Tin Mừng Gioan, Tin Mừng Ngôi Lời Nhập Thể
Thứ hai - 15/01/2018 18:42
3754
Dẫn nhập
Khi chiêm ngưỡng biến cố Ngôi Lời nhập thể, thánh I-rê-nê thốt lên: “Với việc đến trần gian này, Đức Ki-tô mang theo với Ngài tất cả sự mới mẻ[1]”. Cảm nếm của thánh giáo phụ nhắc nhớ rằng: Sự tươi trẻ đích thực, mùa xuân xanh tươi nở chỉ có thể nếu để cho Đức Ki-tô đổi mới. Tiếp nối tư tưởng của thánh I-rê-nê, Đức thánh cha Phan-xi-cô mời gọi: “Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra (...). Mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn luôn là mới[2]”.
Đáp lời mời gọi của vị Cha chung trở về nguồn tươi trẻ của Tin Mừng, ta cùng nhau tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an. Để tiếp cận tin mừng này, thiết tưởng nên “noi gương người môn đệ Chúa yêu, ngả đầu vào lòng Chúa để lắng nghe nhịp đập con tim của Ngài”. Ước mong “tựa đầu vào ngực Chúa” (x. Ga 13,23.25) là khát khao vượt qua những chữ viết bề ngoài, để tới gặp Ngôi Lời Hằng Sống.
Để gặp gỡ Ngôi Lời Hằng Sống, ta xin Thần Khí hướng dẫn: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (x. Ga 6,63). Những dòng sau, ta sẽ lần lượt đề cập:
Phần I: Khái quát tin mừng Gio-an.
Phần II: Tìm hiểu một vài trình thuật tiêu biểu.
Phần III: Hiện tại hóa thần học của tin mừng thứ tư.
PHẦN KHÁI QUÁT TIN MỪNG GIO-AN
Thường thì người ta cho rằng tin mừng Gio-an mang đậm nét thiêng liêng thần bí. Khi nói tới đặc tính “thiêng liêng”, có thể dễ bị hiểu lầm cho rằng: tin mừng thứ tư chỉ đề cập tới những yếu tố thuần túy tinh thần mà chẳng đoái hoài gì tới thực tại cuộc sống. Thực ra, khi nhìn vào chính bản văn tin mừng thứ tư, cùng với xác nhận gần đây của khoa khảo cổ học, người ta thấy rằng: tin mừng Gio-an kể về các nơi chốn địa lý và về các mốc thời gian lịch sử chính xác nhất. Còn về chính nội dung của tin mừng thứ tư, ta thấy tác giả thuật lại rất thiết thực. Còn gì cụ thể cho bằng lời quả quyết: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14)? Xác phàm là tất cả những gì mong manh yếu đuối nhất, vậy mà Ngôi Lời đã đảm nhận vào mình. Rồi nữa, trên thập giá, không tin mừng nào mô tả cách thiết thực hơn: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (x. Ga 19,34). Tin mừng thứ tư đã tả quá thực về Ngôi Lời Nhập Thể, tới độ con tim bị đâm thâu. Và khi sống lại, Đấng Phục Sinh luôn mang nơi mình những vết thương và cạnh sườn mãi còn toang mở (x. Ga 20,27).
Như vậy, ta không thể hiểu đặc tính “thiêng liêng” của tin mừng thứ tư theo nghĩa là không đề cập tới những thực tại thiết thực trong cuộc sống. Trái lại, chiều kích thiêng liêng đúng nghĩa nhất là: tình yêu cháy bỏng của Ngôi Lời vĩnh hằng dấn mình đảm nhận tất cả những thực tại trần trụi mỏng manh yếu đuối nhất. Thế nên, biểu tượng của tác giả tin mừng thứ tư được ví như cánh chim đại bàng lượn bay[3] vút cao trên bầu trời rộng lớn, cùng lúc ánh mắt đại bàng sắc sảo nhìn các thực tại một cách sâu xa chứ không dừng ở bề mặt.
Ở trong phần khái quát này, ta cùng nhau đề cập: Tác giả, độc giả của tác phẩm này là ai? Rồi tin mừng này có cấu trúc ra sao? Đâu là những nét độc đáo của tin mừng này?
