Phanxicô, Giáo Hoàng "hot trend"
Chủ nhật - 11/05/2025 06:10
135
“Habemus PaPam, Chúng ta đã có Giáo hoàng” hẳn nhiên là cụm từ đang phủ khắp các mặt báo trên thế giới từ trong cho tới ngoài Giáo hội. Cả giáo hội vui mừng vì cuối cùng đã bầu được Đức Giáo hoàng mới, Đức Lêô XIV, với những hy vọng tươi đẹp cho Giáo hội. Dẫu vậy, trước đó không lâu, cả thế giới nói chung và Giáo hội nói riêng vừa phải từ biệt một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, đó là Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô. Sự ảnh hưởng của ngài không hẳn đến từ quyền lực, cũng chẳng phải bởi tiền bạc, của cải, một khả năng xuất chúng, hoặc một công trình vĩ đại nào. Trái lại, điều mà thế giới nhớ tới cái tên Phan-xi-cô là hình ảnh một người nghèo, một giáo hoàng nghèo và dám sống nghèo giữa một thế giới ưa thích giàu có, tiêu thụ; một cụ già, cao niên, nhưng tinh thần luôn tươi trẻ, yêu đời ngay cả lúc tuổi già, bệnh tật giữa một xã hội già nua và bi quan; một giáo hoàng đơn giản giữa một thế giới phức tạp, lộng lẫy giả tạo và hỗn loạn; hay một giáo hoàng khiêm tốn giữa một thế hệ kiêu ngạo; và nhiều điều khác nữa… Chúng ta, cách riêng những người tín hữu Công giáo có quyền tự hào khi truyền thông cả trong và ngoài Giáo hội không tiếc dành những lời có cánh về những di sản có vẻ đơn sơ, nhưng có sức lan tỏa, truyền cảm hứng và đánh động nhiều tâm hồn của Đức cố Giáo hoàng. Quả vậy, những ngày qua, nhiều người, nhiều tờ báo, nhiều hãng thông tấn đã có những phân tích, đánh giá về những di sản, những công trình, nhất là những đức tính và lối sống mà ngài đã thể hiện suốt cuộc đời, với những danh hiệu như giáo hoàng của lòng thương xót, giáo hoàng của người nghèo, giáo hoàng của hòa bình… Những điều đó thật tuyệt vời làm nên chất “Phan-xi-cô”, đáng để mỗi chúng ta, cách riêng người tín hữu khâm phục, ngưỡng mộ và noi theo. Trong chiều hướng đó, với tư cách của một người trẻ, một người sống trong thời đại của những người trẻ và với tư duy của người trẻ, người viết mạn phép tản mạn và liệt kê đôi nét về Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô như một vị Giáo hoàng của người trẻ hay Giáo hoàng hot trend, với nhiều câu nói, lời phát biểu, lời kêu gọi ngắn nhưng ấn tượng, sâu sắc, có sức truyền cảm hứng cho con người trong thế giới hôm nay.
Quả vậy, nhắc đến người trẻ trong thế giới hôm nay, chúng ta không thể không nói tới những trào lưu, những xu thế lan tỏa trên mạng xã hội. Một trong những cách mà con người, cách riêng người trẻ ngày nay thích sử dụng để truyền tải thông điệp đó là dùng những từ ngắn, ấn tượng, những câu nói mà trẻ quen gọi là “từ lóng” hay “hot trend”. Những cụm từ hay câu nói như thể có tác dụng tạo điểm nhấn và truyền tải một thông điệp, một suy nghĩ, một tư tưởng nào đó một cách ấn tượng và nhanh chóng nhất. Những câu slogan, những câu không chỉ mang tính giải chí, vui đùa, vô bổ, nhưng nhiều câu có ý nghĩa sâu sắc, mang ý lực sống, gây ấn tượng, dễ nhớ và chất chứa nhiều triết lý nhân sinh, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng. Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô là một người như thế, một người của nhiều hot trend. Dù đã cao niên, nhưng khi khỏe mạnh hay trong hình dáng một ông cụ tập tễnh, thậm chí khi phải ngồi xe lăn, ngài vẫn giữ được nơi mình óc hài hước và sự hóm hỉnh tự nhiên, gần gũi và rết nhiều nét đáng yêu. Điều đó được thể hiện cách cụ thể qua nhiều câu nói, cụm từ ấn tượng, dễ hiểu, dễ thương, nhưng không kém phần sâu sắc… Hơn nữa, với Đức Phan-xi-cô, hài hước là nghệ thuật sống đức tin. Ngài viết trong tông huấn Vui mừng và Hân hoan Gaudete et exultate: “Hài hước không đánh mất hiện thực nhưng làm chúng ta nghĩ với một tinh thần tích cực và tràn đầy hy vọng.” Vì thế ngài luôn thừa nhận tác động của nghệ thuật hài trong nền văn hóa đương đại. “Lạy Chúa, xin ban cho con tính hài hước,” ngài lặp lại lời cầu nguyện của Thánh Thomas More. Trong cuộc phỏng vấn ngày 20 tháng 11 năm 2016 với đài truyền hình TV2000, ngài nói: “Đây là ơn tôi xin mỗi ngày.”
