Pope Francis: General Audience focused on trip to Poland
2016-08-03 Vatican Radio
Thứ Tư (03/08), ĐTC Phanxicô đã chỉ trích bạo lực dai dẳng trên thế giới giống như một cuộc chiến tranh thế giới ‘từng phần’. Cuộc Tiếp kiến chung nối tiếp sau chuyến viếng thăm Ba Lan mới đây, dịp mừng ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới 2016.
Tại Ba Lan, ĐTC đã thăm trại diệt chủng Auschwitz-Birkenau thời Đức Quốc xã, đã sát hại một triệu người Do-thái ở Châu Âu. ĐTC diễn giải, “Chuyến viếng thăm thinh lặng tới Auschwitz-Birkenau còn tuyệt vời hơn bất cứ lời nói nào có thể diễn tả. Trong sự thinh lặng đó, tôi nghe, tôi cảm thấy sự hiện diện của tất cả các linh hồn người quá cố nơi đây; tôi cảm nhận thấy lòng từ bi, lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong thinh lặng, tôi đã cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của bạo lực và chiến tranh: Ở đó, tôi nhận ra những ký ức quý giá hơn bao giờ hết, không chỉ là những ghi nhận trong quá khứ, nhưng còn là lời cảnh báo cho hiện tại và tương lai, đó là hạt giống của hận thù và bạo lực không được bén rễ trong lịch sử”.
ĐTC Phanxicô nhớ lại tất cả những người nam, người nữ, già hay trẻ mà ngày nay đang phải chịu đựng do hậu quả của chiến tranh. ĐTC quảng diễn, “Nhìn vào tính độc ác nơi trại tập trung, tôi nghĩ ngay đến sự tàn ác của xã hội ngày hôm nay, tuy không tập trung ở Auschwitz-Birkenau, nhưng đang xảy ra tương tự ở khắp mọi nơi trên thế giới: Với thứ bệnh tàn ác, đau thương, chiến tranh, hận thù, buồn sầu, và đây là lý do tại sao tôi luôn tha thiết mời gọi anh chị em cầu nguyện để xin Thiên Chúa ban hòa bình cho chúng ta”.
Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Ba Lan trùng hợp với dịp kỷ niệm lần thứ 25 năm chuyến Tông du lịch sử của thánh Giáo hoàng Gio-an Phaolô II sau biến cố sụp đổ Bức Màn Sắt (biên giới quân sự giữa Tây Âu và khối cộng sản Đông Âu trong thời kỳ chiến tranh lạnh).
Miêu tả cảnh hàng trăm ngàn người trẻ từ khắp nơi trên toàn thế giới vẫy cờ của đất nước họ, ĐTC diễn giải rằng, những người trẻ đã tạo thành một bức tranh về tình huynh đệ, và sự đáp lại vui vẻ với thách đố của Tin Mừng, “Ba Lan, Châu Âu và thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ hồi đó, nhưng các bạn trẻ vẫn tiếp tục là dấu hiệu báo trước về niềm hy vọng cho tương lai. Ba Lan với di sản văn hóa và tinh thần phong phú, ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng Châu Âu chỉ có giá trị tương lai nơi Ki-tô giáo, gồm những thông điệp của lòng thương xót được diễn tả trong suốt thế kỷ qua nhờ thánh Giáo hoàng Gio-an Phaolô II và thánh nữ Faustina Kowalska”.