I. Tác giả, độc giả và cấu trúc
1. Tác giả
Truyền thống thường gán cho tông đồ Gio-an, con của Giê-bê-đê, là tác giả của tin mừng thứ tư. Còn nhìn vào chính tác phẩm, thì tác giả là “người môn đệ Chúa yêu” (x. 13,23.25; 19,25-27.35; 20,30-31). Câu hỏi đặt ra: Người môn đệ Chúa yêu có phải là Gio-an tông đồ chăng? Dù còn nhiều bút mực tranh luận, nhưng đa số các học giả không đồng hóa “người môn đệ Chúa yêu” với tông đồ Gio-an, con của Giê-bê-đê.
Đâu là ý kiến của ta? Dựa vào chính tin mừng thứ tư, ta thấy rằng chính tác giả không muốn nêu rõ tên mình mà chỉ muốn ẩn dưới tước hiệu “người môn đệ Chúa yêu”. Nếu thế, tại sao ta lại cứ phải loay hoay tìm kiếm một tên cụ thể! Điều quan trọng khi hiểu về “tác giả” của tin mừng thứ tư, đó là “môn đệ này mục kích, chứng kiến tận mắt biến cố Vượt Qua (khổ nạn và phục sinh) của Chúa Giê-su (19,35; 20,8). Nhờ thế giá này của tác giả, tác phẩm tin mừng thứ tư có thẩm quyền rõ ràng. Ngoài ra, khi tác giả muốn ẩn mình dưới biệt hiệu “môn đệ được Chúa yêu”, có lẽ chính ngài muốn xóa mình đi để cho một mình Đức Giê-su Ki-tô mới là tác giả đích thực. Và như vậy, đàng sau mỗi chữ viết, ngôn từ của tin mừng thứ tư, luôn có dòng chảy mãnh liệt của Ngôi Lời háo hức tới gặp gỡ độc giả.
2. Cộng đoàn của Tin mừng Gio-an
Nhờ vào văn bản tin mừng thứ tư, ta có thể thấy độc giả trước hết là cộng đoàn cắm rễ sâu ở Pa-lét-tin. Tin mừng Gio-an biết thật chính xác về địa danh của Pa-lét-tin. Cộng đoàn này gần gũi nhóm Tẩy giả. Những môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su là môn đệ của Gio-an Tẩy giả (x. 1,19-51). Cộng đoàn của tin mừng thứ tư có liên đới thân mật với Do-thái giáo. Cuộc đàm đạo giữa Chúa Giê-su và thầy Ni-cô-đê-mô trong đêm là bằng chứng (x. Ga 3). Cộng đoàn này cũng gần gũi những người Sa-ma-ri (x. Ga 4). Và cộng đoàn này tương đối có cái nhìn thoáng rộng đối với Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Bên cạnh đó, cộng đoàn Gio-an cũng mở rộng với văn hóa Hy-lạp. Chẳng hạn như mở đầu tin mừng dùng ngôn từ Ngôi Lời (lo,goj) (x. Ga 1,1-18).
Tóm lại, cộng đoàn Gio-an vừa cắm rễ sâu trong Do-thái giáo, đồng thời cũng thể hiện rõ một bước đi tách rời khỏi cộng đoàn Do-thái để hình thành một cộng đoàn độc lập.
Còn về thời gian xuất bản tin mừng lần cuối cùng, thì chắc chắn phải sau biến cố Đền thờ bị tàn phá (70 scn). Rất có thể là tin mừng được xuất bản lần cuối cùng vào những năm 85-90.
3. Cấu trúc
Có rất nhiều đề nghị để chia tin mừng, tùy theo các tiêu chuẩn. Nhưng thông thường, người ta chia tin mừng Gio-an theo cấu trúc sau:
Lời tựa: 1,1 - 18.
Sách về Dấu chỉ của Chúa Giê-su: 1,19 - 12,50.
Sách về Giờ của Chúa Giê-su: 13,1 - 20,29.
Kết thúc: 20,30 - 31.
Phần phụ trương: 21,1 - 25.
[1] ST. IRÊNÊ, Adversus Haereses IV, c.34. [2] ĐGH PHANXICÔ, Niềm vui của tin mừng (Evangelii Gaudium), bản dịch của UBLBTM/HĐGMVN, 2013, số 11, tr. 16. [3] Thánh Giê-rô-ni-mô đã dựa vào thị kiến ở Ed 1,10 và Kh 4,7-8 để gán cho tác giả tin mừng thứ tư với biểu tượng là con chim đại bàng; còn Mt tựa hình một con người có cánh; Mc tựa sư tử và Lc tựa con bò.
Tác giả: Lm. Vincent Mai Kim