07/10: Lễ Mẹ Mân Côi: Truyền niềm vui Tin Mừng
Thứ sáu - 04/10/2019 05:17
1809
ĐỨC MARIA: Truyền giáo như là thông truyền niềm vui Tin Mừng
(Lc 1,26-46)
Kinh Mân Côi là trường học của Mẹ Maria, không chỉ giúp ta cầu nguyện mà còn giúp ta thêm lòng thảo hiếu,mến yêu và noi gương các nhân đức của Mẹ.Một trong những bài học lớn lao Mẹ dạy dỗ và hun đúc chúng ta qua Trường Mân Côi là tích cực cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ qua việc “ra khỏi mình” và dấn thân vào các công việc tông đồ truyền giáo của Giáo hội.
******
“Này con là nữ tỳ”
Lời thưa “Này con đây là nữ tỳ của Chúa!” của Đức Mẹ thoạt nhìn có vẻ liên quan đến một mối liên hệ chủ-nô. Tuy nhiên, trong tiếng Hipri, từ “ebed” không nhất thiết mang sắc thái ấy. Ebed có thể là một nô lệ đúng nghĩa hoặc có thể chỉ là một đầy tớ trong nhà, và vì thế, có khi lại là một vị quan cao cấp trong triều đình hay một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Nếu chúng ta liên hệ lời thưa vâng của Mẹ với Isaia, chúng ta sẽ thấy khác: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 42,1).
Đức Mẹ được nuôi dưỡng bởi việc đọc Sách Thánh và câu trên đã vang lên trong lời thưa của Mẹ, và như thế, đây là một lời thưa vâng hết sức dịu dàng trìu mến và vui mừng vì được yêu thương.
Những câu xoay quanh càng mình chứng điều ấy: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng”, “Bà đẹp lòng Thiên Chúa”, “Thiên Chúa ở cùng Bà”, “Thánh Thần sẽ phủ bóng trên Bà”…
Lời xin vâng ở đây vì thế trong khung cảnh ân sủng và sứ vụ của Người Tôi Trung của Đức Chúa. Vì thế, lời thưa này nối kết Mẹ với toàn thể dân tộc, nhận biết mình được tuyển chọn, yêu thương và nâng đỡ. Qua lời thưa vâng ấy, Mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả những gì là của Mẹ và cả những gì của dân tộc Israel nữa, và rộng hơn nữa là của toàn thể nhân loại: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi… làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi chốn tối tăm” (Is 42,6-7).
“Xin Chúa cứ làm…”
Dưới một góc nhìn xa hơn, lời xin vâng này đong đầy hy sinh: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Quả là một câu nói diễn tả chiều sâu của tâm hồn quảng đại, sẵn sàng hy sinh, sẵn lòng phục vụ, đón nhận mọi sự cách phó thác, tự nguyện, vui mừng và yêu mến. Một lời “xin vâng” với tất cả tâm hồn và cuộc sống. Chúng ta nghe vang vọng lời Thánh Phaolô: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Đạo đức Kitô giáo được Thánh Tông Đồ tóm tắt trong tinh thần hy sinh. Hy sinh đúng nghĩa là sống mầu nhiệm vượt qua: đón nhận thập giá với tình yêu, biến đời mình thành hiến lễ tình yêu. Thầy Chí Thánh đã làm điều đó trên đồi Golgotha: dâng hiến chính mình vì yêu thương, để đưa nhân loại đến với Chúa Cha. Truyền giáo sẽ là một hành trình đong đầy gian nan thử thách, nhưng đó lại là con đường đúng nghĩa để sống đức hy sinh Kitô giáo: hiến mình vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ của anh em mình. Bác ái đỉnh cao là hy sinh cho phần rỗi của anh chị em mình.
“đon đả lên đường”
Ngay sau khi được sứ thần truyền tin, Mẹ “đon đả” lên đường mang Chúa đến cho gia đình Dacaria và Elizabeth (x. Lc 1,39). Đây không đơn thuần là cuộc thăm viếng thông thường, nhưng là một hành trình truyền giáo đúng nghĩa. Cuộc viếng thăm đích thực ở đây là cuộc viếng thăm của Hài Nhi Giêsu dành cho Gioan Tẩy Giả: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1,78). Mẹ đã quên đi tất cả những bận tâm của riêng mình (làm sao cắt nghĩa với Giuse, chuẩn bị thế nào cho việc thai nghén, sinh nở…), Mẹ đã không giữ kín niềm vui cho riêng mình, nhưng đã mau mắn lên đường đem niềm vui Tin Mừng đến cho gia đình chị họ. Sự hiện diện và tình yêu của Mẹ đã làm cho cuộc gặp gỡ thông thường trở thành cuộc đối thoại cứu độ và niềm vui Tin Mừng tràn đầy trong lòng Mẹ đã lan tỏa đến gia đình này.