Chúng ta có thể điểm qua rất nhiều câu nói hoặc câu viết mang hình thái như thế đã và đang trở thành chủ đề, những slogan truyền cảm hứng được nhiều người trong và ngoài Giáo hội thuộc mọi thành phần, độ tuổi đã và đang sử dụng để truyền tải, hoặc khơi dậy ý thức về một vấn đề nào đó nơi con người trong thế giới hôm nay. Trong các tác phẩn, các thông điệp, các buổi tiếp kiến, bài giảng, nói chuyện hay phỏng vấn, chúng ta có thể không thấy những tư tưởng quá cao siêu, hàn lâm, nhưng nơi tư tưởng của Đức Phan-xi-cô, chúng ta dễ dàng nhận ra một nền thần học mục vụ rất gần gũi, dễ hiểu, một chiều kích mục vụ mang đậm chất thực hành, dễ áp dụng. Điều đó càng trở nên ấn tượng hơn, dễ tiếp cận hơn với nhiều đối tượng khi ngài rất linh hoạt trong cách sử dụng hoặc sáng tạo rất nhiều cụm từ để tạo ấn tượng và tăng sức lan tỏa, thậm chí “tạo trend” trên mạng xã hội.
Chẳng hạn, ngay sau lễ tấn phong Giáo hoàng, trong một cuộc nói chuyện với các nhà báo ngày 16-03-2013, Đức Phan-xi-cô đã thể hiện linh đạo và ước mơ của ngài qua việc chọn tên “Phan-xi-cô” đó là: “Tôi mong có một Giáo hội nghèo và cho người nghèo”. Cũng vậy, trong Thánh lễ Truyền Dầu đầu tiên dưới triều đại của mình, Đức Phan-xi-cô đã nhắn nhủ các linh mục qua một hình ảnh rất ấn tượng: “Linh mục là mục tử thấm ‘mùi chiên’, không phải là mục tử giữa đàn chiên”. Những hình ảnh về một Giáo hội nghèo hay hình ảnh linh mục thấm “mùi chiên” mà Đức Phan-xi-cô muốn xây dựng đã từng bước được chính ngài hiện thực hóa trong lối sống và đường hướng của ngài, đồng thơi cũng đánh động cũng như truyền cảm hứng tới nhiều tâm hồn trong việc canh tân và cải tổ lối sống và ơn gọi của mình.
Cũng trong chiều hướng đó, chúng ta có thể liệt kê rất nhiều câu nói ấn tượng và tạo trend của ngài trong các bài nói chuyện, các bài giảng hay phỏng vấn, ngay từ những ngày đầu đầu triều địa Giáo hoàng của Đức Phan-xi-cô: “Giáo hội không thể là người giữ trẻ để đứa trẻ ngủ quên. Nếu như vậy thì Giáo hội không hoạt động” (Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta ngày 17-4-2013); “Tòa giải tội không phải là tiệm tẩy nhuộm để tẩy sạch vết nhơ tội lỗi, cũng không phải là nơi tra tấn nhưng là nơi gặp Chúa Giêsu, để ở đó chúng ta chạm vào tấm lòng dịu dàng của Ngài” (Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta ngày 19 tháng 3-2013); “Chúng ta không thể là người tín hữu kitô cứng cỏi, uống trà bàn chuyện thần học. Chúng ta phải đi tìm người anh em nghèo của chúng ta, họ là thân xác Chúa Kitô” (Đêm canh thức cầu nguyện với các phong trào trong Giáo hội ngày 18-5-2013); “Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa ‘bình xịt’” (Giờ Kinh Truyền Tin ngày 26-5-2013); “Chúa muốn chúng ta làm mục tử, Chúa không muốn chúng ta là người chải lông cừu! Một cộng đoàn khép kín là cộng đoàn không mang lại sự sống, đó là cộng đoàn vô sinh” (Đại hội Giáo hội Rôma ngày 17-6-2013); “Một văn hóa chủ trương hạnh phúc làm cho chúng ta chỉ nghĩ về mình, sống trong bong bóng xà phòng, tuy đẹp nhưng chẳng ích gì, chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng than khóc của người khác, thờ ơ với tất cả, dửng dưng hóa toàn cầu” (Thánh lễ tại đảo Lampedusa nước Ý ngày 8 tháng 7-2013); “Anh chị em sẽ không gặp Chúa Giêsu ở ‘khoang hạng nhất trên máy bay, trong bình an, cũng không ở trong thư viện. Chúng ta chỉ gặp Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày” (Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta ngày 26 – 9 – 2013); “Tôi thà có một Giáo hội bị lâm nạn hơn là một Giáo hội bệnh hoạn!” (Đại hội Quốc tế các giáo lý viên ngày 27 tháng 9-2013… hay “Nước bị ngưng lại là thứ đầu tiên bị ô uế. Người trẻ mệt mỏi là người đầu tiên bị ô uế,” và còn nhiều câu nói khác nữa với những sự so sánh thông minh, ví von rất nổi bật, ấn tượng có khả năng tác động trực tiếp tới giác quan và làm tỉnh thức nhiều người…
Cũng vậy, trong các tác phẩm của Đức Phan-xi-cô, các Thông điệp, Tông huấn, hay nhiều văn kiện và những cuốn sách của ngài, chúng ta cũng thấy Đức cố Giáo hoàng rất nhạy bén trong việc sử dụng những cụm từ ấn tượng và tạo sóng, tác động trực tiếp tới nhận thức của độc giả. Có lẽ nhều người trong chúng ta đã quen thuộc với những cụm từ đậm chất Phan-xi-cô như chủ nghĩa giáo sĩ trị, Pelagio mới, văn hóa vứt bỏ, tiêu thụ, văn hóa quan tâm, văn hóa vô cảm, văn hóa công chức… Cùng với đó là nhiều cụm từ rất hay và ý nghĩa khác mà ngài thường xuyên sử dụng trong các tác phẩm của mình: Nạn đói của tình yêu; cơn buồn ngủ của sự vô cảm; cơn buồn ngủ của sự tầm thường; “Chúng ta không đến thế gian để có một đời sống thực vật, để vui chơi và hưởng thụ thoải mái, để đi qua cuộc sống này trên chiếc ghế sofa. Có một căn bệnh nguy hiểm và thường khó để nhận ra nó trong cuộc sống ngày nay, và nó khá tốn kém để nhận định đúng, đó là ‘bệnh liệt trên ghế sofa’”; “Hãy tiêm vắc xin và ngừa bênh dịch vô cảm”; “Có một bệnh dịch tồi tệ hơn cả covid đó là nói xấu hay ngồi lê đôi mách”; “Chúa là tấm bánh, không phải là một món ăn phụ”; “Đừng đứng ở ban công. Nếu con tìm kiếm Chúa trên ghế sofa hoặc trong gương, con sẽ không bao giờ tìm thấy Ngài”; “Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé”; “Hãy tin tưởng vào ‘bộ nhớ’ của Thiên Chúa; “Bộ nhớ” của Ngài là một quả tim đầy trắc ẩn, một quả tim tìm thấy niềm vui khi ấn nút xóa khỏi chúng ta mọi dấu vết của sự dữ”. Và còn rất nhiều câu, nhiều cụm từ ý nghĩa khác nữa mà người viết không thể liệt kê hết ra đây…
Trên đây là một vài cụm từ hay những câu nói ấn tượng của Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô mà người viết mạn phép tham khảo, liệt kê, để phần nào phác họa hình ảnh một vị Giáo hoàng đáng yêu, cách riêng với người trẻ, với nhiều hot trend ý nghĩa. Quả vậy, hình bóng người cha luôn hồn nhiên, nét cười đôn hậu, thanh thản, gần gũi của ngài khiến cả thế giới rung động, phản tỉnh. Những cử chỉ, sự tiếp xúc, nhất là lối sống của ngài có sức lan tỏa và làm thay đổi nhiều tâm hồn. Và một điều đặc biệt, chính lối sống giản dị, tinh thần nghèo khó theo tinh thần của thánh Phan-xi-cô Asisi mà ngài chọn đã có tác động rất lớn tới thế giới, trong Giáo hội và con người hôm nay. Đó chính là chứng từ sống động nhất và có lẽ là một điểm nhấn lớn nhất trong triều đại Giáo hoàng của ngài. Dẫu vậy, trong thân phận con người và mang nơi mình kiếp phàm nhân, chắc chắn Đức cố Giáo hoàng của chúng ta không thể tránh khỏi những thiếu xót. Nhiều người, nhiều giới hẳn đã từng khó nuốt trôi những câu nói gây hiểu lầm, những hành động gây xôn xao, những việc làm, những quyết định từng dấy lên làn sóng phẫn nộ hay phản đối của một số thành phần. Chính vì thế, bên cạnh việc chiêm ngưỡng, ca tụng những di sản của ngài, hay tô vẽ nhứng đức tính trong tinh thần hay lối sống của ngài, chúng ta cũng không vội phong thánh cho ngài. Trái lại, mỗi người chúng ta, các tín hữu, trong tâm tình hiệp thông con thảo, tiếp tục cầu nguyện cho ngài, để rồi một ngày không xa, Thiên Chúa sẽ ân thưởng hạnh phúc Nước Trời cho ngài… Đồng thời, cùng với Giáo hội, chúng ta cùng cầu nguyện và hy vọng Đức Tân Giáo hoàng sẽ lèo lái con thuyền Giáo hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần lướt thắng mọi thử thách để cập bến bình an.
Thánh lễ Truyền Dầu 28-3-2013.
Cf. https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-giao-hoang-phanxico-noi-voi-gioi-tre-dung-bao-gio-dung-laihay-tien-buoc-voi-niem-vui-va-long-can-dam-76046
Giáo hoàng Phan-xi-cô, Sống tốt, Nxb Đồng Nai, tr. 157
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 143