Chính nhờ Người
Thứ tư - 26/09/2018 06:01
2183
Là người, ai cũng muốn sống hạnh phúc, nhưng làm thế nào đạt được điều đó? Câu trả lời thật không đơn giản. Trong hành trình theo Đức Giêsu, nếu mỗi người không bám chặt vào ơn Chúa để hoàn thiện bản thân thì chẳng bao giờ điều đó có thể xảy ra. Tại sao vậy? Thưa bởi vì chính nhờ Người, với Người và trong Người, ta mới thấy cuộc đời này có ý nghĩa.
Thật vậy, dân Kitô giáo luôn xác tín rằng nhờ Người là Đức Giêsu mà họ được hiện diện và tồn tại. Do đó, trong đời sống, người Kitô hữu được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. Rm 8,29; Pl 3,10), và phải thực thi tất cả mọi sự trong Người để làm vinh danh Thiên Chúa (x. 1Cr 10,31). Như thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ: Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa (1Cr 10,31), đến độ không gì có thể tách được chúng tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta (Rm 8,39).
Phêrô – một người rất cứng cỏi nhưng thực ra lại quá yếu mềm trước những thử thách dù thử thách rất nhỏ bé. Ông thề sẽ sống chết với Thầy, quyết một lòng một chí theo Thầy. Ông khẳng định chắc như đinh đóng cột: Bỏ Thầy, thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68). Phêrô tự tin bao nhiêu lúc chưa có bất kỳ một biến động nào với Thầy thì khi Thầy gặp nạn ông lại yếu nhược bấy nhiêu. Chính Phêrô đã chối Chúa một cách công khai, phũ phàng, không những một mà đến ba lần. Điều này đúng như thánh Phaolô bảo: Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã (1Cr 10,12).
Tuy nhiên, nhờ ánh mắt đầy tình thương của Chúa mà Phêrô đã thức tỉnh. Ông ăn năn, khóc lóc thảm thiết và quay về với chính lộ là con đường mang tên Giêsu. Con đường này đã mở ra để Tôma đi vào khi ông hỏi Đức Giêsu: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường? Và Đức Giêsu đáp: chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,5-6). Phêrô đã trở lại con đường mà chính ông đã chối bỏ. Sự trở lại của Phêrô là lời đáp trả tình yêu một cách tuyệt vời. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má là động lực và là hành trang giúp Phêrô tiến bước trên con đường hoàn thiện bản thân.
Cũng vậy, nhờ tình yêu của Chúa mà Phaolô được biến đổi. Từ một con người ra sức bắt bớ đạo Kitô, thế mà Phaolô lại trở nên một tông đồ rao giảng Tin mừng của Người nhiệt thành không ngờ, đến nỗi mà thánh nhân đã phải thốt lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”(1Cr 9,16), thậm chí là hy sinh cả mạng sống mình cho tình yêu. Hơn nữa, chính nhờ Người mà Phaolô đã có một sự kết hiệp tuyệt vời với Đức Kitô. Sự kết hiệp ấy sâu thẳm đến mức ngài sống mà như không còn sống nữa nhưng là Đức Kitô sống trong ngài (x. Gl 2,20). Đây phải chăng là một phương thức vô cùng hữu hiệu để cho mỗi kitô hữu hoàn thiện bản thân trong hành trình nên thánh?
Chính nhờ Người, với Người và trong Người, kitô hữu mới trở nên tinh tuyền thánh thiện và là nghĩa tử của Thiên Chúa (x.Ep 1,5). Đức Giêsu là Đấng trung gian hàn gắn tất cả, ôm ấp tất cả. Nói cách khác, Đức Giêsu là sự nối kết giữa đất với trời, giữa con người với Thiên Chúa bằng cái chết trổ sinh ơn cứu độ. Đó là vinh quang của Thiên Chúa và nhờ vinh quang ấy mà con người được sống (thánh Irênê). Thế nên, kitô hữu chỉ đạt được sự sống trong Thiên Chúa bằng việc đáp trả các ơn của Chúa Thánh Thần nhờ vào Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô.
Chắc chắn Thiên Chúa sẽ được tôn vinh và là cùng đích tối hậu, còn con người được nên thánh là mục tiêu trước mắt và nẻo đường duy nhất để đạt được hai mục tiêu đó là việc kết hợp mật thiết với Người. Đây chính là cốt lõi của đời sống kitô hữu, một đời sống luôn được thể hiện cách xác tín mạnh mẽ qua lời tuyên tín: Tôi biết tôi tin vào ai (2Tm 1,12).