Lời thưa vâng liên lỉ
Lời thưa vâng của Mẹ không mang tính bốc đồng hay tạm bợ. Lời ấy kéo theo một sự dấn thân trọn đời. Lời thưa vâng ấy gắn chặt vào cuộc đời Chúa Cứu Thế, Con Chí Thánh của Mẹ, và không bao giờ tách rời khỏi hành trình đức tin của Giáo hội. Mẹ thưa vâng tại Bethlem với cuộc sinh hạ nhọc nhằn, Ai Cập với cuộc sống bấp bênh, Nazareth với đời thường lao nhọc, Giêrrusalem với việc lạc mất con và rồi cuộc thương khó đẫm máu… Mẹ thưa vâng khi đón nhận Gioan, khi cùng cầu nguyện với các tông đồ tại Nhà Tiệc Ly để xin ơn Thánh Thần… Tất cả cho thấy một khối lòng vàng đá sắt son, trung thành với Thiên Chúa và trung thành với nhân loại. Mẹ đã hết lòng vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã yêu Mẹ mình theo cách của Thiên Chúa: đặt Mẹ vào chỗ nhất của sứ vụ cứu chuộc. Mẹ được chúc phúc vì “đã tin vào Lời Chúa” (Lc 1,45), vì đã “lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Tuy nhiên, để “trở nên mạnh mẽ trong cuộc hành trình đức tin” (x. LG 55-59), Mẹ đã phải trải qua nhiều thử thách và đêm tối, tới mức “lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn”: sự “bối rối” (Lc 1,29), “không hiểu” (Lc 2, 50)…
*****
Trong các chuỗi Mân Côi, chúng ta được mời gọi suy niệm về tinh thần truyền giáo của Đức Maria. Mẹ đã sẵn sàng đón nhận và thi hành ý Chúa, dù không hiểu. Mẹ vẫn phó thác tin tưởng và dấn thân hết mình với lòng yêu mến thẳm sâu và niềm vui phó thác trước những thử thách gian truân đường đời. Mẹ đã mau mắn lên đường thi hành sứ vụ với một tâm hồn tràn đầy niềm vui yêu thương và nhiệt huyết tông đồ.
Trong những lời kinh ta đọc, hãy dịu lòng lắng nghe giây phút mà trời và đất hồi hộp chờ đợi lời thưa vâng của một trinh nữ! Lắng nghe nhịp đập hân hoan của bước chân sau biến cố truyền tin khi Mẹ “đon đả” lên đường đến với gia đình Zacaria và Elizabeth… nhịp đập của trái tim rộn rã niềm vui khi chị em gặp nhau và “Thiên Chúa viếng thăm dân người”…
Xin Mẹ cầu cho ta ơn đức ái để có thể thi hành sứ vụ cách hăng say và vui tươi như Mẹ đã làm. Xin Đức Mẹ dạy ta về tinh thần truyền giáo. Xin Mẹ dạy chúng ta dám “ra khỏi” chính mình để dám “ra đi” thi hành sứ vụ bất cứ nơi nào Chúa muốn. Xin Mẹ giúp ta tập luyện sự nhanh nhẹn, khiêm nhường, tinh thần phục vụ và sự vui tươi khi cộng tác vào việc tông đồ truyền giáo và biết trân trọng nhiều hơn những tiếp xúc cá nhân thường ngày.
Lạy Mẹ Maria, Nữ Trinh và Hiền Mẫu
Mẹ là Ðấng đã được tác động bởi Chúa Thánh Thần,
đã đón nhận Lời ban sự sống
tận đáy lòng đức tin khiêm cung của Mẹ,
khi Mẹ phó thác hoàn toàn cho Ðấng Muôn Ðời,
xin giúp chúng con biết thưa tiếng “xin vâng”
trong sự cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết,
để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu.
…
Xin ban cho chúng con ơn mạnh dạn thánh để kiếm tìm những con đường mới
để đem đến cho tất cả mọi người
hồng ân của vẻ đẹp không bao giờ phai tàn.
…
Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa,
xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự hiệp thông,
của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại,
của công lý và tình yêu dành cho người nghèo,
để cho niềm vui của Tin Mừng
có thể đi đến tận cùng của trái đất…
Amen
(ĐTC Phanxicô, Niềm vui Tin Mừng, số 288)
X. C. Conroy, “(Những) người tôi tớ của Chúa trong sách Isaia”, trong Gieo bước hành trìnhvới Abraham, Môsê, Người tôi trung trong Isaia và Đức Maria, Nxb Hồng Đức 2015, tr. 81-82. C. M. Martini, Con đường Tin Mừng của Đức Maria, M. Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 10 tt.
Tác giả: Lm. Dom. Trần Ngọc Đăng