Nhật ký tuần tĩnh tâm ngày thứ hai
Thứ tư - 09/11/2022 09:10
3041
Chương trình ngày tĩnh tâm thứ hai trong tuần tĩnh tâm năm của các cha cũng như ngày thứ nhất. Tuy nhiên, điểm nhấn của ngày này lại là thánh lễ đầu ngày và hai bài giảng tĩnh tâm của Đức cha Giuse.
Trong bài giảng thánh lễ ban sáng, Đức cha triển khai hai tâm tình: mục tử của Chúa sống sạch một cách đồng bộ: sạch từ thể xác đến tinh thần, sạch từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài; mục tử của Chúa không những sống sạch đồng bộ mà còn phải sống thánh thiện vì lịch mục được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Truyền chức thánh để nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Vì thế, mục tử nghĩ gì, nói gì, làm gì là luôn làm với ước mong nên thánh và giúp cho đoàn chiên Chúa được nên thánh.
Trong bài giảng tĩnh tâm ban sáng, Đức cha Giuse chọn chủ để “Một thuận lý và nghịch lý’ trong tiến trình hiệp hành dựa theo Mt 18,1-4. Các môn đệ hỏi Chúa: “Ai là người lớn nhất trong Nước trời”; Chúa Giêsu lại trả lời cho các ông cách thức để vào Nước trời: “Trở lại và trở nên như trẻ nhỏ”. Thật ra, khi đặt câu hỏi “Ai là người lớn nhất Nước trời”, các ông muốn biết ai là người có quyền, có lực lớn nhất. Từ vấn đề các môn đệ quan tâm “quyền lực = quyền bính” cũng là vấn đề mọi người quan tâm, Đức cha Giuse triển khai hai khía cạnh của hiệp hành: Quyền bính có nguy cơ phá đổ sự hiệp hành nếu quyền bính ấy bị lạm dụng trong giáo hội; Nước trời mới là đích đến của hiệp hành. Muốn tránh được sự phá đổ việc hiệp hành trong giáo hội, người được trao quyền bình trong giáo hội phải thực thi quyền ấy theo ý Chúa là phục vụ trong khiêm tốn, và người được trao quyền bính phải trở lại mà nên giống như em nhỏ để được vào Nước trời vì Nước trời mới là đích điểm của cuộc đời, là mục đích của việc hiệp hành.
Trong bài giảng tĩnh tâm ban chiều, Đức cha Giuse chọn đề tài “Vài nguy cơ phá đổ tiến trình hiệp hành” dựa trên Mt 18,6-9. Đó là gương mù, gương xấu của người lãnh đạo cộng đoàn có thể làm cho người khác sa ngã; dịp tội dẫn tôi đến sự sa ngã. Cả hai đều nguy hiểm và đáng phải dứt khoát đoạn tuyệt. Nếu tôi nên cớ cho người khác sa ngã, tôi thật đáng buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển. Nếu điều nào nên dịp cho tôi phạm tội, tôi phải dứt khoát với nó: chân, tay nên dịp tội, phải chặt bỏ mà ném đi; mắt nên dịp tội, phải móc nó mà ném đi… Thà cụt chân, cụt tay, chột mắt mà được vào nước Thiên Chúa còn hơn là đầy đủ mà phải sa hoả ngục.
Từ những suy tư ấy, Đức cha đưa ra gợi ý giúp các cha xét mình và điều chỉnh: Tôi có làm gì để trở thành gương mù gương xấu cho người khác vấp ngã? Cái gì là cớ cho tôi phạm tội để tôi có thể đánh mất ơn gọi hoặc không thi hành trọn vẹn sứ mạng được trao phó? Tôi có dứt khoát hay còn ở lì trong dịp tội?
Buổi tối, sau bữa cơm, các cha lại quây quần trong nhà nguyện lần hạt chung, chầu Thánh Thể, đọc kinh tối, và sống thinh lặng. Ở lại trong bầu khí cầu nguyện, thờ phượng, ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa, sống thinh lặng luôn tuyệt vời. Nguyện chúc cho các linh mục của Chúa luôn an vui và hạnh phúc với cơ hội này để qua đó các cha được biến đổi nên tông đồ nhiệt thành mở nước Chúa Trời.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh