khai mà hai môn đệ đang lê bước trên đường Emmaus là đại diện, không ở đâu xa, chính trong giáo phận chúng ta cũng có rất nhiều người, nhiều cộng đoàn đang trong tình trạng trì trệ, u buồn, tan rã. Vậy, với tình trạng của những cá nhân hay nhóm người ấy, chúng ta-những tác viên Tin mừng- phải làm gì để giúp họ lấy lại đức tin, làm cho đức tin của họ có thể sống động trở lại, trở nên những con người nhiệt thành, hăng say “lòng bừng cháy và chân bước nhanh” đây?

Cũng trong Bản đúc kết thảo luận trên, phần cuối của câu hai trên đây đã đưa ra những giải pháp sau đây:

+ Một cách tổng thể chung cho mọi tín hữu: Mọi thành phần dân Chúa cần quan tâm tới việc đào tạo đức tin trong giáo xứ sát thực hơn: Xem lại chương trình đào tạo giáo lý thiếu nhi và giáo lý viên, nhấn mạnh việc học Kinh Thánh và sống Lời Chúa, tĩnh tâm hằng năm cho các tín hữu, quan tâm chăm sóc mục vụ cho những trường hợp cá biệt.

+ Về phía các vị chủ chăn: Các cha cần lưu ý đến chất lượng bài giảng, cách hành xử với giáo dân, không can thiệp quá sâu vào việc bầu chọn ban hành giáo. Giúp các hội đoàn biết cầu nguyện, khuyên bảo các anh chị em xa rời đức tin trở về với Chúa và Giáo Hội.

+ Về phía các tác viên Loan báo Tin mừng: Có sự phân chia cụ thể cho từng thành viên trong nhóm Loan Báo Tin Mừng giáo xứ đồng hành với các tân tòng, những người sai lạc đức tin và sống đạo hời hợt trong khu vực. Đồng thời, có sự nâng đỡ tinh thần vật chất kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn.

+ Về phía giáo xứ: Ước mong tại các giáo xứ có khoá huấn luyện để phát triển đời sống thiêng liêng, nhân bản cho các tín hữu trong xứ. Nhờ đó, các bậc cha mẹ biết giáo dục đức tin trong gia đình bằng đời sống, gương sáng của mình.

+ Về việc bố trí nhân sự: Xin cho các giáo họ cũng có các Dì đến ở và đồng hành với giáo dân.

Những giải pháp đưa ra trên đây thật vĩ đại, có tính toàn diện, phong phú, đòi hỏi một sự tham gia tổng lực, đều khắp từ trên xuống dưới, từ hình thức đến nội dung với những công việc cụ thể, thiết yếu. Lí thuyết mà nói giải pháp đưa ra thật tốt, thật hay, thật lí tưởng. Nhưng thực tế mà nói, từ tháng 4 khi giải pháp được đưa ra cho đến nay đã nửa năm trôi qua rồi (!), anh chị em thấy kế hoạch đã được thực hiện như thế nào rồi? Có sự tiến triển nào về đời sống đức tin của những người được coi là khô khan nguội lạnh, thậm chí bỏ đạo không? Con không dám trả lời và cũng chẳng có khả năng trả lời. Nếu muốn trả lời cũng thật khó. Tuy nhiên, điều con nhận ra là chúng ta đã có một kế hoạch, một đường hướng tốt, đúng đắn. Chúng ta đã có những suy nghĩ hay tầm nhìn đúng, chiến lược. Điều cần tiến hành lúc này là bắt tay vào việc. Việc bắt đầu này không chờ nơi người khác nhưng khởi sự từ chính mỗi người chúng ta, các tác viên Tin mừng. Chúng ta không chỉ nghĩ lớn (think big) nghĩa là thảo luận, đề xuất những dự án hay chương trình lớn lao. Chúng ta cần bắt đầu từ cái nhỏ bé (start small), cụ thể mà mỗi người chúng ta có thể làm. Cổ nhân đã từng nói: Muốn tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, chúng ta cần tu thân, bắt đầu từ chính bản thân mỗi chúng ta. Bắt đầu bằng cách trau dồi, học hỏi cho nhanh chóng (learn fast) và sống cho nghiêm túc những điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến chúng ta trong sứ điệp của Ngài.

II. LÒNG BỪNG CHÁY, CHÂN BƯỚC NHANH

Quý cha, quý thầy, quý dì và anh chị em đã có trong tay Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Khánh nhật Truyền giáo năm nay 2023. Ngài dựa vào Lc 24,13-35 nói về hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus để gửi cho chúng ta sứ điệp mang tên: “Lòng bừng sáng chân bước nhanh”. Hai môn đệ đã hoang mang và mất tinh thần, nhưng nhờ được gặp gỡ với Chúa Kitô Phục sinh trong lời nói và trong việc bẻ bánh, đã khơi dậy trong họ niềm khao khát nhiệt thành lên đường trở lại Giêrusalem loan báo rằng Chúa đã sống lại thật rồi. Một cách cụ thể, Đức Thánh cha mời gọi chúng ta chiêm ngắm ba hình ảnh phản ánh hành trình của tất cả các môn đệ truyền giáo này. Ngài đảm bảo rằng nhờ suy niệm và chiêm niệm những hình ảnh này, chúng ta được thúc bách đổi mới lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của chúng ta.

- Hình ảnh đầu tiên: “Lòng bừng cháy “khi Người (Đức Giêsu) giải thích Kinh Thánh”.

Nơi hình ảnh này, ta thấy vai trò quan trọng của Lời Chúa. Lời Chúa giúp hai môn đệ Emmaus từ tình trạng u buồn, chán nản vì cái chết của Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã tin tưởng (x. câu 17) và hy vọng đã sụp đổ (x. câu 21) nhưng đã trở nên nhẹ nhàng hơn, bình yên hơn và hơn nữa còn thấy phấn trấn, vui vẻ, lòng bừng cháy.

Giống như ngày hôm ấy, ngày nay, Đức thánh cha viết:  “Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người và đồng hành với họ, nhất là khi họ cảm thấy mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bủa vây và tìm cách chế ngự họ. Vì vậy, “chúng ta đừng để mình bị cướp mất hy vọng!” (Evangelii Gaudium, 86) dù cuộc sống có sóng gió thế nào chăng nữa. Chúa lớn hơn tất cả những vấn đề của chúng ta, nhất là nếu chúng ta đối diện với chúng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới. Vì cuối cùng, nói cho ngay, sứ vụ này là của Chúa và chúng ta chẳng là gì khác hơn là những người cộng tác khiêm tốn của Chúa, những “đầy tớ vô dụng” (x. Lc 17:10).

Vậy, chúng ta hãy can đảm, hãy tín thác vào Chúa. Ngài luôn đồng hành với chúng ta. Ngài vẫn tiếp tục nói với chúng ta như nói với các tông đồ xưa khi Người bước vào cuộc khổ nạn: “Trong thế gian, các con sẽ gặp những gian truân, nhưng hãy can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33). Được Lời Chúa soi dẫn, những tối tăm và sợ hãi nơi ta, trên hành trình truyền giáo sẽ được giải mã và nhờ vậy, trái tim ta sẽ được ủi an, nồng ấm trở lại.
Như thánh Giêrônimô đã nói “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô”. Do đó, việc học hỏi Thánh Kinh rất quan trọng đối với người Kitô hữu, càng quan trọng hơn đối với tác viên Tin mừng. Nếu không học hỏi Thánh Kinh, chúng ta chẳng có gì đáng giá để chia sẻ cho người khác cả. Vậy, chúng ta hãy luôn sẵn sàng để mình được Chúa Phục Sinh đồng hành và soi sáng cho chúng ta ý nghĩa của Thánh Kinh khi chúng ta đọc và học Thánh Kinh. Xin Người làm cho trái tim chúng ta bừng cháy; xin Người soi sáng và biến đổi chúng ta, để chúng ta loan truyền mầu nhiệm cứu độ của Người cho thế giới.

- Hình ảnh thứ hai là “Mắt họ mở ra và nhận ra Người (Đức Giêsu)” khi Người bẻ bánh.

Việc trái tim các môn đệ trên đường Emmaus cháy bỏng vì Lời Chúa đã thúc đẩy họ mời Người lữ hành bí ẩn ở lại với họ khi trời sắp tối. Khi họ quây quần quanh bàn, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Yếu tố quyết định mở mắt cho các môn đệ là chuỗi hành động Chúa Giêsu thực hiện: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Đó là những cử chỉ thông thường của người chủ gia đình Do Thái, nhưng, được người lữ hành bí ẩn thực hiện làm cho hai người bạn đồng bàn của Người nhận ra đó chính là cử chỉ Đức Giêsu Kitô đã làm trong phòng tiệc li. Tuy nhiên, ngay lúc họ nhận ra Chúa Giêsu trong việc bẻ bánh, thì “Người biến mất khỏi mắt họ” (Lc 24:31).

Tại sao “Người biến mất khỏ mắt họ”? Thưa là vì Đức Kitô, Đấng bẻ bánh, giờ đây trở thành tấm bánh được bẻ ra, chia sẻ cho các môn đệ và được họ ăn. Người ta không còn nhìn thấy Người nữa, vì giờ đây Người đã đi vào tâm hồn các môn đệ, khiến họ càng cháy bỏng hơn, và điều này thôi thúc họ lên đường ngay để chia sẻ với mọi người kinh nghiệm độc nhất vô nhị của họ về việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh.

Như vậy, Chúa Kitô phục sinh vừa là Đấng bẻ bánh, vừa là chính tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta. Theo đó, mọi môn đệ truyền giáo đều được kêu gọi trở nên, giống như Chúa Giêsu và trong Người, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, trở thành người bẻ bánh và là tấm bánh được bẻ ra cho thế giới. Thật vậy, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói“Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí Tích [Thánh Thể]. Tự bản chất của nó, tình yêu này đòi phải được thông truyền cho tất cả mọi người. Điều thế giới cần là tình yêu Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người.

Để sinh hoa trái trong đời sống, chúng ta phải luôn kết hiệp với Chúa Giêsu (x. Ga 15,4-9). Sự kết hiệp này đạt được qua lời cầu nguyện hằng ngày, đặc biệt trong giờ chầu Thánh Thể và nhờ việc tham dự Thánh Lễ, hiệp lễ, nhờ đó chúng ta có thể trở thành một nhà thần bí trong hành động. Ước gì chúng ta biết tha thiết xin Chúa ở lại với chúng ta như hai môn đệ Emmaus đã xin“Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con!” (x. Lc 24:29).

-  Hình ảnh thứ ba: Chân bước nhanh, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh.

Sau khi được mở mắt và nhận ra Chúa Giêsu “khi bẻ bánh”, các môn đệ “hối hả lên đường và trở về Giêrusalem” (x. Lc 24:33). Việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa chứng tỏ rằng “niềm vui của Tin Mừng lấp đầy trái tim và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Ai để cho mình được Ngài cứu thì được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn rầu, khỏi trống rỗng nội tâm, khỏi cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh” (Evangelii Gaudium1).

Thật vậy, người ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh mà không bừng cháy lòng nhiệt tình để nói cho mọi người về Người. Do đó, nguồn lực chính và chủ yếu của việc truyền giáo là những người đã biết Chúa Kitô Phục sinh trong Kinh thánh và trong Bí Tích Thánh Thể. Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất và những thời khắc đen tối nhất.

Ngày nay hơn bao giờ hết, gia đình nhân loại của chúng ta, bị tổn thương bởi biết bao hoàn cảnh bất công, biết bao chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng bình an và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Tất cả chúng ta  đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “Ngài đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình” (c. 15). Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta.

Tính cấp bách của hoạt động truyền giáo của Giáo hội đương nhiên đòi hỏi sự hợp tác truyền giáo ngày càng chặt chẽ hơn về phía tất cả các thành viên của Giáo hội và ở mọi cấp độ. Đây là một mục tiêu thiết yếu của hành trình Hiệp Hành mà Giáo hội đã thực hiện, được hướng dẫn bởi các từ khóa: hiệp thông, tham gia, truyền giáo. Cuộc hiệp hành này chắc chắn không phải là việc Giáo hội qui hướng vào bản thân mình; đúng hơn đó là một tiến trình lên đường và giống như các môn đệ Emmaus: lắng nghe, gặp gỡ Chúa phục sinh. Vì Người luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và bẻ bánh cho chúng ta, để nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thi hành sứ mệnh của Người trên thế giới.

Cũng như hai môn đệ Emmaus đã thuật lại cho những người khác những gì đã xảy ra dọc đường (x. Lc 24:35), cũng vậy, lời loan báo của chúng ta sẽ là một lời hân hoan kể về Chúa Kitô, cuộc đời, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người, và những điều kỳ diệu mà tình yêu thương của Người đã hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, để gặp được Đức Kitô và nhận ra Người, chúng ta phải có những thái độ và tâm tình của hai môn đệ trên đường Emmaus.
 

III. CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN: GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI

Dựa vào Bài Tin mừng, chúng ta học được hai môn đệ trên đường Emmaus 3 bài học hết sức quan trọng  và bổ ích cho hành trình cuộc sống nói chung và đời sống đức tin nói riêng như sau:

- Trước hết, nơi hai môn đệ Emmaus có sự cởi mở, chân thành và lắng nghe. Cởi mở ở chỗ, cho dẫu đang rất buồn rầu nhưng họ không hoàn toàn đóng kín, nín thinh nhưng vẫn còn mở ra với nhau. Họ vừa đi vừa trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra (x. Lc 24,14). Cởi mở ở chỗ, khi có người khách bộ hành lạ lẫm mà họ không biết, tiếp cận và bắt chuyện với họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Thay vì im lặng, tránh né, chối từ liên lạc, trao đổi, họ vẫn dừng lại, bắt chuyện và rồi tiếp tục vừa trao đổi, vừa tiếp tục bước đi.

Chân thành và lắng nghe ở chỗ hai ông không giấu diếm nhưng đơn sơ bộc lộ hết những gì các ông đang ưu tư, trăn trở trong lòng. Hai ông đã nói về việc mình đã đi theo Đức Giêsu, tin nhận Người như một vị ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Rồi việc các thượng tế và thủ lãnh Dothái đã nộp Người để Người phải chịu án tử, bị đóng đinh vào thập giá ra sao. Hai ông cũng không ngại nói ra niềm hy vọng của mình trước đây vào Người như là Đấng sẽ cứu chuộc It-ra-en. Kể cả những tin mới đây mà đối với các ông coi đó là chuyện đàn bà, con nít, chuyện tầm phào, hai ông cũng không giấu diếm, kể hết cho người bộ hành nghe. Các ông nói: “Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy” (Lc 24, 22-24). Chưa hết, hai ông cũng rất cởi mở và chăm chú, kiên nhẫn lắng nghe. Tin mừng cho thấy: “Bấy giờ, Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,25-28).

- Tiếp đến, hai môn đệ Emmaus có sự hiếu khách, trân trọng và tin tưởng dành cho khách. Hiếu khách ở chỗ: “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Nếu không hiếu khách và không thật lòng hiếu khách, các ông đã để cho Ngài đi rồi chứ không nài ép đâu. Trân trọng và tin tưởng khách ở chỗ, dù chỉ là vị khách mới gặp nhưng đã được hai ông dành cho vị thế và vai trò của chủ nhà. Thật vậy, chỉ người chủ mới đóng vai trò của người chủ bữa tiệc: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24, 30). Nếu hai môn đệ không mời, không nài ép vị khách bộ hành này, nếu không trao cho vị khách vai trò chủ nhà thì các ông đâu có dịp nhận ra Người; đâu có thời gian lắng đọng, đủ chín, đủ sâu mà cảm thấy “lòng bừng cháy” lên được.

- Sau cùng, hai môn đệ Emmaus có sự can đảm, bạo dạn và khiêm tốn. Can đảm được thể hiện ở chỗ: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem”. Ngay lúc ấy là lúc đã khuya vì khi vị khách bộ hành nhận lời ở lại trời đã xế chiều, mà sau đó còn chuẩn bị bữa tiệc và dự tiệc thì chắc chắn đã muộn rồi. Thêm nữa, hành trình từ Emmaus trở về Giêrusalem khá xa (khoảng 11km) nhưng “khi lòng bừng sáng” rồi thì ngoài trời có tối om như mực vẫn sáng như ban ngày. Đúng như sách Khải huyền có nói những kẻ được nhìn thấy tôn nhan Chúa thì đối với họ, “sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ” (Kh 22,4-5). Vâng, kẻ có ánh sáng của Chúa có được sự sáng rõ và bình an để bước đi trong an bình, vui tươi hớn hở và sức mạnh mà lên đường, chẳng sợ chi ngay cả giữa đêm tối mịt mù. Có Chúa trong lòng, chân tay, nét mặt và toàn thể con người trở nên nhanh nhẹn, vui tươi, mạnh mẽ, con đường như trở nên ngắn lại; hoàn toàn khác và trái ngược với hành trình ít giờ trước đó, dài thòng, lê thê, xám xịt.

Các ông cũng là những con người lúc này trở nên bạo dạn và khiêm tốn. Bạo dạn vì trước đây sợ sệt, chạy trốn mà giờ đây mạnh mẽ, quay đầu trở lại, giáp mặt. Khiêm tốn vì khi tới nơi, thấy các tông đồ đang tụ họp với nhau và kể lại việc Chúa đã sống lại thật rồi, các ông đã chờ đợi, kiên nhẫn lắng nghe. Rồi sau đó, đến lượt mình, hai ông “đã thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24,35). Bạo dạn và khiêm tốn xem ra như trái ngược nhau nhưng thực ra lại luôn sát cánh bên nhau, đắp đổi chờ đợi, nhường nhịn nhau nơi những người có tình yêu đích thực (lòng bừng cháy).

--o0o--
Ba bài học về thái độ và tâm tình tác viên Tin mừng chúng ta cần phải học hỏi, trau dồi nơi hai môn đệ trên đường Emmaus vừa trình bày liên kết thứ tự lớp lang với ba hình ảnh mà Đức thánh cha Phanxicô mời gọi chúng ta chiêm ngắm sẽ làm thành một cái kiềng ba chân cho cuộc canh tân đức tin của chúng ta: CANH TÂN ĐỨC TIN QUA GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI.

Thái độ thứ nhất: sự cởi mở, chân thành và lắng nghe thật thích hợp, ứng với hình ảnh thứ nhất: Lòng bừng cháy “khi Người (Đức Giêsu) giải thích Kinh Thánh.

Thái độ thứ hai: hiếu khách, trân trọng và tin tưởng thật thích hợp và ứng với hình ảnh thứ hai: Mắt họ mở ra và nhận ra Người (Đức Giêsu)” khi Người bẻ bánh.

Thái độ thứ ba: can đảm, bạo dạn và khiêm tốn thật thích hợp và ứng với hình ảnh thứ ba: Chân bước nhanh, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh.

Đây là chiếc kiềng ba chân vững chắc giúp cho Giáo hội sơ khai đang bị trì trệ, yếu kém, khiếm khuyết được thăng tiến, mạnh mẽ, tròn đầy. Như chiếc kiềng, chỉ một hay hai chân không thể đứng vững, nhưng đòi hỏi phải đồng bộ: cả ba chân. Nếu chỉ tập trung vào chân kiềng thứ nhất nghĩa là vào Lời Chúa mà thôi, không để ý đến chân thứ hai là các Bí Tích hay nếu chỉ quan tâm đến Lời Chúa và các Bí Tích mà thôi, một sự chân nhận và thực hành quen thuộc của chúng ta xưa nay về hai chân kiềng này thôi cũng không đủ. Cần có chân kiềng thứ ba là sự chia sẻ huynh đệ về chứng ta đời sống của Lời Chúa đã đánh động, biến đổi đời sống mình thế nào cũng như sự tác động của Bí Tích đã nuôi dưỡng và biến đổi đời sống mình ra sao. Chính việc chia sẻ chứng từ của cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh nhờ và qua Lời Chúa và Bí Tích sẽ giúp mọi người có lí do hữu lí và hữu ích để gặp gỡ, đối thoại, có dịp thuân lợi để nên một lòng một ý với nhau. Đúng như tên gọi: Chia sẻ đời sống, đời sống được hướng dẫn và nuôi sống bởi sự khôn ngoan và sức mạnh ân sủng của Đức Kitô Phục sinh. Sự khôn ngoan và sức sống họ chia sẻ cho nhau không phải của họ nhưng là của Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện, đang hoạt động nơi họ.

