Tiết trời xoay vần trong một năm là hiện tượng tự nhiên: mùa xuân thích hợp cho sự phát triển của cây cối với nét đặc thù là đâm chồi nảy lộc ; mùa hè với cái nóng oi ả và ngột ngạt ; và mùa đông hoàn toàn ngược lại với cái rét thấu tận xương tủy. Mỗi mùa có những nét riêng của mùa ấy. Âu cũng là quy luật của tự nhiên.
Những ai sống ở thôn quê và làm nghề canh tác thì rất để ý đến tiết trời để gieo giống, chăm sóc và thu hoạch cho đúng với mùa nào thức ấy. Các ngư dân cũng theo dõi thời tiết sát sao để đi biển nhằm tránh gặp phải những trận cuồng phong nguy hiểm…Xét cho cùng, con người phụ thuộc sâu sắc vào hiện tượng thiên nhiên. Chúng ta thử tưởng tượng quang cảnh vùng đồng quê, miền biển hay miền núi sẽ tàn tạ như thế nào sau một trận bão lụt, sóng thần hay lũ quét ?
Cũng chính việc quan sát các hiện tượng đổi thay theo mùa trong thiên nhiên mà cha ông chúng ta từ bao đời nay để lại cho những kinh nghiệm quý báu trong hết khía cạnh của đời sống như lao động sản xuất, xây dựng nhà cửa, đi lại hay nghỉ ngơi… nhằm thích ứng được với những biến chuyển của trời đất và hạn chế các rủi ro nảy sinh từ những thiên tai. Chẳng thế mà các thôn quê từ xa xưa vẫn làm nhà quay về hướng nam để mát về mùa hè và ấm về mùa đông, hoặc là cách chống rét một cách giản đơn nhưng lại hiệu quả đối với những người đi cày bừa thường mặc thêm áo chiếu, và đối với các thanh thiếu niên thương mang theo bùi nhùi rơm khi đi đường để sưởi ấm.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn này chỉ cho chúng ta thấy rằng cuộc sống con người phụ thuộc sâu xa vào Đấng đã dựng nên vạn vật cũng như ấn định các quy luật của tự nhiên. Một khi các hiện tượng thiên tai xảy ra, con người chỉ biết khắc phục hậu quả mà thôi, chứ không thể khống chế được chúng. Không ai có thể « thay trời làm mưa » khi phải đối diện với hạn hán. Nhân loại cũng không thể chặn đứng sóng thần hay động đất hoặc núi lửa phun trào. Ý thức được sự hạn chế và mong manh của mình, loài thụ tạo chúng ta nhìn nhận rằng « mình tính không bằng Trời tính ».
Trong sự vần xoay của tiết trời, miền Bắc đang ở giai đoạn tiểu hàn, được bắt đầu từ ngày 05/01 vừa qua, chuyển dần sang tiết đại hàn (rét đậm) sẽ rơi vào ngày 20/01 tới đây, tức ngày 15 tháng Chạp. Sức chịu đựng của con người có hạn, đặc biệt là với trẻ em và các bậc cao niên trước trời đông lạnh giá. Vì vậy, việc phòng tránh cảm cúm thường và đau bệnh vào mùa này cũng không được coi nhẹ. Trước hết, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết để biết những khi đợt rét đậm đến thì cần ăn mặc cẩn thận giúp cho thân nhiệt luôn được ấm áp, đặc biệt là cần che chắn cho cổ không bị lạnh. Nên theo dõi nhiệt độ mỗi ngày trong mùa đông để có cách ứng phó cho phù hợp. Cách tốt nhất là đặt nhiệt kế cả ngoài trời lẫn trong nhà để theo dõi nhiệt độ được dễ dàng. Ngoài ra, việc ăn uống đầy đủ cũng là điều không thể thiếu, vì cái đói và rét luôn là đôi bạn tri kỷ. Khi cơ thể có lượng calo cần thiết sẽ tăng thêm sức đề kháng hơn trước giá lạnh của mùa đông.
Đặc biệt, thời gian gần đây hiện tượng biến đổi khí hậu đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới như : mùa đông năm ngoái tại Canada nhiệt độ xuống tới mức -40°C ; hay là tại các nước Bắc Âu nhiệt độ lên đến trên 34°C…Sở dĩ có sự diễn biến phức tạp này là do tác động của con người trong việc khí thải quá nhiều. Điều này làm cho trái đất bị nóng dần lên, và các tảng băng tại Bắc Cực tan ra khiến một số các hòn đảo bị nhấn chìm và bị xóa sổ vĩnh viễn trong thời gian gần đây.
Như vậy, việc bảo vệ ngôi nhà chung cách cụ thể là gìn giữ môi trường sinh thái là trách nhiệm của toàn thể nhân loại. Khi thiên nhiên bị con người khai thác cách quá mức sẽ dẫn đến bị hủy hoại khiến cho chất lượng sống của chúng ta bị đe dọa. Dĩ nhiên, các tiết trời của bốn mùa trong năm cũng sẽ trở nên thất thường. Hơn nữa, việc bảo vệ và cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa đối với mỗi kitô hữu chúng ta lại còn là một ràng buộc cao, vì chúng ta có mối tương quan chặt chẽ với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, cũng như với các thụ tạo do Ngài dựng nên.
Phó Mộc