Đường đi của nỗi NHỚ
Thứ ba - 06/11/2018 04:00
1273
NHỚ diễn tả tâm trạng khắc khoải của một người nào đó với một đối tượng hay sự vật. Thường thường nỗi nhớ dễ trở thành chất xúc tác đẩy con người đi kiếm kiếm đối tượng mà mình đang khắc khoải để thỏa nỗi nhớ thương. Yêu càng sâu sắc thì khi xa, nỗi nhớ càn se sắt.
Tháng 11, tháng làm cho người còn sống nhớ đến những người thân yêu với một nỗi nhớ đong đầy. Thắp một nén hương cho người đã khuất như gửi vào đó cả khối ân tình bịn rịn, nhất là người ở dưới tấm bia mộ kia là người đã sinh thành dưỡng dục nên ta, hay là người đã cùng ta chia sẻ ngọt bùi của kiếp người thì nỗi nhớ càng làm ta ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì nỗi trống vắng ta cảm nhận trong thời gian xa vắng, ngậm ngùi vì bao kỷ niệm vẫn còn đây mà đối tượng ta nhớ lại đã khuất xa không nhìn thấy.
Bằng đức tin, người Công giáo tin rằng chết không phải là kết thúc nhưng chỉ là chuyển sang một tình trạng khác, nhưng trái tim đôi khi không chịu hiểu cái lí lẽ đó. Nó vẫn để ra một chỗ trống khó lấp đầy và rồi nó tìm một con đường để đi.
Có người biến nỗi nhớ thành lời kinh, thánh lễ để cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất. Có người biến nỗi nhớ thành “quá khứ”: Tức là chẳng dám nghĩ đến người đã khuất, không dám động vào cái miền thương nhớ ấy. Có người đưa nỗi nhớ thành “hiện tại”: nghĩa là người ta ôm kỷ niệm cùng sống mà quên đi những người đang sống xung quanh mình. Lại có những con người đẩy nỗi nhớ thành “tương lai”, lấy ước mơ của người đã khuất để dệt tiếp đời mình…
Trong lần về viếng thánh địa quê hương, tôi đã đọc được dòng chữ ngay ở cổng vào “Xin đừng lãng quên chúng tôi”. Tôi tự hỏi: “Liệu đây có phải là lời của những người đang nằm dười tấm bia mộ kia muốn nói hay đây chính là một lối đi khác của nỗi nhớ?” Đức tin dạy cho tôi biết vẫn có sự hiệp thông giữa các tín hữu còn sống và các tín hữu đã qua đời. Chính vì thế, tôi tin đây là lời người đã khuất muốn nói với người còn sống. Lời ấy như một lời cậy nhờ vì chỉ có người còn sống mới có thể cầu nguyện, hy sinh, dâng thánh lễ cho các linh hồn, để qua lời cầu nguyện ấy, Thiên Chúa nhân từ sẽ đổ tình yêu của Người xuống và nhờ đó, họ được sớm nhập đoàn với giáo hội vinh thắng.
Tôi cũng còn hiểu rằng đấy có thể là một đường đi khác của nỗi nhớ vì khi đọc được dòng chữ ấy, tâm hồn tôi tràn ngập một thứ xúc cảm lạ lùng. Nó gợi cho tôi về cuộc chia ly với người thân yêu là Bố tôi. Nó cho tôi cảm nhận được thế nào là “mất”. Bảy năm, một chặng đường dài tôi bước đi vắng tiếng gọi “Bố ơi,” nhưng nó đâu chỉ dừng lại ở tiếng gọi, đi xa hơn nữa theo đúng nghĩa chặt của từ. Nó là một cảm giác thấm thía sự thiếu vắng một chỗ dựa trong cuộc đời, thiếu vắng lời dạy dỗ bảo ban chăm sóc, thiếu vắng cái ân cần và vững mạnh của một người cha trong cuộc đời.
Đường đi của nỗi nhớ này hình như thiếu vắng một đức tin. Với chính tôi, tôi không thể diễn tả đường đi ấy như thế, vì tôi đang mang trong lòng một Đấng là Cội nguồn niềm tin của tôi, nhưng sự thật những xúc cảm ấy đến trong tôi là thật. Bạn có thể thấy tôi đang trở thành sự mâu thuẫn cho chính mình, nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy không phải như thế. Tôi đâu đòi Chúa trả lại Bố cho tôi, tôi luôn tin rằng Bố đang ở một tình trạng giáo hội khác tôi. Cái tôi đang nói với bạn, ngay từ đầu đó là chuyện của con tim. Con tim của Chúa Giêsu cũng đã có lần khóc thương Lazaro còn gì? Vì thế, cái đường đi ấy là đường đi của nỗi nhớ không được nhìn thấy, của cái thương cho một đời tần tảo vất vả. “Xin đừng lãng quên chúng tôi” cũng là lời của người còn sống viết lên để cho vơi đi nỗi nhớ. Nhớ! Nhớ và nhớ đơn giản chỉ là nhớ vì đối tượng ta nhớ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ta.
Đứng trước nỗi nhớ người đã khuất, bước chân chúng ta giống nhau ở một điểm là cùng bước đi, nhưng lại khác nhau ở đường đi. Thế nào mới là một con đường đúng để dẫn nỗi nhớ đến đích nó cần tìm? Không ai trong chúng ta có một câu trả lời chính xác vì đối với mỗi người cung bậc nhớ thương được thể hiện ở những cấp độ khác nhau. Có những điều là bình minh của người này, nhưng lại là hoàng hôn với người khác. Chính vì thế, trong cái miền thương nhớ ấy không có một bản đồ vẽ chính xác đường đi. Chỉ chung nhất một điều: chúng ta cần dắt nỗi nhớ của mình đi một con đường mà ở đó nó không biến chúng ta thành ích kỷ, thờ ơ với hiện tại, bỏ quên tương lai hay gây bất lợi cho chính mình và tha nhân, nhất là đừng để nỗi nhớ đi trên con đường vắng niềm tin.