Nụ hôn thương xót
Thứ bảy - 28/11/2015 15:04
2552
Bản tính thương xót của Thiên Chúa luôn kiên nhẫn như tình yêu của người Cha không bao giờ bỏ cuộc trước đứa con ngỗ nghịch. Bởi Ngài luôn tha thứ kẻ sai phạm vượt trên cả sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Thánh sử Luca đã nêu bật khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa qua vai trò của người cha trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Trong đó, hình ảnh “khi thấy con ở đằng xa ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20) là hình ảnh đẹp nhất.
Hình ảnh đó đẹp bởi vì nó đã diễn tả được cõi lòng của người cha sau bao ngày tháng mong ngóng, đợi chờ. Chỉ với một câu văn ngắn thôi thánh sử đã lột tả được tình thương của người cha dành cho đứa con đi hoang này. Từ đàng xa ông đã trông thấy anh, “ông chạnh lòng thương” khi thấy thân hình tiều tụy của con. Từ sự rung cảm của trái tim “chạnh lòng thương” đến hành động của chân ‘chạy’ tay ‘ôm’ và môi ‘hôn’, tình thương, niềm vui, hạnh phúc bên trong ông bộc lộ hết ra hành động ngoài cơ thể. Khuôn mặt của ông bây giờ rạng rỡ thay cho nét buồn sầu trước đó.
Người ta thường thể hiện niềm vui chiến thắng, sự thành công hay hạnh phúc qua cái bắt tay, lời chúc mừng hay một điệu vũ… Còn người cha ở đây thể hiện sự mừng vui của mình bằng nụ hôn. Người Phương Đông sống hướng nội, họ ít thể hiện nhưng luôn giấu kín tình cảm nhất là người cha. Nhưng hôm nay thái độ của người cha trong dụ ngôn thật là một ngoại lệ.
Nụ hôn của ông đụng chạm đến tâm hồn đứa con, khiến anh không thể nói hết được những điều muốn nói. Nụ hôn của tình thương, khoan dung, tha thứ đã thay đổi trái tim hoang, qua trải nghiệm xương máu này chắc chắn sẽ dậy trong anh quyết tâm từ nay sẽ không rời xa cha nữa.
Hình ảnh người cha cũng chính là hình bóng của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, luôn kiên nhẫn chờ đợi tội nhận trở về giao hòa cùng Ngài. Nụ hôn thương xót của người cha dành cho đứa con cũng là nụ hôn Thiên Chúa dành cho mỗi tội nhân chúng ta. Nụ hôn thương xót của Thiên Chúa không chỉ đụng tới thể lý nhưng chạm sâu tâm hồn nhân loại. Người luôn mở rộng trái tim, giang rộng cánh tay, đôi chân của Người không nghỉ ngơi, lúc nào cũng muốn chạy đến để ôm chầm lấy và gửi cho chúng ta những nụ hôn yêu thương của Người.
Trong Năm thánh lòng thương xót, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “mỗi người chúng ta hãy có những trải nghiệm của lòng thương xót, hãy chiêm ngắm và dán mắt nhìn chăm chú vào lòng thương xót, để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta”[1]. Những trải nghiệm đó chỉ đến khi ta thực sự đặt mình trong lòng thương xót của Thiên Chúa, trước sự thinh lặng của tâm hồn chỉ có ta với Ngài. Nụ hôn thương xót không chỉ dành cho chúng ta mà tất cả mọi người. Nhưng điều quan trọng con người có can đảm quay về và đón nhận hay không?
Không chỉ đón nhận, Thiên Chúa còn mời gọi chúng ta hãy là tông đồ của lòng thương xót, đem nụ hôn của Người đến với những anh chị em xung quanh. Nụ hôn ở đây là sự chạnh lòng thương, là sự rung động từ trái tim phải được diễn tả ra hành động: “Hãy thương xót như Cha các ngươi là Đấng đầy lòng thương xót”(Lc 6, 36).
“Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi mở tung cửa tâm hồn Ngài và lặp đi lặp lại rằng: Ngài yêu thương chúng ta và muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với chúng ta”[2]. Chỉ có chúng ta mệt mỏi khi không mở cửa tâm hồn ra với anh em mình thôi, đừng thờ ơ trước những anh chị em nghèo khổ, những người bị xã hội bỏ rơi. Hãy can đảm ra đi làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. “Ước chi dầu thương xót tuôn đến với tất cả mọi người, cả những tín hữu lẫn người đã lìa xa, như một dấu chỉ cho thấy nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta rồi”[3].
Nt. Maria Phạm Bích, Đaminh Bùi Chu
[1] ĐTC Phanxicô, Tông chiếu ấn định Năm thánh Lòng thương xót