TUẦN 3
Is 35,1-6.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11
Niềm hy vọng cần thiết cho cuộc sống biết bao vì chẳng ai sống mà không hy vọng. Một người sống mà không còn hy vọng thì kể như đã chết. Nếu có sống thì họ cũng sống vô nghĩa vì họ đang chết dần chết mòn trong nỗi bi quan chán chường. Một bệnh nhân hy vọng ngày nào đó căn bệnh của họ được chữa lành và họ lại có được sức khỏe tốt để làm những việc họ yêu thích. Một người nghèo hy vọng sẽ có ngày họ làm ăn khá hơn và họ không còn nghèo đói nữa. Một người thất nghiệp hy vọng sẽ tìm được một công việc tốt, ổn định, có thu nhập và cuộc sống sẽ được cải thiện… Người kitô hữu không chỉ có những hy vọng của cuộc sống bình thường mà còn có những niềm hy vọng khác. Niềm hy vọng khác của người kitô ấy là gì? Niềm hy vọng ấy liệu có trở thành hiện thực? Khi nào niềm hy vọng ấy được thành toàn? Người kitô sống niềm hy vọng ấy như thế nào?
- Người kitô hữu hy vọng gì ở tương lai ngoài cuộc sống bình thường? Người kitô hữu hy vọng một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ can thiệp, giải phóng họ khỏi mọi bận tâm, lo toan, đau khổ để họ được hưởng bình an, niềm vui và hạnh phúc viên mãn. Niềm hy vọng này đã được ngôn sứ Isaia gợi lên qua bài đọc thứ nhất. Đó là niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ đến cứu thoát mọi người. Thay cho nỗi buồn là niềm vui, thay cho đồng khô sa mạc cỏ cháy là sự sống trổ bông, thay cho tăm tối là ánh huy hoàng rực rỡ của Thiên Chúa, thay cho bàn tay rã rời là bàn tay mạnh mẽ, thay cho những đầu gối bủn rủn là đôi chân vững vàng, thay cho nhút nhát sợ hãi là sự can đảm, thay cho sự chờ đợi lo âu là sự thưởng công và phạt tội, thay cho tăm tối, điếc lác, mù lòa, bệnh tật là ánh sáng, sự chữa lành, thay cho giam hãm tù tội là sự giải thoát trọn vẹn, thay cho cho buồn rầu khổ đau là niềm vui rạng rỡ, thay cho đau khổ tạm thời là hạnh phúc vĩnh cửu.
- Niềm hy vọng ấy có trở thành hiện thực hay chỉ là niềm hy vọng hão huyền? Niềm hy vọng ấy không hão huyền mà là một sự thật đã xảy ra trong lịch sử và chính Chúa Giêsu đã thực hiện niềm hy vọng ấy. Câu trả lời của Chúa Giêsu trước câu hỏi của những môn đệ Gioan Tẩy Giả là một bằng chứng xác thực về niềm hy vọng đã được thực hiện “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” Đây không phải là câu trả lời lý thuyết, nhưng là câu trả lời thực sự đang xảy ra trước mắt các môn đệ Gioan và người Do Thái vì trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã mở mắt cho người mù, mở tai cho kẻ điếc, cho người què bước đi, người phong cùi được sạch, người chết sống lại, kẻ tội lỗi được tha thứ, và người nghèo khổ được nghe Tin Mừng. Tất cả những gì Chúa Giêsu làm đều là dấu chỉ của niềm hy vọng được thực hiện trong nhân loại nơi Ngài.
- Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy vẫn chưa thành toàn vì cho dù Chúa Giêsu đã mở mắt cho một số người mù, cho một số kẻ què đi được, cho vài người điếc nghe rõ, người bệnh được chữa lành, người chết sống lại và tội nhân được tha thứ mọi lỗi lầm,… thì tất cả những khổ đau ấy vẫn tồn tại. Nói cách dễ hiểu là tất cả những gì Chúa Giêsu làm khi còn sống mới là dấu chỉ ơn cứu độ và niềm hy vọng bắt đầu được thực hiện. Nhân loại vẫn còn phải chờ đợi ngày ơn cứu độ thành toàn. Đó là ngày cánh chung, ngày tận thế, ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Ngày ấy sẽ không còn khổ đau, bệnh tật, sợ hãi, lo âu, vất vả, chết chóc, nhưng là ngày của niềm vui, bình an, sự sống, hạnh phúc viên mãn trong vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, mọi kitô hữu vẫn phải mong chờ ngày ấy. Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu hãy sống niềm hy vọng ấy với thái độ kiên nhẫn “xin anh em hãy cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm”. Người kitô hữu cần kiên nhẫn như nhà nông kiên nhẫn chờ đợi đất trổ sinh hoa màu quí giá. Để gặt hái được hoa màu quí giá ấy, họ phải chờ đợi cả mưa đầu mùa lẫ mưa cuối mùa. Họ càng kiên nhẫn chờ đợi thì niềm vui của họ càng lớn lao trong ngày mùa màng bội thu. Người kitô hữu càng kiên nhẫn chờ đợi trong bầu khí hài hòa yêu thương thì niềm vui trong ngày cánh chung càng tràn trề sung mãn.
Cuộc sống không thể thiếu niềm hy vọng. Người ki tô hữu không chỉ sống niềm hy vọng như bao nhiêu người khác giữa cuộc sống đời thường mà còn hy vọng ngày Thiên Chúa thực hiện sự giải thoát và ban ơn cứu độ trọn vẹn. Thiên Chúa đã thực hiện sự giải thoát và ban ơn cứu độ qua Chúa Giêsu Kitô, nhưng sự giải thoát và ơn cứu độ ấy chỉ viên mãn trong ngày Chúa Giêsu quang lâm. Vì thế, cho dù cuộc sống hôm nay còn nhiều khó khăn, thử thách, người kitô không được chán nản, thất vọng, buôi xuôi, trái lại phải sống tin yêu và hy vọng. Chúa Giêsu chính là hy vọng chắc chắn, là tương lai sáng lạn, là lý tưởng của chúng ta. Chúng ta hãy trỗi dậy từ những thất bại đổ vỡ, hãy can đảm lên đường, hãy bước đi trong hân hoan vui mừng, vì Thiên Chúa đang ở phía trước chờ đợi thực hiện ơn cứu độ trọn vẹn cho chúng ta. Amen.