Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Phục Sinh
(Cv 16, 22-34; Ga 16, 5-11)
Sự hiện diện toàn vẹn
Theo lịch sử phát triển, con người hiện diện với nhau bằng nhiều hình thức: trực tiếp ở bên nhau, gián tiếp qua thư từ viết tay, điện thoại, kết nối mạng... Dù hiện diện cách trực tiếp hay gián tiếp thì sự hiện diện ấy vẫn giới hạn và bất toàn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã mặc khải cho chúng ta một sự hiện diện toàn vẹn: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”. Đó là sự hiện diện bởi Thần Khí và trong Thần Khí.
Hình thức hiện diện tự nhiên mà Đức Giê-su nói với các môn đệ là sự hiện diện thể lý. Sự hiện diện ấy luôn giới hạn, có hợp có tan và có thể dẫn đến những sai lầm. Đức Giê-su đã sống và làm việc với các môn đệ trong suốt ba năm công khai, nhưng sau khi đã hoàn tất sứ vụ cứu chuộc loài người, Người về với Chúa Cha. Điều ấy có thể làm cho lòng các môn đệ tràn ngập ưu phiền. Các môn đệ đã gắn bó mật thiết với Chúa, được Thầy hết lòng yêu thương, dạy dỗ và được chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm. Sau khi chứng kiến cuộc tử nạn của Chúa, các ông đã sợ hãi và thất vọng. Dân Do Thái mong chờ Đấng Mê-si-a đến để giải thoát, nhưng khi Đức Giê-su đến trong thân phận phàm nhân, sinh ra nơi hang bò lừa và lớn lên trong một gia đình bình thường, họ lại không nhận ra Ngài. Thậm chí khi Đức Giê-su mặc khải cho họ biết Người là Con Thiên Chúa, họ cho rằng Ngài đã nói phạm thượng nên họ đã bắt người và đem đi đóng đinh vào thập giá. Sự hiện diện thể lý làm cho con người dễ tin tưởng nhưng cũng dễ thất vọng.
Vượt lên trên sự hiện diện tự nhiên là hiện diện siêu nhiên. Đức Giê-su đã mặc khải cho các môn đệ về sự hiện diện trong Thần Khí. Đây là sự hiện diện toàn vẹn không giới hạn và mở tâm trí cho con người. Sau khi về trời, Đức Giê-su vẫn tiếp tục hiện diện với các môn đệ thông qua Thần Khí của mình là Chúa Thánh Thần. Sau khi Thầy của mình bị bắt, chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, các môn đệ sợ hãi, thất vọng. Các ông ở trong phòng và đóng kín cửa, nhưng Đức Giê-su đã phục sinh, hiện ra với các ông và Ngài đã ban Thánh Thần cho các ông. Kể từ đó, các môn đệ được đổ tràn Thần Khí của Thiên Chúa. Đức Ki-tô đã hiện diện cách sinh động và ngập tràn trong tâm trí của các môn đệ. Các môn đệ đã nhận ra Đức Ki-tô phục sinh và được đổ tràn Thánh Thần nên các ngài không còn ưu phiền và sợ hãi. Các ngài đã được biến đổi để bung mình ra để dấn thân loan báo tin mừng Phục Sinh cho muôn dân. Sự hiện diện bằng Thần Khí của Chúa là sự hiện diện sống động và làm biến đổi tâm hồn con người. Nhờ đó, nhân loại có được một niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu trên Nước Trời.
Nhờ sự hiện diện toàn vẹn của Thần Khí Chúa, các Ki-tô hữu không những không phải sợ hãi trước những khó khăn, đau khổ do tự nhiên hoặc do con người tạo ra như động đất, lũ lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh và nghèo đói, mà còn tin tưởng, phó thác và can đảm đối diện với chúng. Đồng thời, chúng ta cũng hy vọng vào một tương lai xán lạn mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai tin vào Ngài.
Lạy Chúa Giê-su, Đấng ban Thần Khí cho chúng con, xin Chúa ban ơn cần thiết để chúng con biết mở rộng lòng, biết lắng nghe để chúng con đón nhận Thánh Thần Chúa, nhờ đó chúng con được hướng dẫn và được biến đổi để ngày trở nên con cái Chúa, ngõ hầu chúng con được hiệp nhất với Ngài trên Thiên Quốc. Amen!