Vị thế gia đình trong xã hội và Giáo hội
Thứ bảy - 26/12/2015 14:35
3324
Trong tim mỗi người, ít nhiều ai cũng ôm ấp những kỷ niệm về gia đình, nơi đó có sự hiền dịu của tình mẹ, lòng bao dung của cha vốn có tiếng nói thân quen của anh chị em. Những thanh âm bình dị mà khiến ta nhớ đến nao lòng khi xa vắng. Đó là tương giao thiêng liêng Thiên Chúa tạo ra để nối kết các thành viên trong nhà. Gia đình góp phần không nhỏ trong việc phát triển xã hội và Giáo hội, vì gia đình là nền tảng của xã hội và là Giáo hội thu nhỏ.
Gia đình là nền tảng của xã hội
Một xã hội văn minh và phát triển không chỉ dựa trên bình diện kinh tế nhưng trên cả đời sống tinh thần. Thực tế cho thấy sự cộng tác đắc lực của gia đình giúp cho nhà nước bớt đi gánh nặng về trong việc chăm sóc những người cao tuổi và lại lo lắng cho con cái, những chủ nhân của đất nước trong tương lai sao cho chúng được trang bị hành trang vào đời một cách đầy đủ nhất. Với nhiều thế hệ chung sống với nhau trong một mái ấm, gia đình là nơi bài học về quan tâm đến người khác và kính trên nhường dưới được thực hành một cách sinh động. Ngoài ra những giá trị về truyền thống và phong tục cũng được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, mái ấm gia đình đang bị đe dọa từ nhiều hiện trạng nhức nhối như: ly hôn; nhịp sống dầy đặc thời hiện đại khiến các thành viên không có thời gian dành cho nhau dẫn đến hệ lụy cha mẹ gặp khó khăn trong việc giáo dục con cái cũng như con cái không thể chăm sóc cha mẹ cao tuổi hay đau yếu cho đúng mực và nhất là vợ chồng khi gặp bất đồng rất dễ dàng chia tay nhau. Theo thống kê của của ngành tòa án nếu vào năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì con số này đã là 65.929 vào năm 2005 và năm 2010 đã lên đến 126.325 vụ. Không ai khác ngoài những đứa trẻ là nạn nhân trực tiếp từ sự đổ vỡ này.
Gia đình là Giáo hội thu nhỏ
Gia đình thực sự là vườn ươm đức tin. Thế hệ con cháu đặc biệt được thừa hưởng rất lớn từ đời sống đạo đức của bậc cha mẹ và ông bà. Ngay từ nhỏ chúng đã được dậy cho cách làm dấu thánh giá và bộc bạch những lời cầu nguyện tự phát thật chân thành tự đáy lòng. Gia đình cũng chính là vườn ươm ơn gọi. Thực tế cho thấy những người đi tu làm linh mục hay sống trong đời sống thánh hiến trước đó được đánh động rất nhiều từ gương lành của cha mẹ và ông bà hoặc chính các ngài đã trực tiếp hướng họ đến đời sống ơn gọi cũng như hằng ngày cầu nguyện cho con cháu mình được bền đỗ đến cùng.
Ý thức được vai trò quan trọng này, Giáo hội luôn quan tâm đến các gia đình. Gần đây nhất Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập hai công nghị về gia đình, trong đó khóa họp đặc biệt thứ ba của Thượng hội đồng giám mục ngoại thường đã diễn ra từ ngày 05 đến 19 tháng Mười 2014 với chủ đề “ Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh loan báo Tin mừng” và Thượng hội đồng giám mục thế giới kỳ thứ 14 về “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay” đã diễn ra tại Rôma từ ngày 04 đến 25 tháng Mười 2015.
Việc đầu tư cho gia đình cũng như có hướng đi mục vụ cho các gia đình để giúp họ đối diện những thử thách thời hiện đại và thoát khỏi vòng xoáy của những ma lực đe dọa trực tiếp đến những giá trị cao quý của gia đình luôn là việc làm khôn ngoan và sinh lời nhất cho xã hội và Giáo hội. Những hoa trái của gia đình có thể làm thay đổi tận căn một cách tích cực diện mạo xã hội và Giáo hội mà có tiền cũng không mua được. Chừng nào nhân loại còn tồn tại chừng ấy nền tảng gia đình vẫn không bao giờ được xem nhẹ.
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu