“ Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Chỉ vài câu thơ trên cũng đủ cho chúng ta thấy được rằng người Việt Nam coi trọng chữ hiếu như thế nào. Vậy “hiếu” nghĩa là gì? và “cho trọn chữ hiếu” nghĩa là làm sao?
Ngay từ thuở ấu thơ, tôi đã được dạy phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình. Hiếu ở đây được hiểu là thái độ vâng lời, chăm chỉ học tập và rèn luyện đạo đức để không phụ công ơn dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô. Đó là một lối giải thích đơn giản nhất mà một đứa trẻ có thể hiểu và thực hành. Tuy nhiên, chúng ta không phải cứ làm trẻ con mãi và chữ hiếu cũng không chỉ dừng lại ở cái nghĩa đen ấy mà nó cần được chứng minh bằng cả cuộc sống của một người con đối với cha mẹ, ngay cả khi họ không còn hiện diện trên trần gian nữa.
Thực tế khi đến tuổi trưởng thành, con người sẽ phải tiếp xúc với môi trường xã hội nhiều hơn. Những mối bận tâm về cuộc sống (chuyện học hành, công danh, sự nghiệp...) chi phối và làm cho chúng ta ít có thời gian quan tâm đến bố mẹ. Thậm chí có nhiều người quan niệm: Mỗi tháng tài trợ cho bố mẹ một khoản tiền nào đó, xây cho bố mẹ một căn nhà với tiện nghi đầy đủ... như thế là đã báo hiếu rồi, nhưng sự thật chữ hiếu có phải chỉ thuần túy là cung cấp những nhu cầu vật chất không?
Đối với tôi, mỗi lần nhắc tới chữ hiếu là mỗi lần tôi cảm thấy nghẹn lòng. Tôi sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, bố mất sớm nên mẹ phải vất vả tần tảo nuôi chúng tôi ăn học. Lớn lên chẳng biết sao mà cả 3 anh em chúng tôi lại có chung một sự lựa chọn là sống đời tu trì. Tôi cũng không biết đó có phải là sự an bài của Thiên Chúa hay không, nhưng thực lòng cứ mỗi lần nghĩ về mẹ, tôi lại thấy có gì đó cay cay nơi khóe mắt. Có một lần nọ, thấy tôi được về quê thăm mẹ nên bác hàng xóm sang chơi. Hai bác cháu trò chuyện rất vui vẻ. Trước khi ra về, bác trêu tôi: “Mấy anh em cháu đi tu hết thì lấy ai mà báo hiếu cho mẹ?” Câu nói nửa đùa nửa thật ấy chợt làm tôi có cảm giác đắng lòng, xót xa và lúc này tôi chỉ biết trả lời bằng một tiếng cười gượng.
Thật vậy suốt bao nhiêu năm được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, làm sao tôi có thể quên những hy sinh, khó nhọc, những giọt mồ hôi và cả nước mắt của mẹ để đổi lấy niềm vui, niềm hạnh phúc cho 3 anh em chúng tôi. Trước tình mẫu tử cao quý ấy, tôi sẽ báo hiếu mẹ thế nào đây? Tôi chỉ biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi một người mẹ quá tuyệt vời. Tạ ơn chúa đã cho tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có niềm tin kitô giáo. Nhờ đó mà tôi có cơ hội được bước theo thầy Giêsu trong ơn gọi thánh hiến. Mẹ tôi là một người mẹ rất nặng về tình cảm, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ sự lựa chọn của tôi, đàng khác mẹ còn động viên tôi sống trung thành với ơn gọi mà tôi đã chọn.
Mặc dù tôi đi tu không có thời gian ở nhà với mẹ nhiều, cũng không có tiền bạc hay của cải vật chất dành cho mẹ, nhưng tôi đọc được niềm hạnh phúc trong ánh mắt của mẹ mỗi khi tôi mặc tu phục của người nữ tu.
Tôi cảm ơn mẹ rất nhiều vì mẹ đã không coi việc đi tu của tôi là bất hiếu, hơn thế nữa mẹ chính là nguồn động lực để tôi tiếp tục tiến bước trong đời tu. Một tương quan hai chiều đã khiến tôi an lòng và hạnh phúc vì biết con đường mình chọn có thể làm mẹ vui, bình an và hạnh phúc hơn. Bởi vậy, việc báo hiếu của tôi chỉ là những giá trị thiêng liêng và tinh thần. Điều mà tôi đang sống mỗi ngày và hướng lòng cùng với những giá trị đó cho mẹ của mình.
Và trong niềm tin Kitô giáo, tôi xác tin rằng: trung thành phụng sự Chúa và sống theo gương Chúa là phương thế tuyệt vời nhất để báo hiếu cha mẹ.
Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ nhiều!