Hóa giải sự nóng giận trong tình yêu

Thứ sáu - 23/03/2018 04:14  3607
1232Viết về tình yêu xưa nay rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã tốn không ít giấy mực. Thi sĩ Hồ Dzếnh đã từng viết: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi trọn câu thề”. Có lẽ nơi đây ta nghiệm thấy triết lý sống của người trẻ thời nay về tình yêu: “yêu mà không cưới!”. Khi ảo tưởng về cái đẹp của tình yêu nửa vời, người trẻ cứ mãi tìm kiếm những mối tình dang dở để rồi chuốc lấy những thất bại đắng cay. Một tình yêu đôi bạn đích thực là một tình yêu dẫn đến hôn nhân. Nhưng người trẻ lại dửng dưng với hôn nhân vì ngày nay nó quá dễ dàng đổ vỡ. Có thể nói, nguyên nhân chính và khởi đầu cho nhiều nguyên nhân làm hôn nhân tan vỡ là sự nóng giận. Một tình yêu đích thực không phải là một tình yêu không có nóng giận nhưng là một tình yêu biết hóa giải nóng giận để tình yêu hôn nhân luôn bền chặt.

Bạn có bao giờ nóng giận không? Dĩ nhiên tất cả chúng ta không ai phủ nhận điều đó. Đây là một trong những xúc cảm tự nhiên của con người[1]. Có nhiều sự việc, cảnh huống khiến ta cảm thấy bực mình khó chịu, thường làm ta nổi cơn thịnh nộ giận dữ khi sự việc không xảy ra theo ý mình. Đôi khi ta mong đợi một điều gì đó xảy đến nhưng lại không xảy đến, ta cảm thấy bực mình cáu kỉnh hoặc có ai đó chọc tức làm tổn thương lòng tự ái, chúng ta cũng đùng đùng nổi giận.

Quả thật, chẳng thiếu gì những trường hợp làm ta nổi giận. Trong tình yêu hôn nhân cũng vậy, chẳng thiếu những lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” làm cho nóng giận lên ngôi và phá vỡ hạnh phúc mà ta đã dày công xây đắp. Sự thật là như thế, nóng giận vẫn hiện diện mà ta phải đối diện và hạnh phúc cũng cần được bảo vệ.

Nóng giận không phải là không hóa giải được

213Trước hết, điều cần thiết là tìm hiểu nguyên nhân. Sự hiểu biết lờ mờ sẽ khiến cho ta có phán đoán không đúng trong khi nóng giận. Điều đó ắt sẽ dẫn đến kết luận vội vàng sai lầm. Truyện người thiếu phụ Nam Xương là một minh họa điển hình về sai lầm tai hại này. Truyện kể rằng: Sau nhiều năm chinh chiến trở về, Trương Sinh được quy tụ cùng vợ và đứa con trai nhỏ được sinh ra khi anh lâm trận. Sự đoàn viên ắt hẳn là một niềm vui ắp đầy hạnh phúc nhưng điều đó không kéo dài được bao lâu. Đản, con trai Trương Sinh, đã không chấp nhận anh là cha nó: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi…” Anh tưởng mình đã hiểu hết sự tình, tin chắc là vợ hư. Với tính hay ghen, sự nóng giận làm cho anh không biết lắng nghe sự phân trần của Vũ Nương, vợ anh. Vũ Nương chẳng thể khuyên giải với chồng nên đã trầm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Cơn nóng giận khiến anh không hiểu được sự thật. Đứa trẻ đã nói về người cha là cái bóng trên vách nhà mà sau này chính anh đã khám phá ra. Với đứa con thơ, để giải thích cho con về sự vắng mặt của người cha, Vũ Nương đã khỏa lấp bằng chính cái bóng của mình hằng đêm.[2]

