Xung khắc và cách giải mã nó trong cộng đoàn
Thứ sáu - 28/08/2020 21:19
1637
Cuộc sống luôn có sự góp mặt của những xung khắc nhất là trong những tập thể, chẳng hạn như cộng đoàn tu trì. Dù là một cộng đoàn lý tưởng với một đức tin mạnh mẽ thì ít nhiều vẫn có đó những xung khắc bởi “Trăm người trăm tính”. Điều ấy thể hiện đúng bản chất mỏng dòn của con người. Bằng cái nhìn tích cực, xung khắc chưa hẳn là xấu bởi vì nhờ chúng những người khôn ngoan sẽ học được cách biết mình và thể hiện mình sao cho phù hợp. Chúng ta sống vui, sống tốt, sống hết mình, sống yêu thương, nhịn nhục… không phải để tránh xung đột mà để giải quyết những xung đột sao cho thấu tình đạt lý: “Trong lý có tình và trong tình có lý”. Chuyện kể rằng: có hai người đàn ông, một già một trẻ, hai nhà sát vách nhau, chỉ cách hàng râm bụt. Một hôm, ông này đến nhà anh kia. Ông bước đến gần, đưa tay ra. Khi anh thanh niên tiến lại định bắt tay thì ông hàng xóm bất chợt nắm chặt lấy và kè vai quật anh xuống đất, vừa ra đòn vừa nói: “Võ Judo đến từ Nhật Bản đấy”. Anh này đi vào gara, quay trở lại, giáng một cái thật mạnh lên đầu ông hàng xóm và nói: “Còn đây là xà beng hiệu Sears”.
Giải quyết không có ngĩa là dùng đến biện pháp “Xà beng”. Lại cũng có hai người Hồng Kông đang tranh luận to tiếng với nhau trên phố. Một người Mỹ chứng kiến cuộc đấu khẩu nhưng không biết nói tiếng Hoa, nên đành hỏi anh bạn Châu Á đi cùng xem họ đang tranh luận chuyện gì. Người này trả lời: “Họ đang tranh chấp quyền làm chủ chiếc tàu”. Vị du khách Mỹ lại hỏi: “Cãi nhau căng như vậy liệu họ sắp đánh nhau chứ?” Ông bạn đáp: “Không, họ không choảng nhau đâu vì ai cũng biết người nào dùng nắm đấm trước tức là công khai thú nhận trí tuệ mình kém cỏi, đầu mình không còn khả năng nghĩ ra ý tưởng nào khác”. Đúng vậy, dù cá nhân hay cộng đoàn, ai vội vã dung vũ lực trước là thú nhận sự khôn ngoan của mình chỉ đến thế là hết. Trong tình yêu cũng vậy. Nếu tôi “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” trước, xem như tình yêu của tôi đã hết. Nhưng nếu ta tiếp cận xung đột bằng một cái đầu có suy nghĩ, dồi dào ý tưởng và một con tim tràn trề yêu thương thì ai ai cũng phải ngỡ ngàng khi thấy mọi bất đồng sẽ lại được giải quyết ổn thỏa.
Chắc chắn trong cộng đoàn tu trì hiển nhiên sẽ không có những tuyệt chiêu: “Judo Nhật Bản hay Xà beng kiểu Sears”, nhưng không tránh khỏi những lời nói vô ý, thiếu tế nhị, và hơn nữa là một lời nói châm chọc, khích bác cũng đủ làm tê liệt một tâm hồn. Ngạn ngữ có câu: “để làm tổn thương một người thì chỉ cần một lời nói, nhưng để vun trồng một người thì lại cần ngàn ân vạn ngữ”. Vì thế, dù là ai, ở địa vị hay hoàn cảnh nào, người ta chỉ nên nói những lời đầy tình người và tránh những lời nói gây tổn thương cho người xung quanh.
Hy vọng một chút suy tư nho nhỏ về những cảm nhận từ những xung khắc trong cộng đoàn và cách giải mã, mong ước độc giả có được tâm hồn rộng mở, chất chứa yêu thương để xung khắc không còn là “vấn đề” trong cộng đoàn, nhưng là cơ hội để mọi người hiểu nhau, cảm thông và giúp nhau thăng tiến trong lý tưởng cao đẹp là môn đệ thân tín của Chúa Giêsu.