Nét đẹp của ân sủng
Thứ tư - 21/11/2018 20:00
2050
Trong Sắc dụ Inffabili Deus, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã khẳng định: “Thiên Chúa đã lấy từ kho tàng thần linh của mình để đổ xuống trên Người (Đức Trinh Nữ Maria) tràn đầy mọi ân huệ trổi vượt trên mọi thần thánh” (DS 2800).
Vậy ân sủng là gì? Để khám phá ý nghĩa của ân sủng, chúng ta khởi đi từ ngôn ngữ thông thường để hiểu. Nghĩa thông thường nhất của ân sủng (grâce) là vẻ đẹp, vẻ đẹp duyên dáng đáng yêu (từ duyên dáng dễ thương, charme, trong tiếng Pháp phát xuất từ cùng một gốc với chữ charis, ân sủng). Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, người ta thường nhận thấy cùng một ý nghĩa như thế. Thiên Chúa phán: Ta ban ơn cho kẻ Ta ban ơn, Ta thương xót kẻ Ta thương xót”. Ý nghĩa của ân sủng rõ ràng là ân huệ hoàn toàn nhưng không, tự do, không vì lý do gì cả. Thiên Chúa còn được định nghĩa như là Đấng “giàu ân sủng và tín thành, giữ nghĩa cho đến ngàn đời” (x. Xh 34,6). Thiên Chúa nói với Môsê: “Ngươi đã được nghĩa (đặc sủng) với Ta” (x. Xh 33,12) và đó cũng chính là điều mà thiên thần nói với Đức Maria: Người đã đắc sủng với Thiên Chúa. Ở đây, một lần nữa ân sủng có nghĩa là ân huệ, là sự đẹp lòng, vừa ý.
Ân sủng của Đức Trinh Nữ Maria có thể tăng trưởng nhiều cách, như do việc và do nhân vì Mẹ đã thụ thai và cưu mang Con Thiên Chúa, đã làm các nhiệm tích và lập nhiều công phúc. Đạo lý của Giáo hôi: Sách Giáo lý Hôi Thánh Công Giáo dậy: “Đức Trinh Nữ Maria, trọn đời khiết trinh, Thân Mẫu chí Thánh của Thiên Chúa là tuyệt tác của việc đặc cử Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần trong thời sung mãn”.
Theo Thần học: Đức Trinh Nữ Maria cũng có cả ba sự hoàn bị về ân sủng: sự chuẩn bị để xứng đáng làm Mẹ Đức kitô; sự hiện diện của Thiên Chúa nhập trong cung lòng mình; sự hoàn bị trong vinh quang trên trời. Như vậy có mô thể hoàn bị hơn là chuẩn bị để đón nhận mô thể, tức là có Con Thiên Chúa hiện diện cũng hoàn bị hơn là chuẩn bị để làm Mẹ Thiên Chúa: “Nơi người có tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa tính hiện diện cụ thể” (Cl 2,9). Theo Thánh Thomas, khi thụ thai Con Thiên Chúa, ân sủng của Đức Trinh Nữ Maria được hoàn chỉnh, vì củng cố Mẹ trong điều thiện. Còn Thánh Albetrtô thì nói: “Chúng tôi tin rằng, khi thụ thai Con một Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ đã được đức mến lớn lao và nồng nàn đến nỗi không ai có thể ngờ là một thụ tạo thuần túy trên dương thế có thể đạt được”. Thiên Chúa không chỉ đem lòng sủng ái đối với Đức Maria mà đã chọn Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Theotokos. Để điểm trang cho Mẹ xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, chính nhờ sự thánh thiện của Mẹ hàm chứa một nét đặc trưng, khiến Mẹ trổi vượt hơn tất cả ai khác dù trong Cựu Ước hay Tân Ước. Đây là một ân sủng hoàn toàn thuần khiết mà Giáo Hội Latinh diễn tả bằng tước hiệu “Vô Nhiễm” (Immaculée), còn Giáo Hội Chính Thống diễn tả bằng tước hiệu “Toàn Thánh” (Panaghia).
