11/06 Barnaba, vị Tông đồ có tài an ủi và lòng quảng đại

Thứ hai - 10/06/2019 11:14  1649

THÁNH BANABA TÔNG ĐỒ 
Cv 11,21b-26. 13,1-3; Mt 10,7-15

t3t10tnThánh Banaba là người gốc Do thái giáo. Từ thời niên thiếu đã được hưởng thụ nền giáo dục Do thái cổ truyền nên suốt đời ngài hằng tỏ ra là người trung thành giữ luật Môsê cách nghiêm nhặt. Năm 20 tuổi, ngài được cha mẹ gửi về thành Giêrusalem theo học Thánh kinh với các bậc danh sư. Tại đây, ngài gặp biết Stêphanô và Phaolô cũng đang theo học thầy Gamalien, một kinh sư nổi tiếng. Trong thời gian này, ngài được xem thấy Chúa Giêsu và hâm mộ nghe lời Người giảng dạy. Vì thế, ngài đã được diễm phúc lãnh nhận đức tin và trở nên một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu.

Sau khi Chúa sống lại và lên trời, thánh Banaba vẫn trung thành sống bên cạnh các Tông đồ và phụ giúp các ngài trong việc rao giảng Tin mừng. Sách Công vụ Tông đồ ghi nhận ngài có tài an ủi và lòng quảng đại: “Ông Giuse, người đã được các Tông đồ đặt tên là Banaba, nghĩa là người có tài an ủi. Ông là một thầy Lêvi, quê quán ở đảo Chyprô. Có một thửa đất, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông đồ” (Cv 4,36-37).

Khoảng năm 42, thánh Banaba đã vâng lệnh các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng tại thành Antiôkia, một địa điểm truyền giáo thịnh vượng nhất thời bấy giờ. Với dáng người hào nhã, nét mặt thanh tao và tiếng nói dịu dàng, thánh nhân đã thu hút nhiều người tin vào Chúa (Cv 11,23). Thánh nhân còn “là một người tốt, đầy Thánh Thần và giầu đức tin” (Cv 11,24). Vì đã được Chúa Thánh Thần kêu gọi một cách đặc biệt (Cv 13,1-3), và vì đã góp phần quan trọng vào công cuộc loan báo Tin mừng của các Tông Đồ, nên thánh Banaba được gọi là Tông Đồ cùng với thánh Phaolô (Cv 14,4), mặc dù ngài không có tên trong nhóm Mười Hai do Chúa Giêsu đã chọn.

Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các Tông đồ trước khi sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng. Trong đó lời dặn đầu tiên là “Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân…” (Mt 10,8), và lời dặn cuối cùng là “Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: 'Bình an cho nhà này'” (Mt 10,12). Với đức tính tự nhiên thích hợp, đúng như tên gọi của ngài, thánh Banaba đã thực hiện rõ nét hai lời căn dặn này của Chúa: Ngài đã chữa lành Phaolô khi đứng ra bảo lãnh Phaolô trước mặt các tông đồ; ngài cũng rất nhẫn nhịn để mang đến sự bình an cho mọi người, giúp họ sống hoà thuận, vui vẻ cộng tác với nhau trong sứ mạng loan báo Tin mừng.

Với kinh nghiệm của chính ngài tin theo Chúa Giêsu, thánh Banaba đã nhiều lần khuyên Phaolô trở lại đạo mới. Và khi Phaolô đã trở lại, cũng chính thánh nhân dẫn thánh Phaolô đến trình diện với các Tông đồ (Cv 9,26-27). Sau đó, cũng chính thánh Banaba đã mời thánh Phaolô từ Tarsô đến Antiôkia để cộng tác truyền giáo. Nhờ nhiệt tâm của các ngài mà giáo đoàn Antiôkia phát triển mạnh mẽ, trở nên trung tâm Kitô giáo giữa lương dân (Cv 11,25-26).

Thánh Banaba và thánh Phaolô đều là những Tông đồ, nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Thánh Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn thánh Banaba thì tình cảm và mềm dẻo. Vì thế, đôi khi hai ngài đụng độ với nhau, nhưng thánh Banaba luôn nhẫn nhịn vì lợi ích chung. Thật là một tấm gương về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí. Trong thánh ý nhiệm màu của Thiên Chúa, chuyện bất đồng này đã mạng lại kết quả tốt đẹp là việc truyền giáo càng được đẩy mạnh hơn (Cv 15,37-40). Còn thêm một kết quả nữa chứng minh quan điểm của thánh Banaba là hợp lý, đó là ngài đã thực sự cứu chữa được Máccô trở thành một tông đồ nhiệt thành và là tác giả sách Tin Mừng thứ hai.

Thánh Banaba còn chữa lành cho giáo đoàn Antiôkhia, chẳng những hóa giải được mối e ngại của giáo đoàn mẹ Giêrusalem đối với những hoạt động truyền giáo của giáo đoàn non trẻ này, mà còn khuyến khích, bồi dưỡng giáo lý để nâng uy tín của họ đối với giáo đoàn tại Giêrusalem, và làm cho hai giáo đoàn sống hiệp nhất yêu thương nhau. Ngài cũng cứu chữa chính giáo đoàn mẹ Giêrusalem, khi quyên góp đồ cứu trợ từ Antiôkhia đưa về giúp cho Giêrusalem. Cùng với Phaolô, ngài cứu chữa các tín hữu gốc lương dân. Bênh vực họ trong hội nghị Giêrusalem. Góp phần làm cho kitô hữu gốc Do thái và kitô hữu gốc dân ngoại sống hòa thuận yêu thương nhau trong cùng một đức tin.

Chúng ta không biết rõ về những năm cuối đời của thánh Banaba, vì sách Công vụ Tông đồ không nói đến nữa. Tuy nhiên, theo một tài liệu viết vào thế kỷ thứ V nhan đề là: “Những hoạt động và cuộc tử đạo của thánh Banaba tại Chyprô”. Năm 488, đời Hoàng đế Zênon, người ta đã tìm được hài cốt thánh nhân tại Salamina thuộc đảo Chyprô.

Thánh Banaba đã sống quảng đại quên mình để chữa lành và mang ơn bình an của Chúa đến cho mọi người.  Với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, thánh Banaba đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh thời sơ khai. Chính Ngài đã dẫn dắt thánh Phaolô đến với các Tông đồ và đồng hành với thánh Phaolô trong giai đoạn đầu rao giảng Tin mừng. Thế nhưng, ngài vẫn khiêm tốn ẩn mình. Cuộc đời ngài luôn quên cái tôi để Chúa được lớn lên và Tin mừng được loan báo. Khi có xảy ra bất đồng, ngài không đòi người khác theo ý mình, nhưng dường như ngài luôn nhẫn nhịn để ý Chúa được thể hiện.

Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã mang sẵn một loại tính tình. Khi những con người với những cá tính khác nhau, mà biết cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa, sẽ trở nên như những bông hoa điểm tô cho Giáo hội thêm rạng rỡ hơn. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ để cho cá tính của mình trở thành sự cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, nhưng hãy sống và loan báo Tin Mừng theo cá tính riêng của mình, như là những đặc sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.  

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tấm lòng dịu dàng và khiêm nhường như Chúa, để chúng con biết lắng nghe tiếng nói chung, biết quên đi cái tôi của mình để sống phục vụ lợi ích chung. Amen.

Tác giả: GaB. Vũ Quốc Đạt, Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập443
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm395
  • Hôm nay50,430
  • Tháng hiện tại910,791
  • Tổng lượt truy cập78,914,242
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây