Thứ Hai tuần XXXIV
Lc 21,1-4
Nhà Phật có câu chuyện kể về sự bố thí toàn vẹn của hoạ sỹ Karna (Sùtralamkara)[i]. Sau mười hai năm vất vả làm lụng cực khổ bên nước lân cận, dành dụm được ba mươi đồng vàng, anh đã lấy tất cả để cúng dưỡng cho chư Tăng nhân một cuộc hội họp quan trọng. Khi về nhà, vợ anh đã nổi giận, la hét mắng chửi, đánh đập và lôi anh ra toà nhờ quan trên xét xử và trừng phạt. Giáo lý Phật giáo cũng khuyên dạy: Bố thí tất cả những gì mình có thì phước báo sẽ tăng lên gấp bội.
Vài tuần trước, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh khiến nhiều người xúc động về một người phụ nữ làm nghề đồng nát dừng xe đạp lại để bỏ tiền vào thùng từ thiện quyên góp cho đoàn nghệ sỹ khuyết tật[ii]. Ai đó còn bình luận: “Hình ảnh nhân văn quá, đúng là người nghèo luôn là người hào phóng nhất”.
Giữa cuộc đời đầy bon chen, toan tính thiệt hơn, chúng ta vẫn đọc được rất nhiều những câu chuyện đẹp, những hình ảnh đẹp về sự quảng đại đó đây. Nghèo mà biết cho đi mới giàu hơn tất cả. Bà goá nghèo trong Tin Mừng là một con người như thế. Bà không chỉ đang thiếu thốn tình cảm gia đình khi mất chồng mà còn túng thiếu cả về vật chất nhưng bà lại biết quảng đại cho đi. Bà bỏ vào thùng lạc quyên tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Có lẽ trái tim của bà đã thôi thúc bà bỏ vào thùng tiền và đôi chân bà đã nhanh nhẹn bước tới trước khi lý luận so đo thiệt hơn định ngăn cản bà. Bà đã trở nên giàu có nhất. Giàu có tình thương, giàu có sự tử tế, giàu có tinh thần sẻ chia, giàu có sự cho đi.
Chỉ có hai đồng tiền kẽm ít ỏi mà Chúa Giêsu lại bảo bà đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Chúa không nhìn đến giá trị của lễ dâng cho bằng đề cao tấm lòng thành tâm của người dâng tiến như chính Người đã dạy: “Ta cần lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Người đời chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài còn Thiên Chúa thấy tận đáy lòng (x. 1 Sm 16,7). Hai đồng tiền kẽm ấy là cả một sự chắt chiu dành dụm bao lâu của bà goá nghèo này. Hai đồng tiền ấy cũng là tài sản duy nhất khi cần của một thân phận nghèo nàn cơ cực. Nếu như nhìn đến số lượng thì hẳn số tiền bà bỏ chẳng đáng là gì. Chắc chẳng bao giờ bà được đưa lên hàng ghế danh dự cho những “đại ân nhân”. Nhưng Chúa nhìn thấy nghĩa cử quảng đại hiến trao của một trái tim chân thành. Chúa trông thấy cử chỉ rộng rãi cho đi của một tấm lòng hảo tâm lớn lao. Chúa nhìn thấy hành động tràn ngập yêu mến của một con người thiện chí dâng cúng. Chúa khen ngợi bà đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Nghĩa cử cho đi tất cả của bà còn cho thấy niềm tin mãnh liệt vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa quan phòng.
Xã hội đương thời dường như muốn đánh giá và định vị mọi thứ theo hình thức bên ngoài. Đến cả chuyện làm từ thiện cũng có nguy cơ trở thành một dịp để phô trương, đánh bóng tên tuổi hay những sàn diễn phản cảm. Lối nhìn của Chúa Giêsu chất vấn mỗi người chúng ta về cách thức mà chúng ta đánh giá mọi sự và cách chúng ta cho đi. Hình thức được coi trọng quá mức có khi làm quên mất đi nội dung. Nhu cầu được nổi tiếng có nguy cơ lấn át hành động nhân ái. Mải mê tô vẽ bản thân dễ làm lu mờ ý hướng giúp đỡ từ thiện. Chạy theo sự tung hô của dư luận dễ nhạt nhoà tấm lòng chân thật. Tìm kiếm triều thiêu giả tạo chóng qua khó mà đạt được hạnh phúc đích thực. Của cải, bằng cấp, địa vị, danh vọng đâu nói lên giá trị của một con người. Nam tài tử Chân Tử Đan khi thủ vai Diệp Vấn trong phần 3 dự án phim về cuộc đời vị võ sư nổi tiếng thuộc phái Vịnh Xuân này có câu nói đáng để suy nghĩ: “Thế giới này không thuộc về những người có tiền, cũng không dành cho kẻ có quyền. Thế giới này thuộc về những người có tâm”.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con có cái nhìn của Chúa trước lần chúng con cần phải đưa ra lời đánh giá hay lượng định. Xin ban cho chúng con một trái tim quảng đại để biết cho đi với tất cả lòng thành. Xin dạy chúng con: Đừng xoè tay khi nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi (Hc 4,31). Amen.