Bạn trẻ về Bùi Chu xem gì?
Chủ nhật - 17/11/2019 20:57
2503
Chỉ còn một ngày nữa là Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVII sẽ khai mạc tại Tiểu Vương cung Thánh đường Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội Phú Nhai. Chắc hẳn nhiều bạn trẻ khắp Giáo tỉnh đang háo hức chuẩn bị tư trang để lên đường về với Bùi Chu. Có lẽ nhiều bạn trẻ tự hỏi Bùi Chu có gì hay? Bùi Chu có gì độc đáo? Về Bùi Chu có địa điểm nào đi phượt?...
Hòa cùng nhịp tim háo hức với các bạn trẻ chuẩn bị về với Đại hội, về với Bùi Chu, Tạp chí Ra Khơi Bùi Chu xin giới thiệu với các bạn một vài địa điểm đẹp của Bùi Chu và mời bạn đến mà xem.
1. TÒA GIÁM MỤC BÙI CHU
Khuôn viên TGM ngoài Nhà Nguyện, các tòa nhà, còn có hai khu vườn AVE và khu Nhà số 4 với nhiều công trình, tác phẩm độc đáo như: Chuỗi hạt Mân Côi với mỗi hạt nặng khoảng 25kg; chiếc Kèn Đồng dài hơn 6m được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận; Bản dịch Kinh Kính Mừng ra 150 thứ tiếng, Nhà Các thánh Tử Đạo Việt Nam, Tháp Thăng Thiên… Địa chỉ: xã Xuân Ngọc – Xuân Trường – Nam Định
2. NHÀ THỜ CHÍNH TÒA BÙI CHU
Nhà thờ chính toà Bùi Chu được xây dựng và khánh thành vào năm 1885 thời Đức Cha Wenceslao Oñate Thuận (1884-1897) với chiều dài 78m, chiều rộng 22m, chiều cao 15m và 2 tháp chuông cao 30m. Trên gian cung thánh là nơi an nghỉ của 7 vị giám mục đã từng coi sóc Giáo phận Bùi Chu.
Từ năm 1848, toà giám mục được đặt tại Giáo xứ Bùi Chu. Nhà thờ của Giáo xứ Bùi Chu nhận Tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy. Cho đến nay, nhà thờ vẫn còn giữ được những nét cổ kính ban đầu, xứng đáng là nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong Giáo phận. Địa chỉ: xã Xuân Ngọc – Xuân Trường – Nam Định
3. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG PHÚ NHAI
Năm 1533, Phú Nhai (Trà Lũ) cùng với Ninh Cường, Quần Phương (Quần Anh) được vinh dự là nơi đón nhận Tin Mừng đầu tiên trên quê hương Việt Nam.
Vào nửa thế kỷ 19 là thời kỳ cấm đạo gắt gao nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Trước sự bách hại ghê gớm đó, năm 1858, Đức cha thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh, giám mục Bùi Chu và cha chính Emmanuel Riaño Hoà đã dâng Giáo phận Bùi Chu cho Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và hứa rằng nếu Đức Mẹ ban cho Giáo phận được bình an, thì sẽ nhận Người làm quan thầy và sẽ xây một đền thờ nguy nga để tỏ lòng tôn kính và khắc ghi công ơn. Lời khấn hứa đã được Đức Mẹ nhận lời. Năm 1868, cha chính Emmanuel Riaño Hoà được bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận. Năm 1881, ngài đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường tại Phú Nhai và tổ chức lễ cách long trọng vào ngày 8 tháng 12 hằng năm.
Đền thánh Phú Nhai được xây dựng nhiều lần khác nhau. Thánh đường hiện nay được tái thiết vào năm 1933, với kích thước: Dài 80m, rộng 27m, cao 30m, tháp cao 44m, lớn lao và đồ sộ bậc nhất Đông Dương.