Khi soạn bài chia sẻ này, con luôn có trong đầu ý thức: Cần phải cổ võ việc gặp gỡ, chia sẻ huynh đệ. Cần phải nhấn mạnh chân kiềng này vì từ trước đến nay, chúng ta coi nhẹ, bỏ lơ chân kiềng thức ba này. Thật ra, chính chân kiềng thức ba này đã khơi gợi và giúp con đặt tên cho chủ đề là CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN: GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI. Quả vậy, cả hai chân kiềng kia: Lời Chúa và Bí Tích cũng luôn giả thiết phải có gặp gỡ, đối thoại. Chân kiềng thứ nhất là gặp gỡ, đối thoại với Chúa và Lời của Ngài. Chân kiềng thứ hai là gặp gỡ đối thoại với Chúa trong Bí Tích, sự hiện diện vô hình của Đức Kitô Phục sinh qua dấu chỉ Bí Tích. Còn chân kiềng thứ ba thì quá rõ ràng là sự gặp gỡ và đối thoại với nhau nhưng thực ra là gặp gỡ và đối thoại với Chúa trong anh chị em mình, gặp gỡ và chia sẻ với nhau ân huệ mà Chúa đã ban cho anh chị em mình. Đó là cuộc gặp gỡ và đối thoại của Mẹ Maria Thăm Viếng và bà Êlisabet (x. Lc 1,39-45), là cuộc gặp gỡ của hai môn đệ trên đường Emmaus và các tông đồ tại Giêrusalem (x. Lc 24,35).  

Như vậy, gặp gỡ và đối thoại là yếu tố sống còn để canh tân đời sống đức tin. Không có gặp gỡ đối thoại thì đức tin sẽ chết hay ít ra sẽ yếu dần, mai một và ran rã. Nói đến đối thoại là phải nói tới hai bên: Bên nói và bên nghe và ngược lại, bên nghe và bên nói. Phải có cả hai và cả hai bên đều phải mở ra cho gặp gỡ và đối thoại. Nếu chỉ có một bên, bên kia không cộng tác sẽ là cô đơn, là độc thoại. Nếu bên kia không hay chưa mở ra cho đối thoại , ta cần noi gương chính người bộ hành đóng vai Chúa Giêsu và học cách làm như Người đã làm. Bằng sự nhẫn lại, nhẹ nhàng, tế nhị và quan tâm, chúng ta tin rằng sẽ khơi lên nơi trong lòng người khô khan, nguội lạnh sự cởi mở, chân thành và lắng nghe; sự hiếu khách, trân trọng và tin tưởng; sự can đảm, nhiệt thành và mạnh dạn. Khơi lên được như vậy thì kết quả đã đạt là ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN ĐƯỢC CANH TÂN NHỜ GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI vậy. Amen.
 
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN VÀ CHIA SẺ
  1. Theo anh/chị/em, để canh tân đời sống đức tin của mình và trở thành tác viên Tin mừng, anh chị cần làm mới lại chính mình điều gì và làm mới như thế nào?
  2. Để có thể là tác viên Tin mừng sống động và hữu hiệu, anh/chị/em thấy mình cần có thái độ và hoạt động nào để có mối tương quan mật thiết với Chúa?
  3. Để cùng nhau loan báo Tin mừng, anh chị em cần cộng tác với nhau như thế nào và cần cộng tác với nhau trong lãnh vực nào nhất?

Tác giả: Lm. Gioakim Nguyễn Hữu Văn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập256
  • Máy chủ tìm kiếm67
  • Khách viếng thăm189
  • Hôm nay48,065
  • Tháng hiện tại1,210,836
  • Tổng lượt truy cập71,238,593
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây