Nếu hỏi Mùa Vọng là gì, hẳn nhiều người trả lời: Mùa Vọng là mùa mong đợi Đấng Cứu Thế giáng sinh làm người. Đấng ấy là “Ngôi lời trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14). Cũng có câu trả lời thật đơn giản: Mùa vọng là sự mong đợi, hy vọng một điều gì đó may mắn đến với mình. Vậy còn bạn! Bạn sẽ chọn câu trả lời nào? Phụng vụ dành 4 tuần cho Mùa Vọng để mỗi người chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng sinh 2 tuần đã qua đi, tôi đã làm gì và sẽ làm gì khi Mùa Vọng khép lại? Chần chừ gì nữa, thời gian qua đi không bao giờ trở lại! Nửa chặng đường đi qua, hãy đứng lên cất bước lên kẻo muộn.
Mùa Vọng là mùa của tỉnh thức để đón chờ Chúa đến vì ta không biết lúc nào, giờ nào? Chúa đến lúc ta không ngờ nên muốn gặp Ngài ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức trước cám dỗ cuộc đời, đừng rơi vào lạc thú, đam mê của thế gian mà quên Chúa. Không những thế, ta còn phải tỉnh thức để nhận ra Chúa, phải có tâm hồn nhạy cảm trước biến cố cuộc đời, đọc ra dấu hiệu của Chúa trong đời sống mình và tha nhân: “Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến”(Mt 42,42). Chúa đến với mỗi người cách âm thầm lặng lẽ, đến với ta bằng khiêm nhường như một người phục vụ, một người cha nhân hậu, giàu tình thương đang chờ đợi người con trở về. Ngài đến lúc ta không ngờ trong mọi công việc, qua những con người đau khổ, buồn chán, kém may mắn, bị xã hội bỏ rơi. Tỉnh thức không có nghĩa là ngồi một chỗ đợi Chúa đến, nhưng phải bằng việc bác ái, dấn thân phục vụ mọi người.
Mùa vọng là thời gian nhắc nhớ các kitô hữu ra khỏi cái tôi ích kỉ, dọn lại, sửa lại lối suy nghĩ, cách hành xử, thái độ kiêu căng, ghen tương, hận thù, ích kỷ, hẹp hồi, giận hờn, thờ ơ, vô cảm trước nhu cầu hay nỗi đau của tha nhân. Hãy mau mắn uốn nắn bản thân bằng bỏ đi thói xấu, uốn những quanh co khúc khuỷu trong tâm hồn để sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
Hội Thánh Việt Nam tập trung vào chủ đề Mục vụ gia đình trong ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm. Trong năm 2018-2019, chúng ta được mời gọi đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Mùa Vọng nhắc nhớ ta đem bình an đến cho người khác, sống hòa thuận yêu thương trong mỗi gia đình. Khi tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ, bạo lực trong gia đình xảy ra dẫn đến ly thân, ly dị, cha mẹ thiếu quan tâm tới con cái…, các thành viên trong gia đình cần đối thoại chân thành, thông cảm, tha thứ và làm hòa với nhau. Từ đó ta có thể mở rộng con tim đến với các anh chị em khác, nhất là người nghèo khổ, không nơi nương tựa, người yếu đau, trẻ em mồ côi,… bằng lời cầu nguyện, thăm hỏi, cảm thông, nâng đỡ, chia sẻ.
Tác giả: M.Athony Vũ Ga, fmsr