LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN
Ed 37,1-14; Rm 8,22-27; Ga 7,37-39
Nước vô cùng cần thiết cho sự sống tự nhiên của sinh vật và của từng con người. Nếu không có nước thì không có sự sống. Nếu thiếu nước thì sự sống khó mà tồn tại và phát triển được. Nước cần thiết cho sự sống tự nhiên thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng cần thiết cho sự sống siêu nhiên như vậy. Vì thế mà Chúa Giêsu đã nói, “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh thánh đã nói: từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.” Dòng nước hằng sống mà Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây là Chúa Thánh Thần. Vậy Chúa Thánh Thần chính là nguồn nước mát, nguồn nước đem lại sự sống dồi dào cho nhân loại.
Thật thế, bài đọc thứ nhất giải thích cho lời xác quyết này. Êdêkien trong một thị kiến đã cho thấy một thung lũng đầy xương cốt. Những xương này khô đét, chẳng có sự sống và không hy vọng ai có thể làm cho chúng hồi sinh. Thế rồi, Thiên Chúa hỏi Êdêkien: “Hỡi con người, liệu các xương này có thể hồi sinh được không?” Êdêkien làm sao biết được các xương khô này có thể sống lại được hay không nên đã trả lời: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó.” Thiên Chúa đã truyền cho ông tuyên sấm và ông đã tuyên sấm: “Đây ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống.” Kết quả xảy ra đúng như lời sấm của Êdêkien, “Có sự rung chuyển và các xương khô xích lại gần, ăn khớp với nhau, có gân, thịt và da bọc lại.” Theo lệnh của Thiên Chúa, Êdêkien lại tuyên sấm gọi thần khí đến nhập vào những xác đã chết này, thần khí đã đến và làm cho chúng sống lại, trở thành một đạo quân lớn, đông vô kể.
Như vậy, từ một thung lũng toàn xương khô không sự sống, nhờ lời tuyên sấm theo lệnh của Thiên Chúa, tất cả các xương khô ấy đã hợp lại thành những xác chết, và nhờ lời gọi thần khí đến mà số xác chết này đã sống lại. Nói cách khác, chính thần khí làm cho những gì đã khô héo được tươi tắn, từ tình trạng chết chóc đến sự sống, từ nghèo nàn đến dồi dào phong phú, “một đám xương khô trở thành một đội quân đông vô kể.” Nói như Chúa Giêsu thì chính Thánh Thần là nguồn mạch sự sống chảy ra từ Ngài làm cho muôn loài được sống và sống dồi dào phong phú. Điều này rất đúng với lịch sử phát triển của Giáo hội. Trước khi Chúa Thánh Thần được ban xuống, Giáo hội chỉ có 12 tông đồ, một nhóm môn đệ, mấy phụ nữ giúp việc, nhát đảm sợ sệt, dốt nát mu muội, vậy mà sau Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội đã hồi sinh và không ngừng phát triển để đến hôm nay, Giáo hội của Chúa hiện diện khắp thế giới. Quả thật, Thánh Thần là nguồn nước mát làm nảy sinh sự sống và làm cho sự sống được phát triển phong phú dồi dào.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc chân lý này và ghi lại trong thư gửi tín hữu Rôma. Ngài cho rằng “tất cả các kitô hữu đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu độ cả thân xác nữa.” Lời này có nghĩa là khi chịu bí tích Rửa tội, người ki tô hữu đã nhận lãnh ân huệ Chúa Thánh Thần. Chính Người là mạch nước hằng sống đem lại ơn tái sinh, làm cho linh hồn tín hữu đi từ cõi chết sang cõi sống. Chúa Thánh Thần tiếp tục “nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả, dậy chúng ta cầu nguyện đúng ý Thiên Chúa, giúp chúng ta đạt đến ơn cứu độ hoàn toàn, làm cho chúng ta hưởng trọn vẹn quyền làm con, nghĩa là được cứu độ cả thân xác nữa.” Như Đức Giêsu không chỉ được vinh quang bên Chúa Cha nơi bản tính Thiên Chúa mà còn vinh quang trong cả bản tính nhân loại thế nào thì người tín hữu cũng được cứu độ cả linh hồn và thân xác như vậy nhờ Thánh Thần. Nghĩa là đến ngày tận thế, thân xác hay hư nát của chúng ta sẽ được sống lại và hưởng trọn vẹn vinh quang phục sinh của Chúa Kitô.
Đức Giêsu đã phục sinh lên trời vinh quang ngự bên hữu Thiên Chúa. Ngài đã ban Thánh Thần cho các tông đồ, các môn đệ và tất cả những ai tin vào Ngài. Chúa Thánh Thần được ví như nguồn nước hằng sống làm sự sống nảy sinh, triển nở và đơm bông kết trái. Như thế, Chúa Thánh Thần sẽ đóng vai trò đặc biệt trong tâm hồn và cuộc đời của người tín hữu. Chúng ta tự hỏi mối liên hệ của chúng ta với Chúa Thánh Thần như thế nào? Chúng ta đã mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần đến và để cho Người thấm đượm như dòng suối mát làm thỏa mãn mọi khát vọng, như nguồn nước hằng sống đem đến sự sống dồi dào chưa? Nguyện xin Chúa Thánh Thần hãy đến làm cho tâm hồn chúng con được tươi mát, thúc đẩy cuộc đời chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh