"Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi."
Chủ đề ngày Truyền Thông Thế Giới năm nay cho con chút suy tư, chút hứng khởi, thúc đẩy con viết lên đôi dòng kính xin được chia sẻ với quý Đức Cha, quý cha và độc giả.
Truyền thông, bên cạnh thông điệp mà nó mang đến, còn bao gồm 2 yếu tố then chốt: Khả năng kỹ thuật và tính đại chúng. Mục đích của truyền thông không phải là đạt đến khả năng kỹ thuật cao, nhưng là truyền đạt đúng đắn một thông điệp đến cho rất nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn. Khi thông điệp được truyền đi bởi số đông, trong cùng một lúc, ảnh hưởng đại chúng tự nhiên sẽ có được. Chúng ta thường vin cớ mình không có đủ khả năng kỹ thuật để dễ dàng quên đi và coi truyền thông là công việc dành cho người có đủ khả năng và điều kiện. Nhìn một cách rộng rãi, mỗi người đều có thể làm truyền thông mà không cần hội đủ khả năng kỹ thuật. Giáo dân giáo khóm A quây quần bên nhau cùng cầu nguyện cho một người anh em trong xóm đạo đang trên giường bệnh. Đó là truyền thông! Giáo dân giáo phận B tuôn về nhà thờ lớn cùng với giám mục cầu nguyện cho quốc thái dân an. Đó là truyền thông! Làm truyền thông như vậy, không những không bị lệ thuộc vào phương tiện kỹ thuật mà còn không lo thông điệp sẽ bị bóp méo bởi người kiểm soát truyền thông.
"Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi."
Những năm tháng qua, người dân Việt đang gánh chịu những hậu quả nặng nề khi thiên nhiên bị phá hoại trầm trọng. Biển không còn sạch. Rừng không còn xanh. Sông ngòi khô cạn. Ruộng vườn tan hoang. Dân Việt đang sống trong thảm họa, những thảm họa do chính con người gây ra, những thảm họa do phá hủy thiên nhiên. Phá hủy thiên nhiên là chống lại công trình sáng tạo, chống lại Thiên Chúa. Không thể tin rằng những thảm họa đó là do ý muốn của Thiên Chúa. Nếu những thảm họa đó đến từ Thiên Chúa thì Ngài chẳng phải nhọc công dựng nên địa cầu tươi đẹp này làm gì. Nếu con người muốn tìm Thiên Chúa qua những thảm họa đó thì chính là lúc con người cần nhận ra lời mời gọi của Ngài: Lời mời gọi trải lòng và cảm nghiệm những khổ đau, cùng cực của người anh em. Lời mời gọi chia sẻ để xoa dịu vết thương nơi người anh em. Vết thương đó cũng chính là vết thương của chúng ta, trong thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô.
"Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi."
Trước khổ đau của người anh em, những người tin vào Đức Ki-tô cần làm một cuộc truyền thông. Thông điệp là chính nỗi khổ đau và tiếng khóc uất nghẹn của người anh em (cũng chính là "tiếng khóc" của Thiên Chúa). Thông điệp được truyền đi cho đại chúng bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện được cất lên không chỉ của 1 người ở một nơi vắng vẻ, nhưng của chung một xóm đạo, xứ đạo; của chung một giáo phận; của chung tất cả giáo phận trên đất nước Việt Nam. Triệu người, một thông điệp, một lời cầu, một lối truyền thông.
Truyền thông bằng cách đó, chúng ta chưa cần đến kỹ thuật số.
Truyền thông bằng cách đó chúng ta nhắc nhở chính mình đừng quên đâu đó còn nhiều người anh em đau khổ.
Truyền thông bằng cách đó chúng ta nói với những người anh em chưa nhận biết Thiên Chúa rằng chúng ta là môn đệ Chúa Ki-Tô . Qua đó, chúng ta giới thiệu Đức Ki-Tô đến mọi người.
Truyền thông bằng cách đó chúng ta thực sự chuyển đạt thông điệp "Hy Vọng và Tin Tưởng" đến cho người anh em đang tuyệt vọng trong những bất hạnh họ phải gánh mang.
Tác giả: Mai Dương Hải