Tại sao phải sám hối và phải sám hối thế nào?

Thứ sáu - 06/12/2019 21:10  1914
Chúa Nhật II Mùa Vọng A
Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12

download 1 1Vào một buổi chiều nọ, có một người đàn bà phải chờ đợi chuyến bay mất nhiều giờ tại phi trường ở Mỹ. Bà rảo qua các sạp sách báo trong phi trường, mua một cuốn sách và một gói bánh, tìm chỗ yên tĩnh đọc để giết thời giờ. Mặc dù cắm cúi đọc sách, bà cũng nhận ra một người đàn ông đang ngồi bên cạnh, ngoài cái đầu hói ra thì không có gì đáng chú ý. Tuy nhiên, một điều làm bà rất khó chịu là người đàn ông này chốc chốc lại đưa tay vào gói bánh lấy ra một vài cái bỏ vào miệng. Dù rất khó chịu, nhưng bà cố tình làm như không biết để người đàn ông khỏi ngượng. Bà cố gắng quên đi sự có mặt của người đàn ông không biết điều ấy. Thỉnh thoảng bà cũng đưa tay vào gói bánh lấy ra một vài cái đưa vào miệng. Cuối cùng, gói bánh chỉ còn một cái, bà chờ xem người đàn ông mất lịch sự này sẽ làm gì. Người đàn ông mỉm cười lấy chiếc bánh cuối cùng bẻ ra và trao cho bà một nửa. Bà nghĩ đây quả là người vô liêm sỉ, đã không biết xấu hổ lại còn không biết cám ơn nữa.

Bà thở phào nhẹ nhõm khi chuyến bay được thông báo sắp khởi hành. Bà thu dọn hành lý đi về phía cổng lên máy bay, và cũng không quay lại chào người đàn ông bên cạnh. Sau khi đã thắt dây an toàn, bà mới bắt đầu kiểm tra lại hành lý. Cuốn sách bà mua còn nguyên trong xách tay, bên cạnh cuốn sách là gói bánh cũng vẫn còn nguyên vẹn. Như thế, cuốn sách mà ban nãy bà đã đọc và bánh bà đã ăn hóa ra không phải của bà mà là của người đàn ông ngồi bên cạnh bà. Thật đã quá trễ để quay lại xin lỗi và cám ơn người đàn ông đã để sách cho bà đọc, đã để bánh cho bà ăn, và nhất là chia đôi cho bà chiếc bánh cuối cùng.

Con người thật dễ dàng xét đoán anh em và lên án người khác vì không biết nhìn vào bản thân mình. Có lục soát lại hành lý, nghĩa là nhìn lại chính mình, người đàn bà mới thấy được lỗi lầm của mình và thay đổi cách nhìn đối với người đàn ông kia. Một trong sứ điệp nền tảng của đạo Công Giáo là sám hối, đổi mới, canh tân đời sống. Đây cũng chính là sứ điệp của lời Chúa trong Chúa nhật thứ 2 Mùa Vọng hôm nay được vang lên qua miệng Gioan Tẩy Giả “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến.” Tại sao phải sám hối và phải sám hối thế nào?

Phải sám hối vì không ai trong nhân loại là người vô tội trước mặt Thiên Chúa. Phải sám hối vì đây là chiều kích căn bản của đời sống đức tin. Có nhìn nhận thân phận hèn yếu lỗi lầm của mình, con người mới nhận được tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Có biết mình vấp ngã, con người mới dễ dàng cảm thông với anh em. Như vậy, lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thực sự chỉ được xây trên nền tảng của lòng sám hối. Ông Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi lòng sám hối và cử hành phép rửa sám hối cho dân Israel. Bao nhiêu người đến với ông, từ nhóm Pharisêu, đến nhóm Sađốc và cho tới người dân thường, đều đến xin ông cử hành phép rửa cho.

Sám hối không chỉ đơn giản là nhận ra lỗi lầm thiếu sót của mình, hối hận về những thiếu sót lỗi lầm ấy, mà còn đòi phải sửa lại cho phù hợp với lề luật của Thiên Chúa, làm cho cuộc đời trổ sinh hoa trái tốt “Các anh hãy sinh hoa trái để tỏ lòng sám hối”. Hoa trái của lòng sám hối là suy nghĩ trong sáng, có những lời nói hay và những việc làm tốt thay thế cho những suy nghĩ chật hẹp, những lời không tốt và những việc xấu ta đã làm trước đó. Hoa trái của sám hối còn là yêu thương bác ái không tính toán đối với tha nhân. Sám hối như vậy vẫn chưa đủ, người thật lòng sám hối còn được yêu cầu phải thay đổi con người tận gốc rễ cả trong tư tưởng lẫn lời nói và hành động, luôn để cho Lời Chúa biến đổi và hướng dân cuộc đời mình.

Muốn thay đổi tận căn, người Do Thái năm xưa được mời gọi đón nhận phép rửa tái sinh bằng Thánh Thần và lửa. Phép rửa ấy làm chết đi những thói quen, não trạng, lời nói và việc làm xấu xa. Đó là thái độ cứng tin, tự phụ, ra vẻ ta đây, ỉ thế là con cháu Abraham, thiếu yêu thương, cảm thông, tha thứ và phục vụ. Chúng ta hôm nay có lẽ cũng không khác người Do Thái năm xưa vì chúng ta vẫn cho rằng mình chẳng có lỗi lầm gì, vẫn sống tốt, vẫn giữ đạo đàng hoàng nên không cần sám hối… Thật ra, chúng ta chẳng thiếu những yếu đuối lỗi lầm “vì nhân vô thập toàn”. Nếu khiêm tốn nhìn lại, chúng ta thấy rất nhiều lần đã lơ là bổn phận với Chúa, thờ ơ với nhu cầu chính đáng của tha nhân, sống dễ dãi phóng đãng, thiếu thành thật chân thành, gian dối trong công việc, chơi không đẹp với bạn bè và đồng nghiệp...

Sám hối chính là sứ điệp chính yếu của phụng vụ lời Chúa hôm nay, điều mà ông Gioan Tẩy Giả đã tha thiết mời gọi người Do Thái năm xưa “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Nước Trời đã xuất hiện với sự có mặt của Chúa Giêsu, và chỉ những ai xứng đáng mới vào được Nước Trời hay xứng đáng đón Chúa đến. Điều tiên quyết để xứng đáng với Nước Trời là tấm lòng sám hối ăn năn, canh tân đổi mới đời sống thực sự. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đủ khiêm tốn để nhận ra lỗi lầm của mình và đủ can đảm để chân thành sám hối ăn năn đổi mới đời sống. Xin thêm đức tin cho chúng con, để mỗi khi ý thức về sự yếu hèn của mình, chúng con thêm vững vàng tin tưởng vào tình yêu bao la của Chúa và cảm thông tha thứ cho anh chị em nhiều hơn nữa. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm68
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,020,545
  • Tổng lượt truy cập79,023,996
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây