CHÚA NHẬT 29 TNC
Xh 17,8-13; Tv 121,1-8; 2 Tm 3,14–4:2; Lc 18,1-8
Các bài đọc Lời Chúa của Chúa Nhật XXIX thường niên và cũng là Chúa Nhật truyền giáo hôm nay soi sáng cho chúng ta biết hai điều cần thiết trong sứ vụ truyền giáo, đó việc cầu nguyện và sống theo Lời Chúa dạy.
Điều cần thiết thứ nhất trong sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh và của mỗi người tín hữu là cầu nguyện. Quả thực, bài đọc I nhắc cho chúng ta nhớ rằng việc cầu nguyện thật cần thiết và hữu hiệu. Vì thế, chúng ta phải ý thức ý nghĩa của việc cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Trong bối cảnh lịch sử của dân Israel đang giao chiến với người Amalec, ông Môsê lên núi, giơ tay lên trời để cầu nguyện cho dân chúng. Mỗi khi ông Môsê giơ tay lên, con cái Israel thắng trận. Như thế, chiến thắng của con cái Israel là do sự trợ giúp của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của ông Môsê. Kinh nghiệm của bao thế hệ dân Chúa dạy họ rằng nếu họ tin tưởng, cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa, và kêu cầu danh Ngài, thì Ngài sẽ giúp họ chiến thắng mọi quân thù.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kể một dụ ngôn để dạy các môn đệ “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn xoay quanh hai nhân vật: ông quan tòa và bà góa. Ông quan tòa này có một đời sống không tốt đẹp trong tương quan với Thiên Chúa và người khác: “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Trong thành của ông quan tòa này, có một bà góa bị đàn áp bất công. Bà đến xin ông xét xử nhiều lần: “Đối phương tôi hại tôi, xin Người minh xét cho”. Mặc dù ông quan tòa này chẳng đếm xỉa gì tới bà góa, nhưng bà nhất quyết không để mình bị làm ngơ, kể cả trước một ông quan tòa bất lương, cho tới khi án kiện của bà được giải quyết có lợi cho bà. Nếu ông quan tòa là người xấu mà còn làm như thế, huống chi Thiên Chúa tốt lành lại chẳng lắng nghe lời cầu xin của con cái Người. Quả thực, cầu nguyện là yếu tố nền tảng cho đời sống đức tin và là trái tim của sứ mạng truyền giáo. Vì thế, người truyền giáo phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn thánh để can đảm dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng.
Câu hỏi của Đức Giêsu về đức tin khi Người đến lần thứ hai có vẻ như chỉ ra một mối quan tâm của Người về hiệu quả của sứ mạng sẽ được thi hành và tính chân thực của chứng tá nơi các môn đệ truyền giáo. Hiệu quả của việc cầu nguyện liên lỉ, của việc bền tâm tìm kiếm lòng yêu mến sự thật và công lý, giúp tôi luyện khả năng truyền giáo của người môn đệ. Chỉ những ai kiên tâm cầu nguyện mới đặt Đức Kitô vào tâm điểm đời sống và sứ mạng được trao cho họ, giúp tăng cường đức tin. Chỉ những ai kiên trì cầu nguyện mới trở nên chăm chú và có khả năng lắng nghe, thể hiện và khám phá ra những nhu cầu và những đòi hỏi của sự cứu rỗi vật chất và thiêng liêng luôn hiện diện trong trái tim của con người hôm nay.
Điều cần thiết thứ hai trong sứ mạng truyền giáo là việc sống theo lời Chúa dạy. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô dạy cho Timôthêô biết tầm quan trọng của Sách Thánh như thế nào: “từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu”. Qua đó, thánh Phaolo mời gọi mỗi người chúng ta vững tin trong những gì chúng ta đã học hỏi từ Kinh Thánh, nhất là đối với ơn cứu độ mà chúng ta đã lãnh nhận từ Đức Giêsu. Kinh Thánh mặc khải ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người và cũng là nơi con người có thể đón nhận thánh ý Chúa: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính”. Đáp lại quà tặng đó từ Thiên Chúa, chúng ta hãy trở nên những chứng nhân của Lời Chúa: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”.
Trong ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay, những lời dạy của Chúa trên đây thật ý nghĩa. Bản chất của mỗi Kitô hữu là truyền giáo. Nếu chúng ta đã lãnh nhận hồng ân đức tin do lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cần nỗ lực loan báo Tin Mừng cho người khác. Mục đích của truyền giáo là làm chứng cho Đức Giêsu, loan báo Tin Mừng của Người cho tha nhân bằng yêu thương chân thành và tôn trọng tự do của họ, cùng nhau phát triển sự hiệp thông, công lý và hòa bình trên toàn thế giới. Vì thế, nhiệt tình truyền giáo chân chính không phải là thái độ chiêu dụ, nhưng là ước muốn của một trái tim đầy tràn tình yêu Đức Kitô, được Thánh Thần thúc đẩy đem ơn cứu độ và hạnh phúc đến cho mọi người, mọi nhóm sắc tộc, bằng cách chia sẻ những giá trị đạo đức và văn hóa, những niềm vui và hi vọng, tìm kiếm một sự sống viên mãn và bình an đích thực, là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và phục sinh để cứu độ nhân loại.