Dõi vết chân Tình Yêu

Thứ ba - 13/03/2018 15:29  1892
UntitledTrong khu vườn nhân loại, thật khó để tìm ra một loài hoa nào rực rỡ màu sắc, ngào ngạt hương thơm và có sức lôi cuốn một cách kỳ diệu như tình yêu. Ngay từ những giây phút đầu tiên trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, khi Evà nhẹ nhàng đặt bước chân mình trên cuộc đời của Ađam, con người đã vui sướng nhận ra rằng tương lai và hạnh phúc của họ không thể nào thiếu đi bóng dáng của ái tình, một thực tại vừa mới mẻ lại vừa gần gũi, thân thuộc. Hạt giống tình yêu đã được Thiên Chúa gieo vào lòng nhân loại, trở thành một tặng phẩm vô giá từ trời cao. Món quà tuyệt diệu này, Thiên Chúa đã trao ban cho con người cách nhưng không, và Ngài không bao giờ có ý định rút lại. Cho dù có những rạn nứt, bất chấp những đổ vỡ do hậu quả của tội lỗi, tình yêu vẫn luôn mang trong mình hình ảnh trung thực nhất về vẻ đẹp và sức sống vĩnh hằng. Tuy vậy, sẽ là ảo tưởng nếu phủ nhận một thực tế rằng: do có tội lỗi chen vào, tình yêu đã trở nên một thực tại dẫu đẹp nhưng lại hết sức mỏng manh, dễ vỡ; trở thành một hành trình đầy gập ghềnh, khúc khuỷu cho những ai đặt chân vào con đường này.

Chưa bao giờ hai chữ tình yêu lại bị lạm dụng nhiều như hiện nay. Tình yêu dường như bị bóp méo để trở nên một thứ công cụ phục vụ cho những mục đích chẳng mấy tốt đẹp, nếu không muốn nói là xấu xa, đen tối của con người. Người ta lấy tình yêu ra làm tấm bình phong đạo đức nhằm che đậy, cổ võ cho lối sống buông thả, trụy lạc; người ta nhân danh tình yêu để gieo rắc nỗi sợ hãi, đau khổ cho người khác. Trong lối sống hiện đại, tình yêu đích thực với những đòi hỏi khắt khe xem ra khó có thể “cạnh tranh” được với thứ “tình yêu thời @”, nơi mà sự thoải mái do bản năng được thỏa mãn, được đáp ứng một cách tối đa. Con người, đặc biệt là giới trẻ, lao mình vào những cuộc phiêu lưu tình ái không có hồi kết, để rồi hài lòng với thứ hạnh phúc, thứ tình yêu gặp chăng hay chớ mà họ vẫn nghêu ngao hát rằng: “Tình yêu đến, em không mong đợi gì; tình yêu đi, em không hề hối tiếc”. Trước thực trạng đen tối đó, việc quay trở lại với những giá trị đích thực của tình yêu trở nên một đòi buộc cấp thiết. Muốn thế, con người chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải gạt bỏ đi những quan niệm sai lầm về tình yêu và học để biết cách yêu thế nào cho đúng với những gì một tình yêu đúng nghĩa đòi hỏi.

Như một thứ bản năng, con người, chẳng cần phải qua trường lớp đào tạo, có khả năng cảm nhận được tình yêu: thấy mình muốn yêu và được yêu. Nhưng nói thế không có nghĩa là tất cả mọi người đều là những bậc thầy về tình yêu và chẳng cần phải nhọc công để học cho biết cách yêu. Vượt trên kiến thức, hay những thủ thuật thuần túy, tình yêu xứng đáng được coi là một đối tượng để con người dành trọn vẹn cuộc đời cho việc tiếp cận, khám phá; không chỉ bằng những nỗ lực của trí óc, nhưng là bằng tất cả khả năng, phương tiện mà con người có thể có. Vậy tình yêu muốn con người phải học điều gì đó về nó? Hay nói khác đi, con người phải học điều gì mới có thể gọi là “biết cách yêu”.

1Con người không thể tìm thấy tình yêu nơi chính mình. Do đó, tình yêu không bao giờ là một sự khép kín tâm hồn, một sự quy chiếu về cái tôi cá nhân. Trái lại, tình yêu đòi buộc phải có một hành trình bước ra khỏi cuộc đời mình để đến với người khác và mở cửa để đón người khác bước vào cuộc đời mình. Đây thực sự là một thách đố với những ai vốn chỉ biết đến mình và coi mình là “trung tâm của vũ trụ”. Cùng một vấn đề, những cặp mắt khác nhau sẽ có cách cảm nhận khác nhau; nên để có thể đến với người khác và người khác đến với mình, con người bắt buộc phải học cách không nhìn nhận, đánh giá theo chủ quan nhưng tập nhìn, tập cảm nhận dưới lăng kính của người khác, để có thể dễ dàng đạt tới sự cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau. Chẳng thế mà khi yêu, người mình yêu bỗng trở thành tiêu chuẩn của cái đẹp, sự tuyệt mỹ; đến độ cả những cái xấu nơi người mình yêu cũng trở nên một thứ thật dễ thương, cũng có thể cho ta cảm nếm hương vị của hạnh phúc. Người ta vẫn cứ nói đùa “khi yêu, Thị Nở cũng hóa thành nàng Kiều” là vậy.

 Yêu cũng còn có nghĩa là sẵn sàng đón nhận đau khổ. Đau khổ ở đây được hiểu là những từ bỏ, hy sinh cần thiết để tình yêu có thể lớn lên. Tình yêu không bao giờ là một sự đảm bảo, một lời hứa hẹn cho thứ hạnh phúc dễ dãi. Nếu tách những gian nan, thử thách ra khỏi quan niệm về tình yêu, con người sẽ chỉ còn lại một thứ ảo ảnh méo mó về tình yêu; và lẽ đương nhiên, con người chẳng bao giờ có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự trong một thứ tình yêu như thế. Một thực tế đáng buồn là ngày nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ, do được bao bọc trong sự chiều chuộng, muốn gì có nấy, tỏ ra không thể chấp nhận một tình yêu với quá nhiều sự đòi hỏi từ bỏ cái tôi cá nhân. Họ sợ sự ràng buộc, né tránh sự cam kết chung thủy, sẵn sàng buông bỏ khi có một chút chuyện không vừa ý trong tình yêu. Với họ, tình yêu nhiều khi chỉ còn là những tính toán hơn thiệt, sự lợi dụng để thỏa mãn bản năng, một trạng thái cảm xúc hoàn toàn mang tính chất nhất thời: vui thì ở, dở thì bỏ. Sự lệch lạc trong lối sống của nhiều bạn trẻ ngày nay là biểu hiện rõ nhất cho việc thiếu đi những giá trị của tình yêu nơi cuộc sống của họ. Quan niệm sai lầm về tình yêu luôn dẫn đến những lệch lạc về lối sống là vậy.

Sẽ còn rất nhiều giá trị tốt đẹp nữa mà con người có thể khám phá trong tình yêu. “Hãy yêu và yêu cho đến cùng” đã, đang và sẽ luôn là lời mời gọi mà tình yêu gửi đến cho mỗi người, nhất là cho các bạn trẻ. Chỉ nơi tình yêu đúng nghĩa, con người mới tìm thấy ý nghĩa đích thực và đích đến cho sự hiện hữu của mình.

Tác giả: VA. H

Nguồn tin: ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra khơi, số 17 tháng Ba 2018, tr. 8-11.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập320
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm283
  • Hôm nay21,185
  • Tháng hiện tại998,572
  • Tổng lượt truy cập79,002,023
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây