CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có những lời dạy của Chúa Giêsu mà thoạt nghe như có vẻ nghịch lý, làm cho người ta ngạc nhiên khi chưa hiểu hết ý nghĩa tàng ẩn trong đó. Chẳng hạn trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên… Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,49.51). Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta?
Trước tiên, Chúa Giêsu nói đến sứ vụ của Ngài là “đem lửa”, chính là lời Ngài xuống thế gian (Gr 23, 29), và ước muốn cho lửa ấy cháy lên trong lòng những kẻ tin (Lc 12, 49). Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I hôm nay là hình bóng của Chúa Giêsu, gặp được lời Chúa ông đã nuốt vào (Gr 15, 16), làm tâm hồn ông nóng bừng bừng như lửa mến cháy trong lòng, khiến ông không thể không nói sự thật là lời Thiên cho dân chúng, nhưng họ không muốn nghe, lại còn hành hạ và muốn giết chết ông. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh “đem lửa xuống thế gian” cho chúng ta biết rằng sứ mạng của Ngài là xuống trần gian chịu chết để đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người và thanh tẩy con người khỏi tội lỗi.
Kế tiếp, Chúa Giêsu xác định sứ vụ của Ngài như một “phép rửa” mà chính Ngài sẽ phải chịu, ám chỉ những đau khổ mà Ngài đang gặp và sẽ phải trải qua. Đây không phải là một tai ương hay định mệnh, nhưng chính là chương trình Thiên Chúa Cha muốn và Chúa Giêsu cũng sẵn sàng đón nhận để cho việc thi hành sứ mạng đó chóng hoàn tất. Chúng ta cũng có thể liên kết phép rửa này với phép rửa được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu: chính Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa không phải bằng nước, nhưng là bằng Thánh Thần và lửa (x. Lc 3,16). Qua phép rửa này Ngài sẽ xét xử muôn dân.
Cuối cùng, Chúa Giêsu xác nhận sứ vụ của Ngài là đến để đem bình an cho nhân loại, nhưng không phải là thứ bình an của thế gian, mà là thứ bình an đích thật của Thiên Chúa. Thứ bình an này chỉ có thể lãnh được khi người ta đã nỗ lực thi hành Lời Chúa và phải tôi luyện bằng đau khổ thập giá. Vì thế, Lời rao giảng của Ngài sẽ gây chia rẽ giữa nhiều người, ngay những người trong một gia đình. Sở dĩ có sự chia rẽ là vì có người tin theo Chúa, có người không tin theo, lại còn chống đối nữa. Chúa Giêsu đòi chúng ta phải xác định lập trường, phải có sự lựa chọn: tin theo hay không tin theo Chúa. Nếu đã chấp nhận tin theo Chúa thì cũng phải chấp nhận con đường của Chúa đã đi: phải hy sinh tất cả để trung thành với Chúa.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu khuyến cáo các kitô hữu phải chấp nhận bị ghen ghét, có thể bị giết chết bởi chính những người thân trong gia đình của mình. Tình trạng này đã xẩy ra trong Giáo Hội sơ khai và vẫn xẩy ra luôn mãi. Lịch sử các vị tử đạo đã chứng minh: những người theo đạo thường bị chính quyền hoặc đồng đạo mình ghét bỏ. Hoặc là trong một gia đình ngoại giáo, có một người trở lại đạo, để kết hôn với người có đạo chẳng hạn, cha mẹ không bằng lòng và bị ghét bỏ. Thế là có sự xung khắc giữa cha mẹ và chính người con của mình. Ngay cả trong gia đình tin Chúa cũng có thể xảy ra chia rẽ. Cha của thánh Phanxicô Assisi muốn chàng theo nghề buôn bán để được giàu sang, còn chàng lại quyết tâm theo tiếng Chúa gọi sống nghèo khó tận cùng, thế là bố con chia rẽ nhau.
Mỗi người tin Chúa phải quyết định hoặc yêu mến gia đình hơn hoặc yêu Chúa Giêsu hơn. Bản chất của Kitô giáo là phải đặt sự trung thành với Chúa Giêsu lên trên tất cả các sự trung thành khác của thế gian. Người ta phải sẵn sàng coi mọi sự như thua thiệt vì sự cao trọng tuyệt đối là Chúa Giêsu. Để được như thế, chúng ta hãy để cho lời Chúa thấm vào tâm hồn chúng ta, thanh luyện niềm tin của chúng ta trở nên kiên vững mà tham gia vào cuộc chiến chống lại tội lỗi và sự dữ.
Với kinh nghiệm sống và chiến đấu vì đức tin, thánh Phaolô trong bài đọc II cũng kêu mời chúng ta hãy nhập đoàn với các thánh, là những chứng nhân đức tin như những đám mây vây quanh, che chở phù hộ chúng ta trong cuộc chiến đấu để giữ vững đức tin: “Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để Người đốt lên ngọn lửa tình yêu Chúa trong tâm hồn và trong cuộc sống chứng tá của chúng con, giúp chúng con tích cực loan báo Tin Mừng cứu độ giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.