Sứ điệp của 5 ngón tay với 5 Sự Sáng
Thứ bảy - 20/10/2018 10:27
2455
Năm Sự Sáng là những mầu nhiệm giúp chúng ta chiêm ngắm sứ vụ của Đức Giêsu trong quãng đời công khai của Người. Năm Sự Sáng gồm những lời rao giảng và các việc làm của Chúa Giêsu trong ba năm công khai thi hành sứ mạng. Đó là những hành động tỏ cho con người biết về Thiên Chúa, có thể nói mầu nhiệm năm Sự Sáng là những hành động truyền giáo công khai của Chúa Giêsu.
Trên cơ thể con người, bàn tay biểu tượng cho hành động, cho công việc. Vì thế, ta có thể dùng ý tưởng về năm ngón tay để diễn tả đôi chút thông điệp về truyền giáo, qua mầu nhiệm kinh Mân Côi năm Sự Sáng.
Ngón tay cái là ngón tay lớn nhất và ở một vị trí đặc biệt cũng như khác biệt nhất trên bàn tay. Vì thế, nó giữ một vài trò đặc biệt quan trọng. Chúng ta không thể cầm hay nắm chắc được một vật gì nếu không có ngón tay cái. Nếu không tin bạn có thể thử cầm bút hay cầm đũa mà không có ngón tay cái.
Trong ngắm thứ nhất của năm Sự Sáng, chúng ta xin cho được “sống xứng đáng làm con Thiên Chúa”. Đây là thông điệp, là hồng ân cao cả nhất Thiên Chúa ban cho con người. Nhờ Đức Giêsu Kitô, mỗi phàm nhân được “ơn làm nghĩa tử” – Đây cũng là mục đích của sứ vụ truyền giáo. Mỗi người phải nói cho muôn dân biết về hồng ân này và phải sống đúng vị trí đặc biệt này thì giá trị con người mới được nâng cao.
Ngón tay trỏ là ngón tay mà mỗi người thường dùng để muốn chỉ cho ai thấy thứ mà mình cần nói đến, biết đến. Ngắm thứ hai của mầu nhiệm năm Sự Sáng giúp chúng ta suy gẫm dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu thực hiện tại Cana.
Qua dấu lạ Cana, Thánh Gioan tông đồ không chỉ nói đến quyền năng của Thiên mà còn chỉ cho ta biết Đức Giêsu là Đấng mang tinh thần mới, niềm vui mới và là Đấng chúc phúc cũng như làm cho niềm vui của con người nên hoàn hảo.
Ngón tay giữa thường là ngón dài nhất, cao nhất của một bàn tay. Trong bí ẩn bàn tay của người Trung Hoa, ngón tay giữa có ý nghĩa tượng trưng cho bản thân người đó, diễn tả sự vươn lên hoàn thiện chính mình.
Qua ngắm thứ ba, mỗi người được mời gọi lắng nghe Lời Chúa, nhìn nhận bản thân để sám hối. Tuy nhiên, để sám hối thực sự thì mỗi người cần phải đặt mình vào trong lòng thương xót của Thiên Chúa, chỉ như thế con người mới được thanh tẩy hoàn toàn, và lớn mạnh trong tình yêu Chúa. Khi đã cảm biết ân sủng của Lòng thương xót Thiên Chúa, con người trở nên tông đồ nhiệt thành trong sứ vụ loan báo Tin mừng.
Ngón đeo nhẫn chưa ai xác định được chính xác nguồn gốc tại sao ngón áp út lại là ngón đeo nhẫn. Tuy nhiên, có những câu chuyện về y học cũng như câu chuyện tình cảm nói về ý nghĩa của việc đeo nhẫn vào ngón tay áp út. Đây cũng là ngón tay tượng trưng cho việc cất giữ chiếc nhẫn tình yêu. Trong hôn nhân, nếu tháo chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay này thì sẽ khiến người khác có thể hiểu lầm về tình cảm của người ấy.
Trong ngắm thứ tư của mầu nhiệm năm Sự Sáng, chúng ta “xin được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần”. Thánh Thần là Đấng chúng ta vẫn ca ngợi là Thiên Chúa Tình Yêu (1Ga 4,16) hay sao? Người cũng là Đấng thánh hóa, chỉ trong tình yêu của Người, trong mối dây ràng buộc yêu thương của Người, con người mới được biến đổi nên thụ tạo mới.
Ngón tay út là ngón tay cuối cùng trong bàn tay. DầulLà ngón nhỏ nhất và yếu nhất, nhưng nó nhắc nhở chúng ta biết rằng bàn tay có ngón dài ngón ngắn, ngón khỏe ngón yếu. Cũng như con người chúng ta có lúc này lúc khác đồng thời nhắc nhở chúng ta phải cố gắng không ngừng và phải luôn nương tựa vào các ngón tay khác để cùng làm việc.
Ngắm thứ 5 mời gọi ta đến tiệc Thánh Thể. Đây là mầu nhiệm cao trọng nhất thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người để nuôi dưỡng con người khi họ mệt mỏi, yếu đuối, kiệt sức. Việc rước Thánh Thể hàng ngày vừa có thể coi là một việc rất nhỏ nhưng cũng là việc rất lớn không thể thiếu của người tông đồ trong sứ vụ truyền giáo.
Chút suy tư nhỏ bé muốn gửi đến những ai đang hàng ngày dùng chính đôi tay của mình làm việc thì khi nhìn đến những ngón tay của chính mình hay của người khác có thể nhớ đến và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo đồng thời kết hợp với Mẹ Maria trong ba năm sứ vụ tại trần gian của Con Mẹ.
Tác giả: M. Thiên Ân, Dòng Đaminh