Nỗi oan ức của người thiếu phụ Nam Xương cũng là một lời phản tỉnh cho các đức ông chồng có tính hay ghen ngày hôm nay. Thật hạnh phúc cho phận nữ nhi nào được gả cho đức lang quân yêu nàng hết mực, ngay đến cái dở, cái xấu nơi nàng cũng trở thành cái đáng yêu, dễ mến. Nói về tình yêu của chồng, nàng sẽ mượn lời ca dao tục ngữ mà diễn tả:
                                                        “Lỗ mũi mười tám gánh lông,
                                               Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
                                                       Đêm thì nằm gáy o o,
                                               Chồng yêu chồng bảo gáy cho vui nhà.
                                                       Đi chợ thì hay ăn quà,
                                               Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
                                                       Trên đầu những rác cùng rơm,
                                               Chồng yêu chồng bảo hoa thơm đội đầu
                                                                                                 (Ca dao)
Một tình yêu như thế thật khó có cơ hội cho nóng giận lên ngôi.

Nhưng phần lớn thật khó có được tấm chồng như thế. Các đấng mày râu vẫn có tính hay ghen, đôi lúc vẫn nóng giận, đôi lúc vẫn to tiếng bất đồng. Những lúc như thế làm sao có thể hóa giải được cơn giận? Trong truyện Thánh Vinhsơn hay làm phép lạ có thể giúp chúng ta: Một chị nọ thường hay mau miệng cãi nhau với chồng, nhưng vẫn yêu chồng thương con nên đến cậy nhờ thánh nhân giúp đỡ. Ngài trao cho chị chai nước và dặn, mỗi khi vợ chồng có mâu thuẫn bất đồng cãi vã thì chị hãy ngậm một ngụm cho đến khi nguôi cơn giận. Theo lời thánh nhân, nhiều lần như thế chị đã kiềm chế được cơn nóng giận của mình. Thấy vợ mình thay đổi, chồng gạn hỏi, chị nhà mới kể lại thực hư được thánh Vinhsơn giúp đỡ. Đây cũng là kinh nghiệm của người xưa khuyên các cặp vợ chồng trẻ trong đời sống: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” (Ca dao). Việc tập nhẫn nhịn bớt lời trong khi to tiếng bất đồng là bước tiến trên con đường làm chủ và hóa giải cơn giận trong tình yêu gia đình.

Con đường hóa giải nóng giận tận căn là sự tha thứ. Một tình yêu quảng đại có thể tha thứ cho người mình yêu. Bởi vì, không có ai là hoàn hảo hết được: “Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần”. Chúng ta phải đón nhận cả lầm lỗi bằng tình yêu quảng đại, như Đức Giêsu đã từng tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang vì phạm tội ngoại tình. Trong khi tất cả mọi người đều kết án, loại trừ, thì Đức Giêsu lại nhìn chị với tấm lòng thương cảm và tha thứ.

Ông bà ta đã từng nói: “Chén bát trong chạn còn xô, nói gì vợ chồng”, nên vợ chồng không giận nhau mới lạ. Như thế người trẻ không còn ảo tưởng khi bước vào đời sống hôn nhân, đồng thời can đảm sống tình yêu hôn nhân trước thực trạng ngày hôm nay. Một tình yêu hôn nhân đích thực và quảng đại sẽ đón nhận và hóa giải được những nóng giận xảy đến. Về mặt tâm lý, sau mỗi lúc giận hờn, vợ chồng có cơ hội hiểu thêm về nhau và cảm xúc, tình yêu cũng có thể sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Ở phương diện tích cực, những giận hờn nho nhỏ không gây bất kỳ sự tổn thương nào cho người bạn đời, thì giận hờn sẽ như chút gia vị, giúp đời sống hôn nhân thêm nồng nàn hơn.■


 
Giuse Tâm An

[1] HuyỀn Cơ, Bàn về chữ giận, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội 2011,  tr.7.
[2] NguyỄn dữ, Truyền Kỳ Mạn Lục, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2016, tr. 194-201.

Nguồn tin: ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra khơi, số 17 tháng Ba 2018, tr. 29-33.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập395
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm351
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại930,359
  • Tổng lượt truy cập78,933,810
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây