CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN C
St 18,1-10; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42
Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta đón tiếp và gắn bó mật thiết với Chúa qua việc lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa.
Bài Đoc I trong sách Sáng Thế mô tả việc Thiên Chúa hiện ra với ông Apraham qua hình ảnh “Ba Người” khách, và ông đã có thái độ, cung cách tiếp đón hết sức rộng rãi, nồng hậu dành cho các Ngài. Khi ông nhìn thấy ba vị khách dừng lại gần lều của mình, thì vội vã chạy đến chào hỏi và mời các Ngài nghỉ chân ở đó. Rồi ông mang nước cho các Ngài rửa chân, dọn bánh, giết bê, mang sữa tiếp đãi và hầu bàn trong lúc các Ngài dùng bữa. Nhờ sự đón tiếp nồng hậu đó, ông Abraham đã nhận được lời hứa của Thiên Chúa: “Sara bạn ông sẽ được một con trai”, để từ người con này ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân tộc. Nhưng để được như thế, ông Apraham cần có niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự và lời Ngài hứa với ông sẽ được thực hiện.
Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay kể lại cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu ở nhà của chị em Mátta và Maria. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy cách đón tiếp mà hai chị em đã dành cho Chúa Giêsu xem ra quá trái ngược nhau: Mátta bận rộn chuẩn bị nhiều thứ, còn Maria chỉ “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại đề cao cách đón tiếp của Maria hơn. Vì sao lại có chuyện như vậy?
Nếu đọc đoạn Tin Mừng hôm nay trong toàn cảnh của Tin Mừng Luca, chúng ta sẽ hiểu là Chúa Giêsu không hề xem nhẹ việc phục vụ, vì chính Người đã dạy các môn đệ: Người lãnh đạo là người phục vụ anh em, và chính Người đã ở giữa các môn đệ như một tôi tới phục vụ (Lc 22,24-27). Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa nhằm nhắc nhở chị Mátta rằng việc lắng nghe Lời Chúa là quan trọng nhất. Lòng yêu mến của hai chị em đối với Thầy Giêsu có thể như nhau, nhưng cách quan tâm đến lời dạy của Chúa thì có khác nhau. Maria ngồi bên chân Chúa diễn tả lòng khao khát và sẵn sàng vâng theo lời Người dạy. Đây là thái độ đúng đắn cần phải có của một người môn đệ đối với Thầy mình là Chúa Giêsu. Nhất là theo Tin Mừng Luca, thì Chúa Giêsu hiện diện ở đây với tư cách là Thiên Chúa, lời Ngài là lời Thiên Chúa, thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, nên cần phải được lắng nghe và đón nhận với thái độ cung kính mến yêu.
Còn Mátta thì quá bận rộn, bị chi phối bởi những công việc mà chị nghĩ là cách tiếp đón Chúa tốt nhất của một người chủ nhà, chứ không phải của người môn đệ lắng nghe, dù chị đang gọi Chúa Giêsu là Thầy. Mátta trong khung cảnh này đã xác định sai giữa điều Chúa muốn với điều chị muốn. Chị muốn đón tiếp và phục vụ Chúa theo ý riêng mình mà không muốn làm theo ý Chúa. Thậm chí, chị còn muốn Chúa và Maria cũng phải làm theo ý mình: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.
Thực ra, cô Maria không phải là người trốn việc, để được nhàn nhã tấm thân như chị Mácta nghĩ, nhưng cô đã sẵn sàng bỏ tất cả công việc lại để “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”. Cũng không phải Maria ngồi nghe Chúa kể những chuyện tầm phào, vô ích… nhưng là một chuyện rất nghiêm túc và quan trọng, liên quan đến chính vận mạng của Ngài. Trong bối cảnh của Tin Mừng thánh Luca, Chúa Giêsu đang trên đường đi lên Giêrusalem để hoàn thành sứ mạng cứu độ nhân loại theo thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Chúa Giêsu có nhiều nỗi niềm lo lắng, buồn phiền… cũng như sự khao khát, mong chờ… Chúa ghé thăm nhà của Mácta và Maria với mong muốn có thể tâm sự với họ về điều đó. Cho nên, đối với Chúa Giêsu lúc này Ngài không quan tâm đến chuyện ăn uống nhiều lắm, Ngài cần có người để chia sẻ về tâm tình và lòng yêu mến của Ngài đối với Chúa Cha, cũng như tình yêu hy sinh của Ngài dành cho nhân loại. Maria đã hiểu được điều đó, nên cô đã ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Chúa, cũng như để cảm thông, chia sẻ những nỗi đau khổ nhục nhã Chúa sắp phải chịu trong cuộc khổ nạn. Còn chị Mácta đã không hiểu được ý Chúa, nên chị chỉ băn khoăn lo lắng những chuyện bên ngoài. Vì thế, Chúa Giêsu mới bảo: “Matta, Matta ơi ! con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Qua đó, chúng ta hiểu được điều cần thiết trong cuộc sống của người môn đệ là lắng nghe Lời Chúa, để biết được ý Chúa và cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho mình. Đồng thời, cũng biết đáp lại tình yêu của Chúa bằng cách làm theo ý Chúa.
Cũng như việc Chúa Giêsu đã đi vào nhà của Mácta và Maria, hôm nay một cách nào đó, Chúa cũng đang đi vào ngôi nhà tâm hồn mỗi người chúng ta, Chúa cũng muốn ghé thăm gia đình chúng ta. Ước gì chúng ta có được thái độ đón tiếp Chúa như cô Maria: luôn thành tâm lắng nghe Lời Chúa và can đảm làm theo ý Chúa trong mọi công việc, dù đó là việc lớn hay việc nhỏ, việc đạo hay việc đời, việc phục vụ đối với Chúa hay với người khác, theo tinh thần của Thánh Phaolô trong bài đọc II. Với niềm xác tín rằng chính qua Đức Kitô và qua lời của Người, Thiên Chúa ban cho con người được hưởng vinh quang. Cho nên, một đàng thánh Phaolô đón nhận những đau khổ để phục vụ Hội Thánh và thực hiện điều Thiên Chúa ủy thác; đàng khác ngài kiên trì nhẫn nại rao giảng, dạy dỗ để giúp cho mọi người đón nhận lời Thiên Chúa và sửa đổi bản thân nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Amen.