Đức Lê-ô XIV, "bất ngờ" nhưng "không bất thường"

Thứ ba - 20/05/2025 09:49  170
unnamed 2Toàn thế giới nói chung và Giáo hội nói riêng, có lẽ đã trải qua những giây phút linh thánh, từ tiếc nuối, cho tới hồi hộp, hy vọng, kể từ khi Đức cố Giáo hoàng Phan-xi-cô qua đời, đặc biệt khi cánh cửa nhà nguyện Sistine đóng lại, khởi đầu Mật viện hồng y bầu Giáo hoàng ngày 07/05 vừa qua. Có thể nói toàn thể Giáo hội đã “nín thở” để cầu nguyện, hy vọng và mong chờ làn khói trắng bay lên từ ống khói Nhà nguyện. Để rồi, sau ba lần xuất hiện làn khói đen, tín hiệu của việc bỏ phiếu chưa thành, thì cuối cùng, ở lần bỏ phiếu thứ tư, vào lúc 23h10’ giờ Việt Nam (tức 18h10’ giờ Rô-ma), một làn khói trắng đầy hy vọng đã từ từ xuất hiện trên nóc Nhà nguyện, trước sự chứng kiến và vui mừng của hàng triệu tín hữu, báo hiệu Giáo hội Công giáo Rô-ma đã chính thức có tân Giáo hoàng. Đó là vị Giáo hoàng thứ 267 – Đức Lê-ô XIV.

Thực tế những ngày trước và trong khi diễn ra Mật nghị Hồng y, cũng như các cuộc bầu cử đình đám trên thế giới, giới chuyên môn, nhiều hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài Giáo hội đã tiến hành những cuộc nghiên cứu, khảo sát, để đánh giá khả thể nơi một số gương mặt sáng giá có tỉ lệ cao nhất có thể được bầu làm Giáo hoàng. Hơn nữa, vì tầm quan trọng đặc biệt của vị trí lãnh đạo Giáo hội toàn cầu, một trong những vị trí có vai trò và tầm ảnh hưởng nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh thế giới phân cực như ngày hiện nay, thì cuộc bầu chọn Giáo hoàng càng được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, câu ngạn ngữ nổi tiếng Vatican: “ai bước vào mật nghị với tư cách là Giáo hoàng, thường bước ra trong tư cách hồng y”[1] một lần nữa lại ứng nghiệm, khi những gương mặt bước vào mật nghị với “tư cách Giáo hoàng” trong kì vọng cũng như trong tim của dư luận đã rời mật nghị với tư cách hồng y (Điều này hoàn toàn do báo chí, dự luận và các cuộc nghiên cứu đẩy sự nổi trội của các ngài lên, chứ không phải là suy nghĩ của các ngài).

Dẫu vậy, đây quả thật là một điều bất ngờ, nhưng không bất thường đối với tất cả các cuộc bầu chọn Giáo hoàng của Giáo hội nói chung, và của lần bầu chọn này nói riêng. Sự bất ngờ nhưng không bất thường này làm nên sự độc đáo và khác biệt hoàn toàn giữa một cuộc bầu Giáo hoàng so với tất cả các cuộc bầu cử trên thế giới, vì đây là Giáo hội của Chúa chứ không phải một tổ chức quốc gia, chính trị hay xã hội thuần túy con người. Đồng thời, sự bất ngờ nhưng không bất thường này nói lên sự hiện diện và tác động đích thực của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện, hoạt động sống động trong và thánh hóa Hội Thánh. Ngài đang tiếp tục dấn bước để hướng dẫn Hội Thánh đi theo con đường của Chúa, mà đôi khi hay nhiều lúc đường lối ấy vượt khỏi mọi suy tính và suy nghĩ thông thường của con người…

Quả vậy, sau khi làn khói trắng bay lên, trong niềm vui của hàng triệu tín hữu, trong khi  mọi con tim hướng về, chờ đợi vị Hồng y niên trưởng công bố “Habemus Papam!”[2], thì trong niềm vui ấy, hẳn nhiên nơi không ít người, cả khối hy vọng một gương mặt quen thuộc và đã được dự đoán, cũng như đặt tỉ lệ cao sẽ xuất hiện trên ban công Quảng trường thánh phê-rô…

Thế nhưng, trái với tất cả mọi dự đoán, thêm một lần nữa, cũng giống như lần bầu chọn Giáo hoàng Phan-xi-cô cách đây 12 năm, Jorge Mario Bergoglio, một người có lẽ thời điểm đó không được đánh giá cao, không quá nổi bật, lại luống tuổi, nhưng đã được chọn làm chủ chăn của Giáo hội toàn cầu suốt hơn 12 năm. Thì lần này, sau lời giới thiệu của vị hồng y niên trưởng, từ từ tiến ra, Robert Francis Prevost, một gương mặt có thể nói hoàn toàn thầm lặng trước truyền thông, một ứng viên chưa từng được nhắc tới dù chỉ một lần trong tất cả mọi cuộc khảo sát, đã xuất hiện trên ban công để chào chúc và ban phép lành đầu tiên cho toàn thể Giáo hội trong tư cách Giáo hoàng – Đức Lê-ô XIV. Cả giáo hội và thế giới hẳn nhiên đã một thoáng ngỡ ngàng, khi Đức Lê-ô XIV xuất hiện, bởi vị tân Giáo hoàng tiếp tục nằm ngoài mọi dự đoán, một vị không phải là bất cứ ứng viên nào từng xuất hiện trong tâm trí nhiều người hay trên báo chí thời gian qua. Đó chính là Franxis Prevos, một tu sĩ dòng Âu Tinh, Tổng trưởng Bộ Giám mục và là một công dân Hoa Kì, chính thức trở thành Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo Rô-ma với tước hiệu Lê-ô XIV. Đó có thể là một bất ngờ trong mắt người đời nhưng không hề bất thường trong kế hoạch của Thiên Chúa và của những người có niềm tin!

Dẫu sao, dù không bất thường, nhưng nơi vị tân Giáo hoàng này cũng có rất nhiều điều bất ngờ thú vị: bất ngờ bởi vì Đức Lê-ô XIV hoàn toàn nằm ngoài mọi dự đoán trước đó của giới truyền thông nơi bất cứ cuộc khảo sát nào, và có lẽ bất ngờ với chính ngài; bất ngờ vì vị tân Giáo hoàng lại tiếp tục là một giáo sĩ tu sĩ, chứ không phải một giáo sĩ triều; bất ngờ vì lần đầu tiên, một người Hoa Kì được bầu; bất ngờ vì tước hiệu ngài chọn không phải Gioan Phao lô III, Gioan XXIV, hay Phan-xi-cô II, nhưng là Lê-ô XIV, một tước hiệu mà vị tiền nhiệm Lê-ô XIII đã chọn cách đây hơn trăm năm. Cùng với đó, bất ngờ vì xét về thâm niên tại Rô-ma, ngài không phải là người có thâm niên và nhiều kinh nghiệm nơi đây, vỏn vẹn hơn 2 năm làm việc tại Rô-ma trong tư cách Tổng trưởng Bộ Giám mục và mới chỉ chưa đầy 2 năm trong tư cách Hồng y; bất ngờ nữa là thay vì một hồng y cao tuổi được bầu, thì Đức Lê-ô XIV lại là một hồng y trẻ so với độ tuổi trung bình của các Hồng y tham gia mật nghị cũng như so với hai vị tiền nhiệm gần nhất của mình; Nói chung, những bất ngờ xoay quanh việc Đức Lê-ô XIV thực sự là một gương mặt khá lạ lẫm với nhiều người, một con người khá âm thầm dù không hề tầm thường… Và một bất ngờ khá thú vị, đó là ngày mà ngài được bầu chọn là ngày cả thế giới chuẩn bị kỉ niệm chiến thắng phát xít (09/05), lập lại hòa bình cho nhân loại và còn nhiều bất ngờ khác nữa mà nhiều người chưa hết ngỡ ngàng về vị tân Giáo hoàng này…

Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu chọn Giáo hoàng vừa qua dù bất ngờ, nhưng không hề bất thường với Giáo hội Công giáo Rô-ma. Thật thế, Giáo hội là của Chúa và việc tuyển chọn một đại diện trên trần gian trong tư cách Giáo hoàng hoàn toàn là việc của Chúa, là kế hoạch của Ngài thông qua con người, mà các vị Hồng y là đại diện. Nhờ đó, đường lối và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần được thể hiện một cách sống động, diệu lạ trong các hoạt động của Giáo hội, mà cách riêng trong các cuộc bầu chọn Giáo hoàng. Bởi lẽ, trong niềm tin, mỗi người tín hữu Công Giáo đều xác tín rằng việc bầu một vị Giáo hoàng không phải thuần túy là dự án, kế hoạch, toan tính riêng tư của con người, nhất là của những kẻ muốn thao túng Giáo hội và định hướng Thiên Chúa. Trái lại, đây hoàn toàn là công việc của Chúa, dù vẫn có yếu tố và sự cộng tác của con người. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (x. Ga 3,8), và đường lối của Thiên Chúa thì khác xa với đường lối của con người (x. Is 55, 9), nên sự lên ngôi của Đức Lê-ô XIV chắc chắn không nằm ngoài đường lối của Thiên Chúa được thể hiện qua các lá phiếu của các vị hồng y thánh thiện, với lương tâm trách nhiệm, trong cầu nguyện đã bầu ra một vị chủ chăn như Chúa muốn, Giáo hội và thế giới mong đợi.

Không những thế, sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Lê-ô XIV không hề bất thường, hay ngẫu nhiên, bởi khi đọc lại lịch sử đời ngài, chúng ta sẽ tiếp tục bất ngờ, nhưng là ngỡ ngàng nhận ra việc ngài được bầu làm Giáo hoàng không hề bất thường mà hoàn toàn xứng đáng. Quả thật, xét về nhiều phương diện, ngài là người chính Chúa chọn để phù hợp với bối cảnh và con người trong thế giới hôm nay. Xuất thân trong một gia đình đa sắc tộc, ngài được hấp thụ một bề dày về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ… của nhiều dân tộc, quốc gia, cũng thấm nhuần như một nền đạo đức Công giáo truyền thống. Cùng với đó, với trình độ học vấn, chuyên môn đáng khâm phục, kết hợp với bề dày kinh nghiệm mục vụ, phục vụ trong nhiều vai trò, vị trí khác nhau, nhiều nơi khác nhau ở tầm quốc gia, quốc tế cho tới toàn cầu trong tư cách thành viên của Hội dòng, cũng như trong Giáo hội. Tất cả cho thấy ngài hoàn toàn xứng đáng, đủ uy tín đảm nhận ngôi Giáo hoàng, một vai trò hứa hẹn đầy trách nhiệm, nhiều gánh năng, thử thách... Cùng với đó, việc chọn tước hiệu Lê-ô XIV cũng không hề bất thường bởi phần lớn sứ vụ và ưu tiên mục vụ của ngài là để phục vụ và bảo vệ người nghèo, giới lao động, những người di dân… Đó là những đối tượng mà vị tiền nhiệm cùng tước hiệu Lê-ô XIII đã ưu tiên trong triều đại của ngài.

Hơn thế nữa, sự không bất thường còn tới từ câu chào đầu tiên của vị tân giáo hoàng. Bởi vì lời đầu tiên của một vị Giáo hoàng thường cách nào đó nói lên đường hướng của ngài. Qua câu chào đầu tiên, ngài  đã nói lên điều mà cả thế giới đang mong đợi đó là hòa bình, bình an Bình an ở cùng tất cả anh chị em!Đó là sứ mạng của Giáo hội, cách riêng qua Đức Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng đúng như cái tên “Giáo hoàng” chính là cây cầu (Pontifex) để kết nối, để lên tiếng cho công lý, bảo vệ môi sinh, phục vụ và bảo vệ người nghèo, người di dân, nhất là để hòa giải, hóa giải các xung đột ngày càng leo thang, đặc biệt tìm cách kêu gọi chấm dứt chiến tranh, xung đột đang lan rộng khắp nơi cũng như đe dọa sự tồn vọng của quả địa cầu… và nhiều sứ mạng quan trọng khác nữa. Đó là những sứ mạng của Giáo hội mà không ai khác, Giáo hoàng là người phải lãnh xướng và lèo lái con thuyền Giáo hội đi đúng thánh ý của Chúa. Chính vì thế, trong đường lối của Thiên Chúa và trong niềm tín thác, chúng ta, những người con của Giáo hội tin tưởng rằng việc Đức Lê-ô XIV lên ngôi không hề bất thường, nhưng hoàn toàn là thánh ý Thiên Chúa và là chương trình của Ngài cho con người trong thế giới hôm nay. Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng Đức Lê-ô XIV sẽ trở thành một làn gió Thần Khí hòa bình mà chính Chúa muốn thổi để làm dịu mát thế giới đầy nhiễu nhương và phưc tạp này.

Như thế, dù có đôi chút bất ngờ theo nhãn quan trần thế, nhưng trong nhãn quan đức tin, việc một vị Giáo hoàng lên ngôi, dù đó là ai không hề là bất thường. Trái lại, đây là một tin vui vĩ đại và đầy hy vọng, bởi Giáo hội đã có Giáo hoàng mới, một vị chủ chăn mới để lãnh đạo và tiếp tục sứ mạng của Giáo hội giữa trần gian. Chúng ta có quyền tin rằng Đức Giáo hoàng, cách riêng Đức Lê-ô là sứ giả được Chúa gửi đến cho con người trong thời đại, trong bối cảnh hôm nay. Thế nhưng, thời gian vẫn còn phía trước, những trọng trách, những gánh nặng và bao thử thách vẫn đang chờ đợi ngài. Vì thế, chúng ta , những người con, tiếp tục cầu nguyện và ước mong Cháu Thánh Thần tiếp tục hoạt động và hướng dẫn Đức tân Giáo hoàng của chúng ta. Để rồi, chỉ nhờ ơn Chúa vờ với ơn Chúa, Đức Lê-ô XIV, với sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, sẽ dẫn đưa Giáo hội trong đường lối và thánh ý của Chúa, để sự hòa bình và bình an đích thực được thiết lập và lan toản khắp nơi, nhất là tại những nơi mà con người và nhân loại đã quá mệt mỏi bởi chiến tranh, đói nghèo và tội lỗi.... Cũng giống như việc Chúa Giê-su tuyển chọn các tông đồ, với những con người và những tiêu chuẩn hoàn toàn khác với lối suy nghĩ của con người, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng Đức Lê-ô trong vai trò đại diện Chúa Ki-tô, kế vị thánh Phê-rô lãnh đạo Hội Thánh chắc chắn sẽ trở nên một dấu chỉ hy vọng của thời đại cho con người trong thế giới hôm nay.

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay41,892
  • Tháng hiện tại1,402,589
  • Tổng lượt truy cập88,511,931
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây