Bộ lá và hệ rễ
Thứ ba - 26/11/2019 19:35
1882
Bạn có bao giờ tự sống tách mình khỏi những người xung quanh, nhất là khi bạn vừa trải qua một cơn khủng hoảng hay nỗi thất vọng não nề? “Không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, chúng ta cần nương tựa vào nhau, quan tâm đến nhau với sự chân thành và ấm áp của con tim đồng cảm sẻ chia. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ vượt qua được buồn đau khi tạo nên rào chắn xung quanh mình. Hơn bao giờ hết, chúng ta sống luôn cần nhau và cho nhau. Cũng như chiếc lá cần cành cây, cành cây cần thân cây, thân cây cần rễ cây và rễ cây thì cần những phần còn lại của cây.
Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson có lần chỉ ra rằng: “Gốc rễ của con người quan trọng hơn tất cả cành và hoa lá”. Những gì mà mọi người trông thấy ở bạn chỉ là lá, là hình thức, là phần hiển hiện bên ngoài. Ngược lại, những gì họ không trông thấy chính là rễ, là các giá trị và nguyên tắc tạo nên cái gốc, phần hồn của con người bạn. Tính cách con người phát triển từ một hệ thống rễ tốt. Phần rễ cây, nằm ngầm dưới đất, chính là thái độ sống với Thiên Chúa, với con người, với thiên nhiên vạn vật. Phần rễ này không ai nhìn thấy, nhưng lại quyết định sự sinh tồn của cây. Rễ tốt thì cây khoẻ. Cũng giống như một đứa trẻ có thái độ tốt sẽ trở thành một con người mạnh mẽ và độc lập. Phần thân cành là các kỹ năng sống. Thân cành phát triển cùng cây cũng như các kỹ năng sẽ được bồi đắp cùng thời gian. Kỹ năng càng tốt - thân cành càng chắc. Lá cây chính là kiến thức. Kiến thức thì không phải là thứ bất biến, giống như lá cây mọc, rụng, rồi lại mọc theo mùa. Một cây tốt rễ, chắc thân cành thì lá kiểu gì cũng ổn. Ngược lại, một cây mà chỉ tốt lá, còn rễ non, cành yếu thì cũng chẳng hy vọng gì nhiều. Tư tưởng là hoa, việc làm là quả. Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh Phaolô đưa ra hai loại quả: Quả của Thần Khí đối nghịch với trái đắng của Satan mà gốc rễ của nó là ác thần. Thánh Phêrô cũng nhắc chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé, anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”. Vâng, rễ cây là một cơ quan quan trọng nhất, là cơ quan sinh dưỡng của thực vật. Ngoài ra, nó còn là cơ quan dự trữ các chất dinh dưỡng cho cây. Còn những chiếc lá tuy xanh đẹp nhưng phong ba bão táp thì không thể trụ lâu. Với nhánh cây, tuy kiên cường hơn một chút nhưng gió lớn thì lại chẳng thể nào đứng lâu được. Như vậy, rễ cây chính là nơi cung cấp nguồn sống cho cây. Điều hiển nhiên chúng ta biết rằng cây cối làm việc triền miên không ngưng nghỉ. Con người chúng ta cũng vậy, mỗi chúng ta đều ngủ bình thường mỗi ngày và với quả tim vẫn luôn đập, chúng ta cần liên kết với nhau để tồn tại. Chính trong sự liên kết của tình yêu thương ấy, chúng ta mới tìm thấy nguồn vui sống. Những ảnh hưởng của bạn tới cuộc sống của người khác, dù bạn có nhận thấy hay không, là vô hạn. Bạn có thể không bao giờ biết được sức mạnh của tình yêu thương mà bạn đã trao cho người khác. Tình yêu đó giống như đốm lửa, một khi được nhóm lên sẽ mãi mãitỏa sáng và không bao giờ lụi tắt. Nhưng muốn được như thế, tôi thiết nghĩ rằng, mỗi kitô hữu chúng ta- những người đang lữ hành trên dương thế luôn trở về với cội nguồn của mình là Thiên Chúa. Ngài chính là nguồn cội của mọi gia tộc trên trời dưới đất, là khởi nguyên và cùng tận của muôn loài với tinh thần hiệp nhất trong Thần Khí Đức Kitô và nhờ Người mà được trở về với Thiên Chúa để đạt tới Quê Trời hạnh phúc. Cành lá sum xuê sinh hoa trái; Tác giả Tin Mừng Gioan cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp: cây nho và cành. Quả vậy, cành nho là người tông đồ, là chúng ta phải luôn gắn kết với thân cây là Đức Kitô.
Với chị em Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu - những cành lá của cội rễ là Thiên Chúa qua Đức Cha Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn- vị Giám Mục Việt Nam tiên khởi của giáo phận Bùi Chu và cũng là Giám Mục người Việt thứ hai của Giáo hội Công giáo Việt Nam; ngài cũng là Đấng Sáng Lập Dòng Mân Côi. Chính ngài là tác giả chính yếu viết lên trang sử đời mình và để lại cho thế hệ hậu sinh một tấm gương sáng ngời của vị mục tử, của vị cha chung. Dịp tưởng nhớ ngày ngài từ biệt cõi trần mà trở về nhà Cha trên trời lần thứ 71 này, các bạn và tôi cùng nhau sánh bước theo gương Đức Cha mà hút nhựa sống từ Đức Giêsu Kitô để vườn cây Giáo Hội- nơi mà chúng ta đang sinh sống luôn xanh đẹp và tràn đầy sức sống. Ý thức rằng mỗi chúng ta là mỗi chiếc lá, chúng ta cùng nhau ở lại và ở trong Đức Kitô để gặp gỡ, lắng nghe, hiểu biết, để nên một với Ngài như cành nho và thân nho. Có như thế, chúng ta mới có cùng nhịp đập với Đức Ki-tô. Chúng ta luôn tâm niệm rằng: Chúa cần đôi tay chúng ta để tiếp tục ban phát ơn lành, đôi môi chúng ta để nói lên những lời an ủi và khích lệ, thân xác chúng ta để tiếp tục chịu đau khổ cứu độ thế giới, con tim chúng ta để tiếp tục yêu thương và cảm thông. Hơn bao giờ hết, Chúa cần tất cả con người chúng ta với đầy yếu đuối và giới hạn để tiếp tục chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài. Đức Cha Đa-minh Maria đã trăn trối: “Khi sống cha đã làm việc và khi chết cha vẫn còn làm việc”. Ngài muốn con cái Ngài “nối nghề” trong tình yêu và sự hướng dẫn của Chúa.
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn gặp “rễ” để không bao giờ có trắc trở nào hết. Nhưng “có qua thì có lại”, muốn được người tốt thì trước hết ta phải tốt với người trước đã. "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta". Quả đúng như vậy phải không bạn? Bởi gốc rễ khỏe khoắn tạo ra tính cách mạnh mẽ. Và một tính cách mạnh mẽ rất cần thiết khi muốn trao tặng cho đời sống những gì tốt đẹp nhất của mình. Khi gốc rễ được chăm sóc tốt, lá cây sẽ phát triển xanh tốt, nhựa sống trào dâng trong thân cây rồi cây đơm hoa kết trái…Vị cha chung của chúng ta-nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria trong thinh lặng, đã được chăm sóc tốt rồi. Vậy cành lá của rễ này thì sao?
Sống trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin- thời đại mà chủ nghĩa hưởng thụ “lên ngôi” thì tu sĩ Mân Côi chúng ta phải làm gì để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”? Tu sĩ chúng ta đang phải đối diện với bối cảnh khi mà con người thời nay luôn phải bon chen, ganh đua, thậm chí “đè” lên nhau để sống và tồn tại. Chính vì thế, chúng ta phải lội ngược dòng và phải cố gắng hết mình để chiến đấu với cám dỗ của xã hội này. Tuy vậy, không chỉ riêng tu sĩ mà nhiều người thường mơ ước có một cuộc sống quân bình và lành mạnh. Vậy, người sống lành mạnh là người biết tìm Chúa và nhận ra giới hạn của mình. Thêm vào đó, họ còn có tâm thế luôn luôncầu tiến và không ngừng vươn lên, hướng về Thánh ý Chúa. Thánh Augustinô đã để lại cho chúng ta một nghệ thuật sống qua lời cầu nguyện chân thành, đơn sơ và khiêm tốn của Ngài: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
Đức Kitô- nguồn mạch sự sống và sứ mệnh của chúng ta, chúng ta hãy ở lại, ở với và ở trong tình thương của Ngài để hút nhựa sống, nguồn sinh lực dồi dào để sinh hoa kết trái qua sự hiểu biết, yêu mến và gắn bó với Người và mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Người. Nếu chúng ta “cắt đứt” mối dây liên lạc với Ngài, không những chúng ta không thể chu toàn sứ mệnh của mình, mà còn mất luôn ý nghĩa của cuộc đời. Vì vậy, điều thiết yếu trong cuộc đời chúng ta là phải sống gần với Chúa để đào sâu và làm cho mối tương quan thân tình với Ngài luôn tươi trẻ và ngày càng mật thiết, sâu xa. Hơn nữa, mỗi ngày chúng ta phải mặc lấy tâm tình như Chúa Giê-su trong môi trường sống, qua bổn phận và trong tương quan với những con người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Chính vì vậy, chúng ta hãy cố gắng nhìn thế giới bằng con mắt của Chúa và thương yêu thế giới với con tim của Chúa. Trong mỗi phút giây của cuộc đời, chúng ta “tích lũy”, hút nhựa từ “nhựa sống Ki-tô” để trao ban nhựa sống đó cho thế giới và xã hội chúng ta đang sống. Nhờ đó, vinh danh Chúa được tỏa rạng nơi chính cách sống và hành động của chúng ta. Có như vậy, đời sống của Ki-tô hữu nói chung, của tu sĩ Mân Côi nói riêng mới đơm bông kết trái và tỏa hương thơm cho thế giới hôm nay. Đó cũng chính là cảm nghiệm và tâm tư mà Thánh Phanxicô de Sales đã từng nói: “Chúa trồng con ở đâu, con nở hoa tại đó”.
x. Cha Michel Quoist, Lời Kinh
Tác giả: M. Lucia Trần Huyền