Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay đến vai trò của Ngài là Đấng soi sáng, thánh hóa, đổi mới; Đấng ban sự bình an, niềm vui, can đảm, khôn ngoan, lo liệu, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Chúa... Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, người viết xin được viết lên đôi dòng cảm nghiệm về vài trò của Chúa Thánh Thần trong khía cạnh: Đấng ban Bình An.
Trong cuộc sống nhân sinh, Bình an, đó là điều ai cũng ước mong! Ta thường cầu nguyện cho gia đình, cho chính mình được bình an. Đó là điều tốt, nhưng bình an này chỉ là thứ bình an theo tự nhiên. Còn có một thứ bình an khác mà Chúa Giêsu là người ban đó là: bình an siêu nhiên, bình an trong tâm hồn. Hay nói cách khác, ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đó có bình an. Thế giới không thể cho ta Bình an nội tâm. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta được tham dự vào sự bình an của Người. Khi cảm thấy mình bối rối, sợ sệt và lo lắng, ta hãy quay về với Chúa Giêsu và phó thác những lo lắng đó cho Ngài. Ngài sẽ chỉ cho ta thấy trái tim Ngài và ta sẽ tràn ngập bình an của Ngài. Bình an của mỗi người có thể là khởi đầu bình an cho thế giới.
Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an. Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài. Giữa cơn phong ba bão táp, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!” Bình an của Đấng Phục Sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió, mà là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ phải đối đầu với kẻ thù. Bình an ấy giúp ta đối diện với khổ đau và thử thách và ngay cả cái chết. Chính vì thế mà sau khi trao bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ “xem tay và cạnh sườn” Người. Đó là bằng chứng của một cuộc chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ sẽ phải đi tới.“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Nhận được bình an, lòng tràn ngập hân hoan, các môn đệ không còn nhát sợ. Với sức mạnh của Thánh Thần các ngài mạnh dạn mở tung cửa bước ra ngoài, hiên ngang rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã bị người ta giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Người đang hiện diện sống động giữa các ngài và đang hoạt động mãnh liệt trong các ngài.
Lễ Hiện Xuống nhắc nhở người tín hữu về một Thánh Thần bình an đã và đang hoạt động trong lòng Giáo Hội. Người cũng đang hiện diện trong những người đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức để sai họ đi làm chứng nhân cho Tin Mừng. Khi để Thánh Thần mở toang cánh cửa tâm hồn, không còn nhát sợ nhưng can đảm chiến đấu với thử thách, khổ đau trong cuộc sống. Để Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến với người nghèo khổ, bất hạnh, để tận tình yêu thương và kính trọng họ cho xứng với phẩm giá con người. Để Thánh Thần là để Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến với những người chưa nhận biết Chúa bằng đời sống dấn thân phục vụ trong hân hoan. Nếu mỗi người tín hữu biết mở lòng để Thánh Thần canh tân đổi mới, nếu mỗi chúng ta biết lắng nghe tiếng nói thầm lặng nhưng mạnh mẽ của Thánh Thần, thì mọi người sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu trên toàn thế giới.
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi tâm hồn chúng con, xin hãy đến lôi kéo con khỏi tội lỗi và giải thoát chúng con khỏi xiềng xích sự dữ. Xin hãy đốt cháy con trong lò lửa tình yêu của Chúa để thiêu hủy tất cả những gì làm cản trở con trên con đường vào Nước Chúa. Xin cho con tìm được nguồn bình an đích thực trong Chúa, xin ngự đến và đổ tràn đầy trong lòng các tín hữu những hồng ân của Ngài Amen!
M. Anthony Vũ Ga,fmsr