Ngày 12/8/2008, nhân dịp kỷ niệm 150 năm (1848-2008) dâng hiến Giáo phận Bùi Chu cho Đức Mẹ, Toà Thánh đã phong tước hiệu Tiểu Vương cung Thánh đường cho Đền thánh Phú Nhai và ngày 08/12/2008, nhân dịp bế mạc Năm Thánh, Đức cha cố Giuse Hoàng Văn Tiệm đã long trọng công bố sắc lệnh này. Địa chỉ: xã Xuân Phương – Xuân Trường – Nam Định
4. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH KIÊN LAO
Tước hiện: Đền thánh Thánh Gia
Ngôi thánh đường được xây dựng từ năm 1994, với chiều dài 75m, rộng 26m, cao 28m với 2 tháp cao 48m, được Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất xức dầu thánh hiến nâng lên đền thánh dâng kính Thánh Gia Thất ngày 28/12/1997. Địa chỉ: xã Xuân Tiến – Xuân Trường – Nam Định
5. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH QUẦN PHƯƠNG
Tước hiệu: Đức Mẹ Nữ Vương các thánh tử đạo Việt Nam
Năm 1938, ngôi Thánh đường được khởi công xây dựng theo kiến trúc Tây phương với chiều dài 60m, rộng 21m, cánh 34m, cao 18m, hoàn thành và thánh hiến ngày 31/8/1941 do Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn để dâng kính các thánh tử vì đạo Việt Nam. Thánh đường này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất xức dầu cung hiến ngày 23/11/1989 với tước hiệu Đức Mẹ Nữ Vương các thánh tử đạo Việt Nam. Hai tháp được xây dựng khoảng năm 1996-1997, cao 34m. Địa chỉ: thị trấn Yên Định – Hải Hậu – Nam Định
6. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH HƯNG NGHĨA
Tước hiệu: Đền thánh Thánh Tâm Chúa Giêsu
Ngôi Thánh đường hiện nay được khởi công vào năm 2000 và đã cơ bản hoàn thành vào năm 2007. Chiều Dài - 76m, Chiều Rộng - 33m, Chiều Cao - 24m, Chiều Cao Của Tháp - 60m. Địa chỉ: xã Hải Hưng – Hải Hậu – Nam Định
7. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH PHƯƠNG CHÍNH
Tước hiệu: Đền thánh Phêrô
Năm 1995, nhà thờ hiện nay được xây dựng với kích thước: dài 59m, rộng 18m, cao 18m50, tháp chuông cao 40m và khánh thành năm 1998. Địa chỉ: xã Hải Triều – Hải Hậu – Nam Định
8. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH TRUNG LAO
Tước hiệu: Đền thánh Mẹ Thiên Chúa
Nhà thờ Trung Lao được khởi công xây dựng năm 1888. Sau hơn 10 năm, cùng với sự hỗ trợ của giáo dân, nhà thờ hoàn thành năm 1898. Nhà thờ có chiều dài 50m, rộng 16m, gồm 11 gian, được xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ hình vẩy rồng, còn gọi là ngói Nam.
Biến cố cháy nhà thờ ngày 5/8/2017 đã làm cho ngôi Thánh đường hư hỏng nặng. Hiện nay cộng đoàn Giáo xứ Trung Lao đang tái thiết ngôi Thánh đường mới theo mô mẫu nhà thờ cũ nhưng với kích thước lớn hơn. Địa chỉ: xã Trung Đông – Trực Ninh – Nam Định
9. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH SA CHÂU
Tước hiệu: Đền thánh Thánh Giuse
Ngôi Thánh đường được khởi công năm 1936 và hoàn thành năm 1942 với kích thước: dài 70m, rộng 24m, cao 25m, tháp cao 40m. Địa chỉ: xã Giao Châu – Giao Thủy – Nam Định.
10. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH THỨC HÓA
Tước hiệu: Đền thánh Đức Mẹ Lên Trời Địa chỉ: xã Giao Thịnh – Giao Thủy – Nam Định.
11. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH BÁO ĐÁP
Tước hiệu: Đền thánh Thánh Thể Địa chỉ: xã Hồng Quang – Nam Trực – Nam Định.
12. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH NINH CƯỜNG
Tước hiệu: Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi
Đền thánh Ninh Cường toạ lạc trên mảnh đất mà giáo sĩ Inêxu đã đến rao giảng Tin Mừng vào tháng 3 năm 1533. Nơi đây, người xưa tự hào gọi là “Phúc Âm địa linh nhân kiệt”. Ngay từ khi đón nhận hạt giống Tin Mừng, Ninh Cường đã trở thành cơ sở truyền giáo lớn trong vùng Sơn Nam (tỉnh Nam Định ngày nay).
Đền thánh được xây dựng trong 22 năm (1872-1894) và đã được trùng tu lại năm 1994 với chiều dài 65m, chiều rộng 24m, chiều cao 18m, 4 hàng cột gỗ và kèo vì chạm trổ, tháp chính cao 50m. Đây được coi là ngôi thánh đường gỗ lớn nhất Giáo phận hiện nay. Địa chỉ: xã Trực Phú – Trực Ninh – Nam Định.
13. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH ĐẠI ĐỒNG
Tước hiệu: Đền thánh Chúa Kitô Vua Địa chỉ: xã Giao Lạc – Giao Thủy – Nam Định.
14. NHÀ THỜ GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH LIỄU ĐỀ
Tước hiệu: Đền thánh Lòng Thương Xót Chúa Địa chỉ: Thị trấn Liễu Đề – Nghĩa Hưng – Nam Định.
15. NHÀ THỜ GIÁO XỨ HAI GIÁP
Giáo xứ Hai Giáp thành lập năm 1750 thuộc xứ Phạm Pháo, năm 1917 thăng cấp Giáo xứ, nhà thờ xây dựng năm 1906 dài 44m, rộng 17m, cao 14m, lợp toàn ngói nam. Đây là ngôi Nhà thờ gỗ cổ, có hoa văn được điêu khắc tinh xảo và kiến trúc độc đáo. Địa chỉ: xã Hải Anh – Hải Hậu – Nam Định.
16. NHÀ THỜ GIÁO HỌ ĐÔNG CƯỜNG - GIÁO XỨ QUẦN PHƯƠNG
Nhà thờ gỗ không dùng đinh ở Nam Định
Tọa lạc ở thị trấn Yên Định, Đông Cường là một trong số ít nhà thờ được tạo dựng bằng kết cấu gỗ và xây dựng vào thời Pháp thuộc.
Nhà thờ gỗ được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Nam Định .... Nguyên liệu gỗ sau khi cưa xẻ, đục đẽo đều được gắn kết lại với nhau bằng mộng, không sử dụng đinh hay một thứ kết dính nào khác. Chính sự pha trộn tôn vinh lẫn nhau của hai nét văn hóa kiến trúc Đông - Tây vốn khác biệt đã làm nên một công trình tôn giáo có tính thẩm mỹ rất cao. (Xem thêm tại: https://vnexpress.net/du-lich/nha-tho-go-khong-dung-dinh-o-nam-dinh-3274451.html)
Địa chỉ: Thị trấn Yên Định – Hải Hậu – Nam Định.
17. NHÀ THỜ ĐỔ HẢI LÝ
Nhà thờ đổ Hải Lý – Hải Hậu – Nam Định với nét đẹp hoang sơ, lối kiến trúc độc đáo, mới lạ đã thu hút nhiều du khách ghé thăm…
(Xem thêm tại: https://tintucnamdinh.vn/nha-tho-hai-ly-co-ban-chua-biet/)
Địa chỉ: xã Hải Lý – Hải Hậu – Nam Định.
18. ĐẠI CHỦNG VIỆN ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM BÙI CHU
Khu nhà Triết Học Khu nhà Thần Học Địa chỉ: xã Xuân Ngọc – Xuân Trường – Nam Định
(Nguồn ảnh: Ban Truyền thông Giáo Phận Bùi Chu, Ra Khơi, và một số hình ảnh từ internet)
Tác giả: Ra Khơi Bùi Chu
Nguồn tin: Trích Ra Khơi số 21, tr. 153-167, có bổ sung