Thiên Chúa không ban tặng cho Mẹ vàng bạc, quyền chức. Người chỉ ban cho Mẹ được đầy ân sủng, nhưng ân sủng thì khó thấy và chúng ta chắc chắn rằng không thể nhìn thấy dưới cái nhìn tự nhiên, xác thịt. Sự xinh đẹp vô song được, nét cao quý tuyệt trần của Mẹ chỉ tỏ hiện dưới con mắt đức tin. Nói đúng hơn, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, một vẻ đẹp thánh khiết và dung nhan kiều diễm của Mẹ Thiên Chúa. Ân sủng là một phẩm tính thiên linh được ban phát cách nhưng không. Vì là phẩm tính thiên linh, nên không thể thấy được, nhưng hậu quả của ân sủng trên thụ tạo hữu hình thì có thể nhận thấy. Công hiệu của ân sủng là thước đo lường cấp bậc của ân sủng. Vậy ân sủng phát sinh nơi Đức Trinh Nữ Maria nhiều công hiệu trác tuyệt hơn nơi chư Thánh, vì chỉ một mình Mẹ được phòng ngừa khỏi tội nguyên tổ, khỏi tội lỗi, và theo thường tình, không thể phạm tội. Do đó, ân sủng sung mãn tương đối nơi Đức Trinh Maria thì đầy dư, trổi vượt hơn ân sủng sung mãn của chư Thánh. Trong kinh cầu Đức Mẹ Giáo hội tán dương: Mẹ là nữ vương các Thiên Thần, Nữ vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ. Qua lời kinh đó ta thấy Giáo hội tuyên xưng Mẹ trổi vượt trên các Thánh trên trời.
Vì ân sủng là công hiệu của tình yêu Thiên Chúa luôn dư tràn chiếu tỏa trên toàn thể con người của Mẹ và tô điểm Mẹ bằng nét Thiên quốc. “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28) vì ân sủng của Mẹ là mầm mống của ơn cứu độ được tăng trưởng ngay từ giây phút đầu tiên cho tới khi Mẹ được tôn vinh. “Từ muôn thuở Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ hơn mọi thụ tạo” ( x.Tông Sắc Ineffabilis).
Thiên Chúa là ánh sáng, ân sủng của Thiên Chúa chiếu dọi như một nguồn sáng. Nét đẹp của ân sủng là tiêu tiếu thức, là lý tưởng của mọi vẻ đẹp, chiếu dọi của một hữu thể sung mãn phát xuất từ một tâm hồn tràn đầy Thiên Chúa. Nét đẹp của Mẹ luôn ở trong ánh sáng của Thiên Chúa, nơi Người không có bóng tối, tội lỗi vì những điều đó sẽ khước từ ánh sáng của Thiên Chúa, vì một lẽ đương nhiên: “Ai làm sự dữ thì ghét sự sáng và không đến với sự sáng” ( Ga 3,20 ). Nét đẹp của Mẹ vì không có vết nhơ hoặc hình bóng của tội nơi Mẹ, tâm hồn Mẹ được ánh sáng Thiên Chúa chiếu dọi chở che. Qua đó gợi lên một hình ảnh chói lọi của Đấng đầy ân sủng của một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai sao sáng (x.Kh 12,1). Vẻ đẹp nơi Mẹ còn được ví von trong bản tình ca của con người: “Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng rực rỡ như mặt trời” (Dc 6,10).
Ân sủng và đức ái là những thứ chuẩn bị giúp ta đạt tới vinh quang, đó là những thực tại vốn có thể tăng thêm đến vô tận, vì thế bao lâu ai có ân sủng và đức ái đồng hành trên trần thế, bấy lâu ân sủng và đức ái của người ấy vẫn có thể tăng thêm. Vậy trước khi kết thúc cuộc đời dương thế của Đức Trinh Nữ Maria vẫn là khách lữ hành trên trần thế. Vì theo Thánh Kinh và Thánh Truyền, Mẹ vẫn có đức tin và đức tin tràn đầy công phúc. Như khi tin lời Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel (Lc 1,45); tin vào lời của Con mình (Lc 2,19) Thánh Irênê (x. Adv. Haere.3,22,4). Thánh Augustinô tán dương đức tin và đức tuân phục của Đức Trinh Nữ Maria như nguyên nhân của ân sủng và công phúc cho mình và cho các tín hữu.
Nét đẹp của ân sủng đã trang điểm cho Mẹ không chỉ nơi tâm hồn, mà nét đẹp của Mẹ là sự phối hợp hài hòa giữa tinh thần và xác thể toàn diện nơi con người của Mẹ, dầu sự thánh thiện của Mẹ bị che dấu trước con mắt người đời, nhưng sự sung mãn của ân sủng nơi Mẹ được biểu lộ trong tác phong, trong cuộc sống thường ngày.
Tác giả: Dom Nguyễn Huyên