Người ta có thể nói về người Kitô hữu thế nào?
Chủ nhật - 04/07/2021 21:45
1477
Một kinh nghiệm nhỏ
Hè năm thứ ba đại học, lớp chúng tôi có thời gian hơn một tuần thực tập chuyên môn tại một tỉnh miền Trung. Trong đợt ấy, mấy anh em sinh viên người Công giáo chúng tôi đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật tại một giáo xứ cách nơi thực tập khoảng hai mươi cây số. Chúng tôi ngỏ lời mời vài người bạn lương dân đi cùng. Lời đề nghị của chúng tôi được một số bạn vui vẻ đáp lại. Có lẽ đây cũng là một cơ hội thuận tiện để cả nhóm thực hành phương pháp quan sát có tham dự, thu thập thêm tri thức cho những môn học về tôn giáo.
Suốt quãng đường đi tới nhà thờ, chúng tôi hào hứng giới thiệu với “những bổn đạo một ngày” rằng miền đất mình sắp đặt chân đến là một trong những nơi du nhập đạo Công giáo sớm nhất ở Việt Nam và cũng là một giáo xứ giàu truyền thống với các sinh hoạt tôn giáo tầm cỡ mà có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên Youtube. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không quên nhắc nhở về thái độ tôn kính và trang nghiêm cần có khi tham dự Thánh lễ. Tôn trọng và đón nhận nhau trong sự khác biệt là nền tảng của gặp gỡ và đối thoại.
Chiếc xe taxi dừng lại trước sân ngôi nhà thờ gỗ đồ sộ nằm hiền hoà ngay trên triền đê, nhìn thẳng ra phía biển với những ngọn núi nhấp nhô bao quanh. Ai cũng trầm trồ vẻ đẹp nên thơ ở đây. Vì một thành viên trong nhóm có mối tương quan trước đó nên chúng tôi có cơ hội vào chào thăm cha xứ và được ngài nồng hậu đón tiếp. Ngài chia sẻ cho chúng tôi về truyền thống cũng như tình hình giáo xứ hiện tại. Sau đó, chúng tôi được ngài dẫn đi thăm quan một số công trình của giáo xứ. Sự đơn sơ, gần gũi và dễ mến của Cha để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng chúng tôi.
Thánh lễ chúng tôi tham dự chiều hôm ấy là Thánh lễ dành cho thiếu nhi. Ngồi trong nhà thờ, chúng tôi vẫn cảm nhận rất rõ cái vị mặn mòi của biển cả với tiếng sóng vỗ khe khẽ và mùi nước mắm thoang thoảng. Cha phó trẻ trung, năng động với bài giảng đầy cuốn hút và lôi cuốn. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng, các em thiếu nhi tương đối nền nếp. Tôi nhớ ngài chia sẻ rất hùng hồn về tình yêu thương dành cho cả kẻ thù của mình.
Có lẽ chuyến đi sẽ thật hoàn hảo nếu như không có những lời nhắc nhở sau Thánh lễ của cha phó. Ngài nặng lời bởi vụ việc một phụ huynh hành hung chị giáo lý viên vì dám liệt kê con cái họ vào danh sách những em không đủ tiêu chuẩn xưng tội năm nay. Mấy bạn lương dân quay sang nhìn tôi tỏ vẻ ngỡ ngàng, ngạc nhiên: Giáo lý viên là ai? Xưng tội là thế nào? Mà tại sao lại hành hung? Từ sự thiện cảm ban đầu giờ có chút gì đó hơi nghi ngại, băn khoăn.
Đáng ra chúng tôi định ở lại chụp một vài tấm hình kỷ niệm thì lại mau chóng lên xe ra về. Bầu khí bỗng chùng xuống. Nếu lúc đi hồ hởi, vui vẻ bao nhiêu thì đoạn đường về trầm lắng bấy nhiêu. Những gì trước đó chúng tôi cố công giới thiệu giờ trở nên thật mâu thuẫn. Danh xưng “Đạo yêu thương” bị tổn thương nghiêm trọng. Như hiểu nỗi lòng của chúng tôi nên các bạn lương dân kia cũng không hỏi gì thêm. Chúng tôi biết mọi sự giải thích của mình lúc ấy sẽ đều trở nên vô nghĩa. Hiện thực mà các bạn lương dân kia mắt thấy tai nghe hôm nay là một hình ảnh không đẹp nếu không muốn nói là tồi tệ.
Ngôn hành bất nhất
Kinh nghiệm không hay của chúng tôi ở trên dẫu chỉ là một trường hợp đáng tiếc nhưng rõ ràng sự thiện cảm dành cho đạo của mấy bạn lương dân kia có thể bị lung lay. Cũng không phải “chỉ vì một cành cây khô mà kết luận xấu về cả cánh rừng” nhưng chí ít người ta có quyền nghi ngờ về những mặt tối trong việc thực hành đạo. Vấn đề lớn nhất của Giáo hội ngày nay có lẽ là việc làm chứng của Giáo hội không đi đôi với lời dạy của Giáo hội. Giáo hội không luôn luôn thực hành điều mình giảng [1].
Khoảng cách xa nhất vẫn là từ “miệng” đến “tay”, giữa nói và làm, giữa lời rao giảng và hành động. Làm sao con cái Chúa có thể rao giảng một Thiên Chúa tình yêu trong khi lòng mình còn chất chứa tư tưởng hận thù, lời nói gây ra bất hoà, và việc làm thì đầy chia rẽ. Thuyết phục thế nào khi bao dung, tha thứ chỉ dừng lại trên đầu môi chót lưỡi, còn hành động lại chỉ là hằn học, xô xát. Thật cay đắng để người ngoại phải nhận xét: Tin Chúa chứ không tin con cái Chúa. Tin đạo chứ không tin người có đạo. Những vụ lùm xùm gây gương mù của hàng giáo sỹ hay sự thoái hoá xuống cấp về mặt luân lý nơi đời sống giáo dân là phản chứng mạnh mẽ đối với sự thật và sự phong phú của một cuộc sống theo gương Đức Giêsu. Quả thực, nhiều khi người ta thích nghe Lời Chúa nhưng con cái Chúa lại thường bị “câm”.
Khi bàn về những hình thức và nguồn gốc của chủ thuyết vô thần, Công đồng Vaticanô II mạnh mẽ nhắc nhở: “Có thể các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nảy sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” [2].
Tài liệu Đối thoại và Rao truyền được hai cơ quan của Giáo triều Rôma, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn và Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, công bố năm 1991, cũng nhắc tới một số trở ngại bên trong thuộc tâm tính con người (từ phía Kitô hữu) cho công cuộc đối thoại và rao truyền là việc không bám rễ sâu trong chính đức tin của riêng mình, hay có thể cuộc sống Kitô hữu biểu lộ một chứng tá không tương hợp với đức tin của mình, vì thế có khoảng cách giữa lời nói và các việc làm, giữa sứ điệp Kitô giáo và cách sống của người ấy [3].
Đáng ra đời sống người Kitô hữu phải làm vinh danh Chúa, cảm hoá tâm hồn người khác và thúc đẩy họ muốn đi theo đạo thì nhiều khi lại cản trở người ta đến với Chúa, với đạo. Ở đây, chúng ta có thể nhắc đến biến cố thời sinh viên của Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ. Mặc dù say mê Kinh Thánh và giáo lý yêu thương của Đức Giêsu nhưng ông quyết định không đến nhà thờ nữa và từ bỏ ý định trở thành người Công giáo vì hành động kỳ thị, phản yêu thương của những người Kitô hữu khi không cho phép người da đen như ông đến nhà thờ của người da trắng để dự lễ.
Lôi cuốn chứ không lôi kéo
Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với những người đi theo Người: Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian và ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (x. Mt 5,13-16). Điều này tiếp tục được khai triển trong lời dạy của các Thánh Tông đồ Phêrô: “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để họ thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (1Pr 2,12) và Phaolô: “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,5). Người môn đệ Đức Kitô có thể làm chứng cho sự hiện diện của Chúa và chiếu toả ánh sáng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân bằng đời sống yêu thương: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Giáo huấn của Giáo hội triệt để nghiêm cấm mọi hình thức ép buộc hoặc dùng cách thế bất chính để dụ dỗ hay lôi kéo người khác theo đạo [4]. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói rằng: “Hội Thánh lớn mạnh không do việc khuyến dụ người khác gia nhập đạo mình, mà ngang qua sự thu hút của mình bằng cuộc sống” [5]. Điều này được Đức Thánh cha Phanxicô thường xuyên lặp lại: phải luôn nhớ là hấp dẫn chứ không phải chiêu dụ. Ngài nói với giới trẻ Việt Nam: “Ước gì nhờ đời sống chứng tá của các con, những sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa có thể chạm đến trái tim của những người thân cận và đồng bào của các con. Luôn phải là chứng tá chứ không bao giờ là lôi kéo” [6]. Người Việt Nam thường nói: Hữu xạ tự nhiên hương.
Chứng tá là một cách thế công bố Tin Mừng tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt và hiệu nghiệm [7]. Sự tốt lành thánh thiện nơi người Kitô hữu luôn là lời rao giảng hùng hồn nhất. Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy [8], vào nghiệm cảm hơn là vào giảng thuyết, và vào cuộc sống hơn là vào các lý thuyết. Chứng từ của đời sống Kitô hữu là thể thức đầu tiên không thể thay thế của việc truyền giáo [9]. Tình yêu thu hút được cái nhìn ngưỡng mộ của con người thời nay [10]. Đức hiếu hoà, lòng bao dung, tinh thần tha thứ đối với những người bách hại mình của các vị Thánh trong Giáo hội, nhất là các Thánh Tử đạo luôn được mọi người ca ngợi, cảm phục. Các ngài được ví như loại hương mộc tiết ra hương thơm trên cả lưỡi rìu vừa đốn hạ chúng, như bông hoa vẫn toả hương trên đôi bàn tay vừa bóp nát chúng.
Quả thực, tình yêu hiện diện nơi lối sống người tín hữu ít nhất cũng tạo nên thiện cảm đối với dân ngoại trước khi nó có sức hút họ đến với đạo. Điều này đã được minh chứng thời Giáo hội sơ khai, những người ngoại giáo đã theo đạo Chúa vì thấy tình thương ngự trị trong cộng đồng người Kitô hữu tiên khởi mà giáo phụ Tertulianô ghi nhận: “Nhìn xem - dân ngoại bảo nhau - họ yêu thương nhau biết dường nào” (Hộ giáo, 39,7) [11].
Trong Sứ điệp video gửi đến buổi canh thức đại kết Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm 22/5/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đặt ra câu hỏi: Ngày nay người ta có thể nói về người Kitô hữu thế nào: “Nhìn xem họ yêu thương nhau biết chừng nào?” hay “Nhìn xem họ ghét nhau biết bao?” [12]. Chắc chắn câu hỏi này vẫn luôn day dứt và nhức nhối cho người ai đang bước trên con đường sống và làm chứng cho Tin Mừng Đức Giêsu.
Chú thích[1] Stephen B. Bevans, Svd - Roger P. Schroder, Svd, Truyền giáo như đối thoại ngôn sứ, Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên chuyển ngữ, Phần VI: Một thần học truyền giáo cho hôm nay, theo WHĐ (12/6/2021): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/truyen-giao-nhu-doi-thoai-ngon-su-42061#_Toc74383481.
[2] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes (07/12/1965), số 19.
[3] x. Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn - Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đối thoại và Rao truyền: Những suy tư và những chỉ dẫn liên quan đến Đối thoại liên tôn và Rao truyền Phúc Âm (19/5/1991), số 52 và 73a.
[4] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes (07/12/1965), số 13; Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (07/12/1965), số 1.6.11-12.
[5] Cindy Wooden, Pope, friends move in the Spirit, The Catholic Weekly 03/8/2014, p. 7, trích lại theo Trần Ngọc Mười Hai, Chuyện phiếm đạo đời Tập 10, NXB Hồng Đức, 2015, tr. 11).
[6] x. Sứ điệp video của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các bạn trẻ Công giáo Việt Nam nhân Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVII tổ chức tại Giáo phận Bùi Chu từ ngày 19-20/11/2019, theo Vatican News (20/11/2019): https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html.
[7] Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), số 21.
[8] Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), số 41.
[9] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio (07/12/1990), số 42.
[10] x. Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ 13 gửi Cộng đoàn Dân Chúa, số 3, theo WTGPHN (04/11/2012): https://www.tonggiaophanhanoi.org/su-diep-thuong-hdgm-the-gioi-thu-13-gui-cong-doan-dan-chua/. Hội nghị THĐGM Thế giới Thường kỳ lần thứ 13 diễn ra tại Rôma từ ngày 07-28/10/2012 về chủ đề: “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin Kitô giáo”.
[11] x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp gửi các bạn trẻ nhân ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXIII tại Sydney - 2008, số 4, theo: https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/vi/messages/youth/documents/hf_ben-xvi_mes_20070720_youth.html.
[12] x. Sứ điệp video của Đức Thánh cha Phanxicô gửi đến buổi canh thức đại kết Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo Vatican News (23/5/2021): https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/dtc-phanxico-su-diep-canh-thuc-chua-thanh-than-hien-xuong-charis.html. Sự kiện này được tổ chức bởi nhóm Charis – Ban điều hợp quốc tế của phong trào canh tân trong Thánh Linh, tại nhà thờ Chúa Kitô của Anh giáo tại Giêrusalem, ngày 22/5/2021.